Mạng Giáo dục Công dân toàn cầu vừa thành lập Hội đồng Đổi mới Lãnh đạo Giáo dục toàn cầu. 

Với sự phát triển như vũ bão của cuộc cách mạng công nghệ và Internet, Mạng Giáo dục Công dân Toàn cầu, kết quả của sự hợp tác giữa Đại học California Los Angeles (UCLA), tổ chức UNESCO, và Diễn đàn Toàn cầu Boston, thành lập Hội đồng Đổi mới Lãnh đạo Giáo dục Toàn cầu. 

{keywords}

Từ trái sang: Gs Patrick Winston, GS Carlos Torres, GS Michael Dukakis, ông Nguyễn Anh Tuấn

Mục tiêu của Hội đồng là nêu những giải pháp, những sáng kiến đổi mới giáo dục toàn cầu, đặc biệt là trong quản trị, lãnh đạo giáo dục trên cơ sở vận dụng những thành quả của Internet và trí tuệ nhân tạo. Từ đó, khuyến khích các trường học, các tổ chức giáo dục, các doanh nghiệp, các gia đình áp dụng những sáng kiến, những giải pháp đổi mới, cách mạng trong giáo dục nhằm xây dựng một thế giới hòa bình, trí tuệ, văn minh, hạnh phúc. 

Hội đồng quy tụ những giáo sư hàng đầu ở Harvard, MIT, UCLA, những nhà lãnh đạo sáng tạo công nghệ, những nhà lãnh đạo giáo dục ở các nước có nền giáo dục văn minh, tiên tiến như GS Richard Elmore - Trường Giáo dục, ĐH Harvard, GS Marcello Suarez-Orozco - Hiệu trưởng Trường Giáo dục, ĐH UCLA, GS Patrick Winston - người sáng lập Trung tâm trí tuệ nhân tạo và khoa học máy tính ĐH MIT, GS Carlos Torres - Chủ tịch Chương trình Giáo dục Công dân toàn cầu…

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Nguyên Tổng biên tập VietNamNet, hiện là Tổng biên tập Mạng Giáo dục Công dân toàn cầu, là Ủy viên thường trực Hội đồng Đổi mới Lãnh đạo Giáo dục toàn cầu. 

GS Chourci Nazli – ĐH MIT, thành viên Hội đồng, cho biết “Đổi mới sáng tạo luôn thường trực trong suy nghĩ của chúng tôi. Giáo dục có vai trò quan trọng cho tương lai nhân loại, những vấn đề đặt ra hôm nay đã khác rất nhiều, môi trường sống, làm việc đã khác rất nhiều, do đó đổi mới giáo dục là đòi hỏi khách quan, đặc biệt đổi mới tư duy, đổi mới phương pháp, đổi mới mô hình  để đáp ứng được những nhu cầu hôm nay và ngày mai”. 

Ông Nguyễn Anh Tuấn tin rằng sự phát triển mạnh mẽ về công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo và Internet, giúp tạo ra môi trường học tập suốt đời, có thể học ở bất cứ nơi nào, bất cứ lúc nào, học để giải quyết vấn đề đặt ra với bản thân, học với những nhân vật tinh hoa của thế giới… “Và từ sự phát triển này sẽ ra đời những mô hình giáo dục toàn cầu mới, đem đến cơ hội tiếp cận tri thức, học tập cho mọi công dân ở vùng nông thôn, miền núi, ở những quốc gia đang phát triển…”. 

Hội đồng Đổi mới Lãnh đạo Giáo dục toàn cầu sẽ khuyến nghị những giải pháp đổi mới có tính cách mạng trong giáo dục toàn cầu. Đây sẽ là cơ hội lớn cho những nước đang phát triển rút ngắn khoảng cách với các nước văn minh, phát triển.

Hội đồng Đổi mới Lãnh đạo Giáo dục Toàn cầu sẽ bắt đầu hoạt động từ ngày 1/7/2017.

Ngọc Mai