Đến nay đã 31 năm trôi qua, nhưng tôi vẫn nhớ mãi trong lòng và có lẽ cũng không bao giờ quên được câu nói nhắn gửi của một phụ huynh học sinh ngày nào! Nó như một bài học vỡ lòng cho tôi khi mới vào nghề dạy học.

Năm 1986, tôi nhận quyết định về giảng dạy ở trường cấp I,II Diên Tân, Diên Khánh, Khánh Hòa, là một xã kinh tế mới của huyện Diên Khánh lúc bấy giờ. Nhiều người nói đây là vùng “khỉ ho cò gáy”. 

Thật vậy, đời sống của nhân dân nơi đây hết sức khó khăn, họ chỉ biết vào rừng chặt củi về bán để kiếm sống qua ngày. Nhiều em học sinh sáng đến trường chiều cũng theo cha mẹ vào rừng  chặt củi. Đồng ruộng thì khô cằn, chỉ canh tác được một vụ nước trời vào tháng mười âm lịch khi bắt đầu có mưa.

{keywords}

Những học trò nhỏ người Lào Lự, người H’Mông, người Thái, người Dao Trường Tiểu học Phiêng Hào, xã Mường Khoa, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu. Ảnh: Lê Anh Dũng.

Một hôm, tôi thấy có nhiều em học sinh lớp 7 đi chân không vào lớp. Tôi liền nói “Các em ở trên này nên giống người dân tộc hết”. Ý tôi muốn nói các em đi chân không như người dân tộc họ không đi dép vậy (vì ở xã Diên Tân lúc bấy giờ có nhiều người dân tộc Raglai sinh sống). Không ngờ, tối hôm ấy có 3 phụ huynh học sinh đến khu tập thể nơi tôi ở gặp tôi để hỏi chuyện. Thật sự ban đầu, tôi không biết phụ huynh gặp tôi nói chuyện gì.

Rồi một phụ huynh hỏi “Tại sao thầy nói con tôi giống người dân tộc?”

Lúc này tôi mới hiểu ra rằng việc sáng nay mình nói học sinh giống người dân tộc đã gây ra sự không hài lòng của phụ huynh. Tôi cũng hơi hoang mang vì lần đầu tiên tiếp phụ huynh, không biết họ có hiểu ý tốt của tôi không? Họ muốn gì ở tôi? Tôi đúng hay sai? Phải trả lời họ thế nào đây? Hàng loạt câu hỏi tôi tự đặt ra trong đầu. Thật sự, tôi hơi run vì mới ra trường chưa có kinh nghiệm gì hết trong quan hệ với phụ huynh học sinh.

Tôi cố bình tĩnh trả lời phụ huynh rằng “Ý tôi muốn nói các em phải đi dép, không nên di chân không lỡ không may đạp phải đinh, gai… thì rất nguy hiểm”. Đây đúng là ý tôi khuyên các em nên đi dép, nhưng vì các em không hiểu nên về nói với bố mẹ, lại thành ra tôi chê bai con họ! 

Một phụ huynh khác lên tiếng “Con tôi làm gì có dép để đi!”.

{keywords}

Những học trò nhỏ người Lào Lự, người H’Mông, người Thái, người Dao Trường Tiểu học Phiêng Hào, xã Mường Khoa, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu. Ảnh: Lê Anh Dũng.

Lúc này, tôi thật sự hối hận vì đã không biết được phụ huynh rất nghèo, không có tiền để mua cho con đôi dép đi học. Tôi chỉ biết nói xin lỗi phụ huynh vì không biết nguyên nhân tại sao các em không có dép.

Rất may, sau khi tôi giải thích, phụ huynh cũng hiểu được và thông cảm về lời nói của tôi. Khi ra về, một phụ huynh nhắn nhủ một câu mà tôi nhớ mãi: “Thầy cần phải học nói”

Tôi đã rất buồn và tự trách mình khi chưa tìm hiểu vì sao nhiều em không có dép mà vội nói như vậy. Tuy buồn, nhưng sự việc đó cũng cho tôi thêm kinh nghiệm sống: Hãy thận trọng trước khi nói, nhất là đối với học sinh phải thật chuẩn mực. 

Kể câu chuyện này, tôi mong đồng nghiệp hãy hiểu rằng ở nhiều nơi học sinh còn nhiều khó khăn thiếu thốn, nếu không thể giúp được các em thì cũng nên thông cảm đừng bắt học sinh phải theo những quy định do thầy cô đặt ra, vô tình làm khó học sinh như: phải có dây buộc tóc, không được đi dép không có quai hậu, phải có đồng phục, phải có cặp đựng sách vở… mà đầu năm các trường thường hay quy định. 

Nguyễn Văn Lực (Giáo viên trường THCS Trịnh Phong, Diên Khánh, Khánh Hòa)