- Sự kiện 4 người Việt có tên trong danh sách 3.126 các nhà khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới  năm 2015 do Thomson Reuters công bố là thông tin gây chú ý vào những ngày cuối năm. Chúng ta nên nhìn nhận sự kiện này như thế nào?

Các nhà khoa học "ảnh hưởng nhất" như thế nào? 
 
Danh sách các nhà khoa học có ảnh hưởng nhất  có tên gốc trong tiếng Anh là Highly Cited Researchers – HCR (dịch sát nghĩa: các nhà khoa học được trích dẫn nhiều nhất). Danh sách được Thomson Reuters, một tổ chức chuyên về phân tích và thu thập dữ liệu khoa học uy tín trên thế giới công bố hàng năm.
 
Năm ngoái (cũng là năm đầu tiên công bố danh sách này), Thompson Reuters công bố 2 danh sách HCR của năm 2001 và 2014. 

Năm nay, các nhà phân tích của Thomson Reuters đã dựa trên kết quả nghiên cứu trên 2 danh mục SCIE và SSCI (2 hợp phần quan trọng của ISI) của các nhà khoa học trong giai đoạn 2003-2013[1]; tính các bài báo (cũng trên 2 danh mục này) đã trích dẫn các bài báo trong giai đoạn kể trên.

Kết quả, Top 1% - tương đương khoảng 3.000 nhà khoa học có số lượng trích dẫn của 21 ngành (theo phân loại cũng của Thomson Reuters) được công bố vào  ngày 8/9/2015. 

nhà khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới, GS Nguyễn Sơn Bình, GS Nguyễn Thục Quyên, GS Võ Văn Ánh, PGS Nguyễn Xuân Hùng

PGS, TS Nguyễn Xuân Hùng (trái, sinh năm 1976 – quê Tánh Linh, Bình Thuận, gốc Quảng Trị)

Trong giai đoạn tiếp theo cho đến ngày 1/12/2015, Thomson Reuters trưng cầu ý kiến của giới chuyên môn và hiệu chỉnh lại số liệu, công bố bản chính thức trong tuần cuối tháng 12 vừa qua. 

Với phương pháp này[2], Thomson Reuters hướng đến mục tiêu định kỳ công bố danh sách các nhà khoa học:·          

- Được trích dẫn (và ngụ ý là có ảnh hưởng nhiều nhât) đối với 21 ngành, lĩnh vực theo sự phân lọai của họ.

- Tích cực nghiên cứu và có ảnh hưởng trong khoảng thời gian gần nhất (cụ thể trong vòng 13 năm, ví dụ từ 2003-2015 đối với 2015). Điều này cũng lý giải tại sao một số nhà khoa học có tên tuổi nhưng đứng tuổi không có trong danh sách.

Và như chúng ta đều biết, trong năm 2015, có 4 nhà khoa học người Việt được lọt vào danh sách này, trong đó có 3 nhà khoa học ở nước ngoài (2 người ở Mỹ, 1 người ở Úc) và 1 người trong nước. 

Việt Nam nằm ở dưới mức trung bình của thế giới

Trước tiên, có lẽ là không thể không dành ra đôi phút để vui mừng. Sự kiện này tái khẳng định, tiềm năng trí tuệ của người Việt không phải là không thể vươn tới đỉnh cao của thế giới. 

Nhất là trong 4 nhà khoa học được nêu tên, có trường hợp PGS Nguyễn Xuân Hùng, là nhà khoa học trẻ xuất thân từ nông thôn ở Việt Nam, năm 20 tuổi mới biết đến máy tính (như ông có chia sẻ trên báo chí) và lại dành khá nhiều thời gian làm việc trong nước. Điều này củng cố sự tin tưởng rằng ở Việt Nam không phải là không có điều kiện làm khoa học nghiêm túc và đạt được thành tựu. Đây thực sự là một điểm sáng trong bối cảnh nhiều người trong chúng ta đang mất niềm tin sau sự kiện lùm xùm của TS. Doãn Minh Đăng trong thời gian vừa qua.

Tuy vậy, sau phút hân hoan, cũng rất cần tỉnh táo và thận trọng để nhìn nhận sự kiện này cho kỹ.

Thứ nhất, bên cạnh việc tính số lượng trích dẫn trong một khoảng thời gian gần nhất định, còn có rất nhiều thông số để đánh giá chất lượng và năng lực của một nhà khoa học hay một tổ chức khoa học như tổng số trích dẫn, H-index, chỉ số trích dẫn tương đối ....

Mỗi một chỉ số đều có mặt mạnh, mặt yếu, hàm ý chính sách khác nhau và cần được hiểu và diễn giải thấu đáo trước khi sử dụng nó như là đầu vào để đánh giá. Bản thân Thomson Reuters trên phần giới thiệu của danh sách HCR năm nay cũng nhấn mạnh rất rõ điều này.

Thứ  hai, nếu chia khoảng 3.000 nhà khoa học cho tổng số 196 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, thì trung bình mỗi nước sẽ có khoảng 15-16 nhà khoa học lọt vào danh sách này.

Như vậy, về bình quân, chúng ta nằm ở dưới mức trung bình của thế giới. Điều đó cho thấy, khả năng khoa học của người Việt có thể có tiến bộ so với trước kia, nhưng thế giới cũng rất mạnh và vẫn đang bỏ xa chúng ta. [3]

Cuối cùng, nói gì thì nói, việc công bố này của Thomson Reuters cũng là cơ hội rất tốt để cho các nhà quản lý khoa học  trong nước có dịp được đo đạc một cách khách quan và định lượng vị trí của Việt Nam trên bản đồ thế giới. 

Chúng ta cần tích cực tham khảo các công bố tương tự như công bố trên, đồng thời chủ động đưa ra các thống kê về kết quả nghiên cứu khoa học theo các chuẩn mực thế giới cho riêng mình. 

Chúng ta đang sống ở một giai đoạn mà mọi hoạt động quản lý, trong đó bao gồm quản lý khoa học không thể không dựa vào các con số thống kê chính xác. Thiếu điều đó, sẽ chả khác gì người đi lạc trong rừng không có la bàn, người lái tàu không có hoa tiêu.

  • Phạm Hiệp

Tác giả là nhà nghiên cứu về giáo dục, hiện đang làm nghiên cứu sinh tại Đài Loan, ông Hiệp là 1 trong 3 thành viên sáng lập của Sciencetometrics for Vietnam (Trắc lượng khoa học Việt Nam), một dự án có mục tiêu minh bạch hoá các thành tựu và kết quả nghiên cứu của các cơ sở nghiên cứu khoa học ở Việt Nam theo các chuẩn quốc tế 


 *************************
Chú thích:

[1] Khoảng thời gian tương ứng với công bố của năm 2001, 2014 được hiểu là sẽ trừ đi khoảng thời gian tương ứng.

[1] Trên website highlycited.com, Thomson Reuters có diễn giải chi tiết phương pháp thống kê và ghi nhận dữ liệu trong đó có một vài lưu ý nhỏ mà người viết bài này không liệt kê ở đây do giới hạn chữ cho phép của bài báo. Độc giả có thể tự tìm hiểu thêm.

[3] Nếu tính cơ sở khoa học tương ứng với nhà khoa học được nêu danh, thì chúng ta chỉ co duy nhất PGS Nguyễn Xuân Hùng. Như vậy, năng lực khoa học “nội địa” của người Việt nói chung còn ở khoảng cách rất xa so với thế giới. 

Xem thêm: