Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) cho biết, trong thời gian qua, Bộ Công an đã hoàn thành việc xây dựng, quản trị, vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với 104 triệu dữ liệu công dân Việt Nam đảm bảo nguyên tắc xuyên suốt “đúng - đủ - sạch - sống”; cấp trên 80 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử và đang tiếp tục phấn đấu hoàn thành việc cấp căn cước công dân cho toàn bộ công dân đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.
Đại tá Tấn cũng cho rằng, các giải pháp, sản phẩm, dịch vụ Bộ Công an đã hoàn thiện, các ngân hàng có thể nghiên cứu sử dụng.
Với nền tảng dữ liệu dân cư đảm bảo đúng - đủ - sạch - sống và các dữ liệu làm giàu, Bộ Công an đã có “bản đồ số” cho phép thống kê, phân tích, dự báo các chỉ số dữ liệu như: mật độ, độ tuổi, dân tộc, tôn giáo, trình độ, quan hệ hôn nhân, thành phần gia đình...
Đây là dữ liệu quan trọng mà ngành ngân hàng rất cần thiết để hoạch định chính sách kinh doanh, chiến lược đầu tư tài chính, tín dụng, mở rộng thị trường, marketing sản phẩm mà không tốn kém chi phí cho khảo sát, đánh giá thị trường.
Ông Lê Hoàng Chính Quang, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, NHNN cho biết các tổ chức tín dụng đang phối hợp với Bộ Công an triển khai mở rộng giải pháp xác thực khách hàng qua thẻ căn cước công dân gắn chíp và triển khai giải pháp xác thực khách hàng qua ứng dụng VNeID trong việc mở tài khoản và sử dụng các dịch vụ ngân hàng điện tử.
Trong đó, về ứng dụng thẻ căn cước công dân gắn chip hiện có 40 tổ chức tín dụng đã và đang triển khai thực hiện; về ứng dụng tài khoản định danh và xác thực điện tử, có 10 tổ chức tín dụng đã và đang liên hệ C06 để triển khai thực hiện; về làm sạch dữ liệu khách hàng mở tài khoản thanh toán tại các tổ chức tín dụng, có 27 tổ chức tín dụng đã và đang triển khai; về ứng dụng chấm điểm tín dụng thì hiện có 7 tổ chức tín dụng đang phối hợp với C06 để thực hiện…
Là một trong số ít đơn vị được cấp Giấy chứng nhận là đơn vị được cung cấp sản phẩm, dịch vụ xác thực căn cước công dân gắn chíp do Trung tâm Dữ liệu Quốc gia về dân cư, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an cấp, ông Đặng Thành Tuân, Phó Tổng Giám đốc Công ty Epay cho biết: Epay cung cấp các giải pháp định danh xác thực điện tử và các ứng dụng khác trong chuyển đổi số ngành Ngân hàng dựa trên nền tảng sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, căn cước công dân gắn chíp, tài khoản định danh và xác thực điện tử, kết hợp cùng công nghệ nhận diện sinh trắc học.
Các giải pháp của Epay giúp làm sạch dữ liệu, góp phần giải quyết các vấn đề về giả mạo danh tính, phòng, chống rửa tiền cũng như xác thực định danh khách hàng. Các giải pháp của Epay bao gồm: Giải pháp xác thực, định danh khách hàng trực tuyến bằng thiết bị di động của khách hàng đầu cuối để thực hiện các giao dịch ngân hàng điện tử, ngân hàng số; giải pháp xác thực, định danh khách hàng tại quầy giao dịch bằng thiết bị chuyên dụng được chứng nhận bởi Bộ Công an; dịch vụ xác thực định danh và hỗ trợ thanh toán điện tử.
Những giải pháp này sẽ giúp ngân hàng và khách hàng rút ngắn thời gian làm thủ tục, ngân hàng kiểm soát tốt hơn chất lượng tín dụng, nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Thanh toán các dịch vụ công qua ngân hàng đạt kết quả tích cực Thanh toán điện tử trong khu vực Chính phủ, dịch vụ hành chính đạt được kết quả tích cực. NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại, các tổ chức trung gian thanh toán tích cực đầu tư ứng dụng công nghệ, nghiên cứu, có giải pháp kết nối với Cổng dịch vụ công Quốc gia (DVCQG) để thực hiện thanh toán trực tuyến cho các dịch vụ đã được tích hợp trên Cổng DVCQG, áp dụng chính sách miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán đối với các giao dịch thanh toán. Tiếp tục đẩy mạnh thanh toán không tiền mặt đối với dịch vụ công; tăng cường sự phối hợp các bộ, ngành, chính quyền địa phương trong phát triển, kết nối cơ sở hạ tầng đảm bảo sự liên thông, đồng bộ; chỉ đạo các ngân hàng thương mại nghiên cứu chính sách phí đảm bảo phù hợp, khuyến khích các ngành, lĩnh vực, người dân, doanh nghiệp tham gia. |