Nhằm nâng cao năng lực số cho thanh thiếu niên trên địa bàn thành phố, tìm kiếm và phát huy những ý tưởng có tính thực tiễn cao trong lĩnh vực giáo dục, Thành đoàn tổ chức dự án “Thanh thiếu niên Đà Nẵng với chuyển đổi số trong giáo dục” năm 2024, thu hút 27 đội dự án đến từ các trường THPT, TTGDTX trên địa bàn thành phố tham gia.
Trong khuôn khổ hoạt động, từ tháng 10-2024, Thành đoàn tổ chức chương trình đào tạo kỹ năng cho các đội với 4 chuyên đề, gồm: các vấn đề chung về thực trạng chuyển đổi số trong giáo dục hiện nay, các giải pháp đổi mới, cụ thể, thiết thực và hiệu quả; kỹ năng xây dựng và quản lý dự án; kỹ năng lãnh đạo và làm việc nhóm; kỹ năng thuyết trình và tư duy phản biện.
Bên cạnh đó, các dự án được tham gia chương trình workshop tư vấn và phát triển hoàn thiện dự án với sự tham gia hỗ trợ của các chuyên gia.
Đồng thời, được tham quan, trải nghiệm thực tế một số mô hình chuyển đổi số tại Trung tâm Công nghệ sinh học Đà Nẵng và Không gian sáng tạo số tại Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng).
Đội thi đến từ Trường THPT Liên Chiểu xuất sắc giành giải nhất với dự án “Edumate - Ứng dụng hỗ trợ học tập thông minh”. Dự án này không chỉ có giao diện đẹp mắt, thân thiện, tính năng thông minh, mà còn có tính ứng dụng rất cao trong giáo dục.
Nguyễn Gia Hân - thành viên đội cho biết, ưu điểm của Edumate là có thể phân tích hành vi học tập, đề xuất nội dung phù hợp và tối ưu hóa quá trình tiếp thu.
Bằng cách sử dụng nền tảng công nghệ AI, Machine Learning, Big data, ứng dụng có thể xử lý khối lượng dữ liệu lớn và cung cấp thông tin chi tiết về tiến độ học tập.
Ngoài ra, ứng dụng còn hỗ trợ đa ngôn ngữ, có các bài kiểm tra đánh giá và diễn đàn để chia sẻ tài nguyên học tập, phát triển kỹ năng mềm cho học sinh, sinh viên.
“Đội mong muốn, qua dự án sẽ giúp các bạn học sinh, sinh viên trau dồi kỹ năng tự học, nâng hứng thú học tập. Đồng thời, tạo ra công cụ hỗ trợ học tập hiệu quả đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông 2018”, Hân chia sẻ.
Không chỉ những dự án hỗ trợ học tập, đoàn viên, thanh niên đến từ các trường còn tạo ra nhiều sản phẩm kỹ thuật số với mục đích nâng cao chất lượng giáo dục hòa nhập.
Trong đó, đáng chú ý là dự án “Xây dựng hệ thống chuyển ngữ dành cho học sinh khiếm thính nhằm nâng cao chất lượng giáo dục hòa nhập” của Đoàn Trường THPT Thanh Khê.
Theo các thành viên của đội, bằng giải pháp xây dựng web, ứng dụng chuyển ngữ trên điện thoại, dự án hỗ trợ học sinh khiếm thính trong học tập và giải trí ở mức độ đơn giản.
Thông qua dự án, học sinh khiếm thính có thể học ngôn ngữ ký hiệu thông qua hình ảnh đồng bộ với nội dung được truyền đạt trong video, giúp tăng cường khả năng học hỏi, trải nghiệm và thu hẹp khoảng cách giao tiếp.
Để thực hiện dự án này, nhóm đã tìm hiểu và đánh giá thực trạng ảnh hưởng của ngôn ngữ ký hiệu đến nhận thức và sự quan tâm của học sinh.
Trong tương lai, nhóm nghiên cứu sẽ cải tiến ứng dụng với độ chính xác 90% và sẽ có mặt ở tất cả dòng điện thoại, cập nhật thêm các ngôn ngữ ký hiệu mới.
Theo Phó Bí thư Thành đoàn Nguyễn Thị Anh Thảo, chuyển đổi số trong giáo dục không chỉ là việc ứng dụng công nghệ mà còn đòi hỏi thay đổi tư duy học tập và giảng dạy.
Đặc biệt, thế hệ gen Z với sự nhạy bén và sáng tạo đã nhanh chóng bắt nhịp và phát triển nhiều giải pháp đột phá. Các dự án nổi bật như ứng dụng quản lý thời khóa biểu điện tử, chatbot hỗ trợ giải bài tập hay các ứng dụng học tập thông minh đều có tính thực tiễn rất cao.
Những ý tưởng này không chỉ nâng cao chất lượng học tập mà còn khuyến khích học sinh tích cực tham gia quá trình học, tạo ra môi trường học tập hiệu quả và đổi mới.
“Thông qua hoạt động dự án, chúng tôi muốn tạo điều kiện, khuyến khích các em thanh thiếu nhi tham gia vào công cuộc chuyển đổi số, trước hết là để có kiến thức, sau đó là sáng tạo để chung tay lan tỏa chuyển đổi số mạnh mẽ trong cộng đồng”, chị Thảo nói.
Theo THIÊN DUYÊN (Báo Đà Nẵng)