Xem nhanh:
  • • Tết Thanh minh rơi vào ngày nào?
  • • Ý nghĩa của tết Thanh minh

Tết Thanh minh rơi vào ngày nào?

TS. Trần Long, Trưởng bộ môn Văn hóa Việt Nam, khoa Văn hóa học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) cho biết, một năm có 24 tiết khí, trong đó Thanh minh là tiết khí thứ 5, bắt đầu sau ngày Lập xuân 45 ngày và sau ngày Đông chí 105 ngày.

Người xưa chọn ngày đầu tiên của tiết Thanh minh để làm tết Thanh minh. Theo nghĩa đen, “thanh” là khí trong, còn “minh” là sáng sủa. Thanh minh nghĩa là trời mát mẻ, quang đãng.

anh 7 tet thanh minh.png
Người Tày, Nùng ở Cao Bằng đi tảo mộ vào tết Thanh minh. Ảnh: Ngọc Quý

Tiết Thanh minh thường bắt đầu từ ngày 4/4 hoặc 5/4 đến khoảng ngày 20/4 hoặc 21/4 dương lịch hàng năm.

Căn cứ vào lịch vạn niên, tết Thanh minh năm 2024 rơi vào thứ 5, ngày 4/4 dương lịch, tức ngày 26/2 âm lịch. Tiết Thanh minh năm nay kéo dài khoảng 15 - 16 ngày, từ ngày 4/4 đến ngày 19/4 dương lịch.

Ý nghĩa của tết Thanh minh

Tết Thanh minh là dịp để mọi người báo hiếu, bày tỏ lòng thành kính đối với ông bà, tổ tiên.

Thanh minh gắn liền với tục tảo mộ, một phong tục phổ biến của người Việt khắp mọi miền đất nước. Vào ngày tết Thanh minh, các gia đình thường thăm viếng mộ, cắt tỉa cỏ dại trên mộ người thân.

Theo chuyên gia phong thủy Nguyễn Song Hà, phong tục tảo mộ xuất phát từ việc vào tiết Thanh minh thời tiết chuyển sang ấm dần, mưa nhiều hơn, cây cỏ tốt hơn trùm kín lên mộ, có thể làm mộ sụt lở nên cần phải cắt cỏ, đắp thêm đất lên mộ. 

Đặc biệt, những dòng tộc lớn thường có những ngày tảo mộ được quy định rất cụ thể, như một truyền thống của dòng tộc để con cháu thực hiện, thắt chặt tình yêu thương, đoàn kết…

Thăm viếng phần mộ tổ tiên cũng là nét đặc trưng của văn hóa cổ truyền, một tục lệ trong “đạo thờ ông bà” của dân tộc ta. Nhiều gia đình cho rằng, Thanh minh tảo mộ cũng là dịp giãi bày với ông bà, tổ tiên những chuyện đã xảy đến trong giai đoạn đầu năm với lòng tin sẽ được tổ tiên phù hộ cho những ngày sau đó.

Ngày Tết Thanh minh cũng là dịp để gia đình sum họp, quây quần bên nhau, thưởng thức những bữa cơm đoàn viên.

Sau khi tảo mộ, con cháu còn thắp hương, đốt vàng mã hoặc đặt thêm bó hoa cho linh hồn người đã khuất.

Bên cạnh những ngôi mộ được trông nom, chăm sóc cẩn thận, còn có những ngôi mộ vô chủ, không người thăm viếng. Vào dịp Thanh minh, những người đi viếng mộ thường cắm cho các ngôi mộ này một nén hương.

(Tổng hợp)