Sinh ra trên mảnh đất xứ Nghệ, anh Lê Hồng Thái (SN 1985) vào TP Đà Nẵng theo học Trường ĐH Bách khoa chuyên ngành xây dựng.

Sau khi tốt nghiệp ĐH, anh Thái được nhận vào làm kỹ sư xây dựng trong một công ty ở Đà Nẵng. Làm việc trong môi trường xây dựng từ năm 2010 đến 2018, khi mức lương đạt gần 30 triệu đồng (hơn 1.000 đô) với công việc là chỉ huy trưởng công trình - nhưng anh Thái quyết tâm bỏ nghề để theo đuổi đam mê với gỗ.

“Khi mới nghỉ việc, tôi về TP Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam) để theo đuổi làm gỗ mỹ nghệ, bàn ghế gỗ, tượng gỗ… Bước đầu rất chật vật vì phải tìm hiểu nguyên liệu, đến việc tìm đầu ra… với mong muốn phục hồi lại nghề truyền thống gỗ của tỉnh Quảng Nam”, anh tâm sự.

Giai đoạn đầu tiên là bắt dáng

Quá trình tìm tòi, đến cuối năm 2021, trong một lần đến nhà người bạn chơi, anh thấy được tác phẩm bonsai làm từ gỗ, được người bạn tặng về trưng bày.

“Lúc đó, nhiều người hỏi mua tác phẩm này, tôi quyết định tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới với bonsai. Ban đầu không biết nên để những gỗ gì? thiết kế như thế nào?. Sau gần 2 tuần tìm tòi thì tình cờ thấy được gốc trầm từ một người bạn đang rao bán, tôi quyết định ngay sau đó, chọn trầm làm con đường riêng của mình”, anh Thái nhớ lại.

Công đoạn tạo dáng

Anh kể, thời gian đầu là quá trình vất vả vì nguồn phôi trầm rất ít. Để tìm đến những gốc trầm tự nhiên tôi phải lên các vùng cao của huyện Tiên Phước (tỉnh Quảng Nam). Khi tìm được nguồn hàng, anh Thái bắt tay vào công việc sản xuất.

Tiếp đó là tìm những phụ kiện gì để sản phẩm thực sự độc đáo, những ngày đầu anh suy nghĩ đến tiểu cảnh dùng cây thật, nhưng sau đó anh lại hướng đến những phụ kiện tự tay mình làm. Cuối cùng, anh chọn cho mình các dây đồng, dây nhôm để uốn nắn thành những cây cổ thụ gắn lên gốc trầm.

Giai đoạn tiếp theo là tạo và gắn đế

Anh chia sẻ, việc tạo ra một tác phẩm cần có nhiều công đoạn. Giai đoạn đầu là bắt dáng, từ một thanh gỗ mình phải thêm thắt những gì vào đó để có được một sản phẩm đẹp là điều người làm cần chú ý. Anh nói, đây cũng là công đoạn khó nhất để tạo hình tác phẩm.

“Ví như một gốc trầm hương dài và cong có thể làm được một chiếc thuyền nan, trên đó thiết kế một người chèo thuyền, cây cối… Hay như một gốc trầm nhọn, thẳng đứng thì hãy xem nó như một núi đá, thêm vào đó là một cây cổ thụ, gắn rễ xung quanh để tạo sự uy nghi sản phẩm”, anh Thái kể.

Tiếp theo là trang trí, lên hình

Sau khi bắt dáng, người nghệ nhân sẽ bắt đầu trau chuốt lại gốc trầm cho sắc nét và làm đế cho sản phẩm. Đế được dựng bằng gỗ, nhựa cứng, hoặc đá. Theo anh, tạo đế cần phải chắc chắn, gỗ phải bền hoặc nhựa phải dùng chất liệu cao cấp để giữ được lâu. Khi đã cố định trầm vào phần đế, giai đoạn tiếp theo là trang trí, lên hình.

Giai đoạn này anh sử dụng các dây đồng và nhôm nhỏ để uốn nắn, căn chỉnh tạo hình từng lá, cành, rễ để bám vào gốc trầm.

“Đây là công đoạn mất nhiều thời gian và đòi hỏi sự khéo léo của người tạo hình...”, anh Thái chia sẻ.

Một sản phẩm hoàn thành

Sản phẩm cuối cùng của anh sẽ là những gốc trầm vô tri, vô giác, kết hợp với dây đồng, dây nhôm uốn thành gốc cổ thụ, phụ kiện để có một tác phẩm bonsai độc lạ.

Mỗi sản phẩm của anh tùy thuộc vào từng loại trầm, khối lượng lớn nhỏ để có những giá thành khác nhau giao động từ 3 đến 15 triệu, một số sản phẩm lên đến hàng trăm triệu đồng vì gốc trầm đó có giá cao.

Từ lúc bén duyên với trầm đến bây giờ, anh Thái đã tạo khoảng 100 tác phẩm, anh thuê thêm 3 người cùng chế tạo.

Mỗi sản phẩm của anh giao động từ 3 đến 15 triệu

Theo anh, các sản phẩm của anh dùng để trưng bày, tặng biếu, vì độc lạ nên được khá nhiều người quan tâm. Hiện mỗi tháng anh bán tầm khoảng 10 sản phẩm với doanh thu hơn 100 triệu.

“Trừ hết chi phí nguyên vật liệu, nhân công… thì tôi lời khoảng 20%” - anh chia sẻ.

Nhiều sản phẩm lên đến hàng trăm triệu đồng

Từ lúc bắt đầu bén duyên với trầm đến bây giờ, anh Thái đã tạo khoảng 100 tác phẩm

Một sản phẩm của anh Thái

Phó Chủ tịch UBND TP Tam Kỳ Nguyễn Hồng Lai đánh giá, anh Thái là một trong những bạn trẻ khởi nghiệp đã có thành công bước đầu và được nhiều người biết đến.

“Với các bạn trẻ muốn theo đuổi ý tưởng khởi nghiệp, TP cùng câu lạc bộ khởi nghiệp ở đây luôn đồng hành và hỗ trợ. Về cơ chế, tỉnh cũng tạo điều kiện cho việc vay vốn, cùng với đó, việc tiêu thụ sản phẩm sẽ được ưu tiên...”, ông Lai nói.

Công Sáng