Có mặt tại UBND thị trấn Di Lăng (Sơn Hà) từ đầu giờ sáng để làm giấy khai sinh cho con, anh Đinh Văn Xu, ở tổ dân phố Làng Dầu, đã được anh Lê Văn Hải, thành viên của Tổ công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ) thị trấn, hướng dẫn thực hiện các TTHC trên Cổng Dịch vụ công. Anh Xu chia sẻ, ban đầu tôi chưa quen, thấy khó nên từ chối. Tuy nhiên, sau khi nghe cán bộ xã hướng dẫn làm thủ tục trực tuyến, tôi thấy cũng không khó lắm. Việc đăng ký khai sinh cho con bằng hình thức trực tuyến rất thuận lợi. 

Quảng ngãi3.jpg
Cán bộ UBND thị trấn Di Lăng (Sơn Hà) hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng BHXH số (VssID). Ảnh: PV

Không riêng gì anh Xu, mà đa số người dân trên địa bàn thị trấn ban đầu đều e ngại khi tiếp cận ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thực hiện các TTHC. Chủ tịch UBND thị trấn Di Lăng Bùi Văn Ba cho biết, người dân miền núi lâu nay đến cơ quan hành chính nhà nước làm các TTHC theo cách thủ công truyền thống.

Do vậy, khi thành viên của tổ CNSCĐ hướng dẫn ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện các TTHC, người dân chưa mặn mà. Các thành viên trong tổ CNSCĐ đã kiên trì, tận tình hướng dẫn, giải thích về việc cần thích ứng với chuyển đổi số. Nhờ đó, người dân thay đổi nhận thức và tham gia thực hiện các TTHC bằng hình thức trực tuyến. 

So với một số huyện miền núi khác, công tác chuyển đổi số ở huyện Sơn Hà vẫn còn chậm do nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, qua triển khai thực hiện công tác chuyển đổi số trên địa bàn huyện, bước đầu đã đem lại hiệu quả tích cực. Đến nay, 100% doanh nghiệp và hộ kinh doanh trên địa bàn huyện đã áp dụng phương pháp kê khai và nộp thuế điện tử; đối với hộ kinh doanh nộp thuế khoán đã thực hiện nộp thuế điện tử đạt 30%; việc luân chuyển hồ sơ về đất thực hiện qua hệ thống điện tử 100%. Hạ tầng mạng viễn thông phủ sóng di động đến 100% trung tâm xã, thị trấn, trên 95% thôn, tổ dân phố. Hạ tầng mạng truyền dẫn cáp quang kết nối và cung cấp dịch vụ đến 100% trung tâm xã, thị trấn, 60% kết nối đến thôn, tổ dân phố...

Theo Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà Đinh Thị Trà, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng thời gian qua, huyện đã nỗ lực triển khai thực hiện công tác chuyển đổi số. Huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số huyện, 100% cơ quan cấp huyện bố trí ít nhất 1 - 3 cán bộ chuyên trách, phụ trách công nghệ thông tin.

Đồng thời, thành lập 102 tổ CNSCĐ làm nền tảng ban đầu về nguồn nhân lực triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Thời gian tới, huyện sẽ tập trung phát triển kinh tế số, hạ tầng số, xã hội số; thúc đẩy đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực số.

Theo An Nhiên (Báo Quảng Ngãi)