Diệu kỳ Đà Nẵng

“Đà Nẵng phải nói là một thành phố phát triển ngoài kỳ vọng của nhân dân Đà Nẵng”, ông Phan Kim Tuấn, Đảng viên lão thành – người con của Đà Nẵng thốt lên trước sức thay đổi diệu kỳ của thành phố này trong hơn thập kỷ qua.

Ông Phan Kim Tuấn bồi hồi kể lại sức vươn lên mạnh mẽ của Đà Nẵng.

{keywords}
Đà Nẵng đã trở thành đô thị hiện đại bậc nhất Việt Nam.

 “Kết thúc chiến tranh Đà Nẵng không có gì cả, nó chỉ có vài ba trăm con đường, và lại là một thành phố trực thuộc, người dân rất ít công việc để sinh sống. Nhưng sau chiến tranh, thành phố Đà Nẵng đã vượt lên tất cả những khó khăn đó, tạo ra một diện mạo mới. Đặc biệt là từ khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố bắt đầu xây dựng và phát triển”, ông Phan Kim Tuấn hồ hởi trước diện mạo của Đà Nẵng.

Và những người như ông Tuấn không thể quên được một nghị quyết đã góp phần đưa Đà Nẵng vươn lên trở thành “thành phố đáng sống”. Đó là Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 16/10/2003 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Ông Phan Kim Tuấn chia sẻ: Nghị quyết 33 của Bộ Chính trị đã tạo ra cho thành phố bước đi vững chắc hơn, vươn lên tầm rất cao như hiện nay.

Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Đình An, nguyên Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam thành phố Đà Nẵng cũng không khỏi xúc động khi nhắc đến sự đổi thay của Đà Nẵng.

Ông Nguyễn Đình An bộc bạch: Từ khi Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 1997 đã có sự phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt sau Nghị quyết 33 năm 2003 thì thành phố đã có sự thay đổi không thể nói hết được, rất là kỳ diệu. Tôi nói chỉ riêng về cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị thì Đà Nẵng đã làm được việc rất lớn, coi như là thay trời đổi đất, sắp đặt lại thành phố.

“100 ngàn hộ dân thuộc diện di dời giải tỏa. Rất nhiều người, nhiều gia đình phải rời bỏ nơi mình sinh sống bao đời, có nơi thờ tự ông bà, tổ tiên nhưng họ đều vui lòng đến chỗ mới vì sự phát triển của thành phố. 100 ngàn hộ dân mà chỉ đếm không hết 10 đầu ngón tay các hộ không chấp hành, phải cưỡng chế. Như vậy có thể nói người dân Đà Nẵng ý thức rất rõ tư tưởng lớn cho thành phố phát triển, cũng là tương lai của nhà mình”, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình An nhắc lại.

{keywords}
Đà Nẵng là thành phố của những câu cầu ấn tượng.

Vạch ra chặng đường mới cho Đà Nẵng

Bên cạnh những thành tựu đạt được, Đà Nẵng cũng đang bộc lộ các tồn tại, hạn chế. Tốc độ phát triển của Đà Nẵng bắt đầu chậm lại, thậm chí còn bị bỏ lại ở một số chỉ tiêu quan trọng về kinh tế - xã hội.

Nói về chặng đường phát triển thời gian tới cho Đà Nẵng, ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết: Bộ Chính trị đã giao cho Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với thành ủy Đà Nẵng và các bộ, ban, ngành có liên quan, cũng như các địa phương, các trường đại học, các viện nghiên cứu, các nhà khoa học trong nước và quốc tế tổ chức tiến hành đánh giá kết quả 15 năm thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp – hiện đại hóa. Trên cơ sở kết quả của đề án, Bộ Chính trị đã họp và ngày 24/1/2019 vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

“Đây là một Nghị quyết hết sức quan trọng, vạch ra chủ trương, đường lối cho phát triển thành phố Đà Nẵng trong 10 năm tới và các năm tiếp theo. Nghị quyết ra đời được nhân dân Đà Nẵng và nhân dân cả nước hết sức đồng tình, ủng hộ tạo ra khí thế mới cho phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời gian tới đây”, ông Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh.

 

{keywords}
Ông Nguyễn Văn Bình - Trưởng Ban Kinh tế TW.

 Đề cập đến quan điểm, các mục tiêu, các giải pháp mới cho Đà Nẵng, Trưởng ban kinh tế Trung ương cho hay: Đà Nẵng là một thành phố cảng, một thành phố biển có điều kiện tự nhiên hết sức ưu đãi. Với vị trí như vậy có thể xác định Đà Nẵng có một địa chính trị, địa kinh tế hết sức quan trọng, một lợi thế hết sức lớn lao. Đà Nẵng nằm ở trên trục Bắc Nam, cũng như là hành lang Đông - Tây. Như vậy chúng ta phải thấy Đà Nẵng sẽ là trung tâm phát triển của cả khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Vì thế, xây dựng và phát triển Đà Nẵng không chỉ riêng cho Đà Nẵng mà còn tạo ra động lực và sự lan tỏa cho cả vùng.

“Với việc xác định như vậy, chúng ta cũng đặt ra 3 trụ cột lớn cho phát triển Đà Nẵng trong thời gian tới. Đó là phát triển thành trung tâm du lịch của quốc tế, công nghiệp công nghệ cao và phát triển một thành phố cảng theo hướng tăng cường hoạt động về logistics”, ông Nguyễn Văn Bình chia sẻ.

Từ 3 trụ cột lớn đó, Trưởng ban kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình mong muốn đến năm 2030 xây dựng Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực Châu Á vào năm 2045.

PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng: Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị về Đà Nẵng là một sự tổng kết cũng như là định hướng rất kịp thời cho Đà Nẵng trong giai đoạn mới. Vì sao như vậy? Đà Nẵng được coi là trung tâm của cả vùng duyên hải miền Trung - Tây nguyên nên mang tính đặc thù rất cao. Thứ hai Đà Nẵng có sức quyến rũ đặc biệt mạnh. Thứ ba là tính đặc sắc của Đà Nẵng trong phát triển, mà sự đặc sắc này nó giúp cho phát triển Đà Nẵng có thể cạnh tranh quốc tế tốt.

“Ba yếu tố đấy cho thấy rằng Bộ Chính trị ban hành một nghị quyết riêng cho Đà Nẵng là cực kỳ thích hợp”, ông Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

Theo ông Trần Đình Thiên, với Nghị quyết 43 lần này, Bộ Chính trị đã xác định đúng cái tầm gắn với thời đại cho Đà Nẵng, xác định đúng vị thế của Đà Nẵng trong sự phát triển của miền Trung - Tây Nguyên cũng như của cả nước.

Một điều vị chuyên gia này thấy “cực kỳ ấn tượng” với Nghị quyết 43 là đặt ra cho Đà Nẵng những mục tiêu mang tính cam kết rõ ràng. Ví dụ như đóng góp cho GDP của Đà Nẵng cho quốc gia tăng lên gấp đôi; tốc độ tăng trưởng của Đà Nẵng phải cao vượt trội so với tốc độ tăng trưởng dự kiến cho cả quốc gia…

Phân tích vai trò của Nghị quyết 43, Tiến sĩ Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ cho rằng: Thực sự Đà Nẵng cũng có một sự bứt phá nhất định trong thời gian vừa qua, đã hình thành đô thị tương đối hiện đại. Tuy nhiên với việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 43, tôi cho rằng Đà Nẵng có cơ sở để xây dựng quy hoạch Đà Nẵng chung phát triển trong dài hạn đến năm 2045.

Hoài Nam