Ngày 12/6, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Quyết định về việc điều chỉnh kế hoạch thanh tra năm 2020 của cơ quan này và Công văn về định hướng công tác thanh tra sáu tháng cuối năm 2020.
Theo đó, sáu tháng cuối năm 2020, ngành lao động, thương binh và xã hội sẽ tập trung thanh tra diện rộng việc thực hiện chính sách hỗ trợ giảm nghèo, trọng tâm là công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Thanh tra diện rộng việc thực hiện chính sách hỗ trợ giảm nghèo |
Căn cứ yêu cầu, nhiệm vụ của ngành, đặc biệt trong thực hiện chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội định hướng công tác thanh tra sáu tháng cuối năm 2020 cụ thể như sau.
Trước hết, dừng thanh tra việc thực hiện các quy định pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế tại các doanh nghiệp theo Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29-5-2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản suất, kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Tiếp đó, tăng cường công tác thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn lao động tại các công trình xây dựng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 553/CĐ-TTg ngày 14-5-2020.
Bên cạnh đó, tập trung thanh tra diện rộng việc thực hiện chính sách hỗ trợ giảm nghèo, trọng tâm là công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo. Giao Sở Lao động, Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với các cơ quan chức năng tại địa phương triển khai thực hiện, trừ sáu huyện tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hội trực tiếp thực hiện.
Đó là các huyện: Phú Xuyên (Thành phố Hà Nội), Thọ Xuân (Thanh Hóa), Văn Giang (Hưng Yên), Đơn Dương (Lâm Đồng), Chư Prông (Kon Tum).
Tại hội thảo mới đây do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức, tỷ lệ nghèo cả nước đã giảm từ 9,88% (năm 2015) xuống còn 3,75% (năm 2019), bình quân giảm 1,53%/năm, đạt vượt so với mục tiêu đề ra là 1-1,5%/năm.
Tỷ lệ hộ nghèo thiếu hụt đa chiều có xu hướng giảm mạnh hơn trong tổng số tỷ lệ hộ nghèo chung, từ 24,4% (năm 2015) xuống còn 6,83% (năm 2019). Số lượng hộ nghèo thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản được giảm mạnh sau 4 năm (đặc biệt là số lượng hộ nghèo thiếu hụt chỉ số nhà tiêu hợp vệ sinh, chỉ số nước hợp vệ sinh, chỉ số chất lượng nhà ở giảm 40-50%).
Thúy Tình
Ảnh: Lê Hạnh