Những giá trị làm người: Nhân - Nghĩa - Lễ - Trí - Tín không hề xa lạ với văn hóa Việt Nam. Những giá trị, những phẩm chất này có thể tìm thấy trong văn hóa Việt Nam, trong tinh thần Việt rất phổ biến.
Để giáo dục con người về văn hóa ứng xử và lối sống nhân bản, Việt Nam đã từng áp dụng các giá trị truyền thống của Khổng Tử gồm Nhân - Nghĩa - Lễ - Trí - Tín trong một thời gian rất lâu dài.
Cần hệ giá trị mới?
Những giá trị (hay còn gọi là các đức tính) này đã giúp duy trì ổn định trật tự xã hội trong 1 giai đoạn nhất định. Tuy nhiên thời kỳ hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa, tôi thấy một số giá trị cũ này nói chung và chữ Lễ nói riêng đã không còn phù hợp nữa.
Ngoài những lý do mà nhiều tác giả đã nêu ra khi yêu cầu bỏ chữ Lễ ra khỏi khẩu hiệu suông "Tiên học Lễ, hậu học Văn", tôi còn thấy có 1 lý do hết sức quan trọng nữa cần phải bỏ chữ Lễ.
Đó là khi chúng ta đã hội nhập thế giới, áp dụng quyền trẻ em trong xã hội, trong đó quyền được tham gia, quyền được phát biểu ý kiến, quyền được tôn trọng là hết sức quan trọng.
Chính vì áp dụng cứng nhắc chữ Lễ nên trong gia đình, trẻ em thường ít có cơ hội được phát biểu hết chính kiến, ý kiến của mình. Trong nhà trường cũng chung tình trạng trên, dẫn đến hậu quả, trẻ em Việt Nam thường thiếu tự tin so với trẻ em ở các nước trong khu vực và trên thế giới. Hệ lụy đó đôi khi còn theo đuổi cho đến khi các em là sinh viên.
Tôi từng tham dự giao lưu của sinh viên Việt Nam và sinh viên trong khu vực Asean, nhận thấy sinh viên chúng ta rất thiếu tự tin và rụt rè.
Phải chăng khi chúng ta nêu cao khẩu hiệu: "Tiên học Lễ" thì có nghĩa là học sinh sẽ có Lễ? Ảnh minh họa |
Như đã nói trên, một số giá trị cũ Nhân - Nghĩa - Lễ - Trí - Tín đã không còn là tốt nhất cho Việt Nam trong thời đại này nữa. Nên chúng ta cần có một hệ giá trị mới phải xuất phát từ văn hóa, ngôn ngữ hiện đại và lối tư duy mới của người Việt, làm cơ sở nền tảng cho việc giáo dục con người về văn hóa ứng xử.
Hệ giá trị mới đó phải thuần Việt, phải xuất phát từ "giá trị văn hóa Việt Nam", từ nhu cầu hội nhập thế giới của Việt Nam và hướng đến con người của toàn cầu.
Quay về lại chữ Lễ, phải chăng khi chúng ta nêu cao khẩu hiệu: "Tiên học Lễ" (dù hiểu bất cứ nghĩa nào) thì có nghĩa là học sinh sẽ có Lễ?
Khi mọi người trong nhà trường biết tôn trọng nhau, tôn trọng những nội quy chung, tôi cho đó là Lễ. Vì nếu không như thế thì cho dù học sinh có vòng tay và cúi đầu chào giáo viên mà trong lòng không tôn trọng thì cũng chẳng Lễ chút nào.
Phải chăng khi học sinh và mọi người trong trường đối xử tốt với nhau, yêu thương nhau thì đó là Lễ, vậy chúng ta có cần tiếp tục nêu khẩu hiệu chữ Lễ? Phải chăng khi mọi người trong trường đối xử với nhau bằng sự tin tưởng, thì đó là Lễ.
Vậy thì hà cớ gì chúng ta lại tiếp tục nêu ra chữ Lễ trong nhà trường? Vâng, chắc chắn không cần. Dù chúng ta có dùng phương pháp tự kỷ ám thị nói chữ Lễ hàng ngàn lần, mà trong ứng xử hàng ngày, các em học sinh và thầy cô không yêu thương nhau, không tôn trọng nhau, không tin tưởng nhau thì Lễ chỉ là chữ vô nghĩa và vô hồn.
Hệ giá trị "Tâm- Trọng- Tin"?
Vậy giá trị Tâm (yêu thương) mới là quan trọng, vậy giá trị Trọng mới là quan trọng và nữa giá trị Tin mới là quan trọng (Xin lưu ý "Giá trị Tin: chứ không phải chữ "Tín" của Khổng Tử). Chúng ta nên quan tâm và cổ vũ những giá trị đó.
Vấn đề đặt ra là những giá trị Tâm, giá trị Trọng và giá trị Tin nói trên nó có phù hợp với văn hóa Việt Nam không?
Tôi cho rằng những giá trị làm người này không hề xa lạ với văn hóa Việt Nam chúng ta. Những giá trị, những phẩm chất này có thể tìm thấy trong văn hóa Việt Nam, trong tinh thần Việt khá phổ biến.
Bản chất người Việt Nam chúng ta là sống biết giúp đỡ, yêu thương nhau, sống có tấm lòng với nhau (hay còn gọi là sống có Tâm), đặc biệt là trong những lúc khó khăn hoạn nạn.
Dân tộc Việt chúng ta là 1 dân tộc có tinh thần lạc quan dù trong những hoàn cảnh khó khăn nào. Từng trải qua những biến cố khó khăn trong chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước nhưng dân tộc Việt vẫn hy vọng, vào tương lai. Đây là một giá trị tốt đẹp của người Việt (sống có niềm tin).
Dân tộc chúng ta là 1 dân tộc có lòng tự trọng nên không chịu làm nô lệ cho bất cứ ai, nhờ đó chúng ta mới thoát sự đô hộ của ngoại bang để trở thành 1 nước độc lập như ngày hôm nay. Tuy thách thức hiện nay trước sự kiện Biển Đông là rất lớn.
Một vấn đề đặt ra nữa là những giá trị Tâm, giá trị Trọng và giá trị Tin nói trên có phù hợp với nhu cầu của thời đại khi Việt Nam hội nhập quốc tế không?
Chúng ta cùng thử xem trong thế kỷ 21 và thời kỳ hội nhập quốc tế này, thế giới cần những con người như thế nào? Phải chăng là người biết sống yêu thương, biết quan tâm đến mình và những người xung quanh?
Phàm là người ai cũng mong mình có thể tạo lập sự nghiệp cho riêng mình để khẳng định bản thân vì đó là năng lực để thành công. |
Phải chăng là 1 người lạc quan, có niềm tin vững vàng, có thái độ tự tin? Phải chăng là người có lòng tự trọng và biết tôn trọng người khác và nhiều mong đợi khác nữa?
Hơn bao giờ hết, thế giới ngày nay rất cần những người biết sống yêu thương, có tinh thần lạc quan và niềm tin, sống biết tôn trọng nhau và tôn trọng các nước khác, các nền văn hóa khác để giảm bớt xung đột và đem lại hòa bình cho thế giới.
Vậy nếu bỏ đi "Tiên học Lễ, hậu học Văn", chúng ta sẽ dùng khẩu hiệu gì?
Theo dõi các bài viết liên quan về chủ đề này, tôi thấy có rất nhiều ý kiến khác nhau, đa chiều và thậm chí còn đưa ra những khẩu hiệu đã được dùng đâu đó trước đây.
Chúng ta có thể dùng "Học để tự lập bản thân, Học để tạo lập sự nghiệp". Vì phàm là người ai cũng mong mình được sớm tự lập bản thân để chứng tỏ mình trưởng thành cả về nhân cách lẫn cuộc sống.
Phàm là người ai cũng mong mình có thể tạo lập sự nghiệp cho riêng mình để khẳng định bản thân vì đó là năng lực để thành công.
Vậy chúng ta cũng có thể nói ngắn gọn hơn là: "Học để thành nhân". Vì "thành nhân"- người có khả năng tự lập bản thân và khả năng tạo lập sự nghiệp cho riêng mình.
Th.S Hoàng Thanh Linh