Đại dịch Covid-19

Trong tuần qua, tính từ 11/2 đến sáng 18/2, thế giới ghi nhận thêm 14.024.171 ca nhiễm mới cùng 73.594 ca tử vong mới.

Trong bối cảnh làn sóng lây nhiễm vẫn gia tăng, nhiều quốc gia quyết định nới lỏng hoặc dỡ bỏ nhiều hạn chế phòng dịch. Mỹ vẫn là quốc gia chịu thiệt hại nặng nề nhất trong đại dịch với số ca nhiễm và ca tử vong tính đến thời điểm hiện tại là 79.915.734 ca và 955.497 ca.

Dù vậy, số ca nhiễm trong 24 giờ của nước này đang có xu hướng giảm dần, giảm gần 40% so với tuần trước đó.

Một mô hình phân tích uy tín ước tính, tới 73% người Mỹ hiện sở hữu khả năng miễn dịch với biến thể Omicron và tỷ lệ này có thể tăng lên 80% vào giữa tháng sau.

Nhiều bang của Mỹ nới lỏng các hạn chế phòng dịch. Nhà Trắng cho biết Mỹ đang tiến tới thời điểm không còn coi Covid-19 là một cuộc khủng hoảng, mà là “một thứ có thể phòng chống và điều trị”.

Bộ Y tế Canada ngày 17/2 đã phê duyệt vaccine phòng Covid-19 Nuvaxocid do hãng Novavax Inc. của Mỹ sản xuất. Nước này nới lỏng quy định nhập cảnh với du khách quốc tế từ 28/2, chấp nhận xét nghiệm nhanh thay vì xét nghiệm PCR.

Dù chưa đạt được mục tiêu tiêm chủng cho 70% dân số trưởng thành, Cộng hòa Dominica, một quốc gia Trung Mỹ, đã quyết định chấm dứt tất cả các biện pháp phòng dịch Covid-19.

Tại châu Âu, khi nhiều quốc gia như Anh, Pháp, Italia… ghi nhận những diễn biến tích cực, thì Đức vẫn đối mặt với khủng hoảng. Tuần qua, nước này thường xuyên ghi nhận những ngày có trên 200.000 ca nhiễm.

Anh tiến hành tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 cho tất cả trẻ từ 5 -11 tuổi. Thái tử Charles và Công nương Camilla của Vương quốc Anh xác nhận bị tái nhiễm Covid-19.

Tổng thống Thụy Sĩ Ignazio Cassis tự cách ly sau khi có xét nghiệm dương tính với Covid-19.

Hàng loạt nước như Bồ Đào Nha, Hà Lan, Pháp, Italia, Thụy Sĩ, Áo… tiến tới dỡ bỏ các hạn chế phòng dịch, trong đó có yêu cầu đeo khẩu trang và hạn chế số lượng người tụ tập.

Tuần qua cũng là khoảng thời gian đen tối với tình hình đại dịch ở Nga, khi liên tục phá kỷ lục về số ca nhiễm mới.

Nước này chạm đỉnh vào ngày 11/2, với 203.949 ca nhiễm mới.

Diễn biến dịch bệnh tại châu Á có nhiều điều đáng quan ngại. Nhật Bản liên tục tăng cao số ca nhiễm và chạm đỉnh số ca tử vong trong ngày vào 15/2 với 236 ca. Hàn Quốc trở thành điểm nóng trên bản đồ đại dịch, khi làm sóng lây nhiễm do biến thế Omicron tăng mạnh. Ngày 18/2, lần đầu tiên quốc gia này ghi nhận hơn 100.000 ca nhiễm trong 24 giờ (109.000 ca).

Indonesia cũng đối diện với tình trạng tương tự. Hong Kong (Trung Quốc) cũng chạm đỉnh với 6.116 ca nhiễm vào ngày 17/2. Hệ thống y tế của đặc khu này đang ở tình trạng báo động. Dù dịch bệnh phức tạp, Malaysia dự kiến sẽ mở cửa hoàn toàn trở lại vào tháng 3 tới.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, còn quá sớm để các nước tuyên bố kết thúc đại dịch và dỡ bỏ hoàn toàn các hạn chế.

Căng thẳng Ukraina

Khủng hoảng Ukraina vẫn tiếp diễn với hàng loạt những động thái mới.

Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelenskiy ngày 14/2 kêu gọi người dân cả nước treo cờ và hát quốc ca vào ngày 16/2, ngày mà các phương tiện truyền thông phương Tây cho rằng Nga có thể tấn công Ukraina.

Ngày 15/2, Nga tuyên bố rút quân khỏi một số khu vực biên giới với Ukraina, kèm với đó là hình ảnh một số khí tài và binh lính di chuyển về căn cứ, sau khi đã hoàn thành các cuộc tập trận.

Tuy nhiên, các nước phương Tây và Ukraina nghi ngờ điều này. Mỹ quả quyết Nga sắp tiến đánh Ukraina trong "vài ngày tới", trong khi một số chuyên gia phân tích phương Tây tin Moscow sẽ "động binh" sau ngày 20/2. Mỹ điều dàn siêu tiêm kích đến Đức, sẵn sàng hỗ trợ đồng minh.

Trong khi đó, Nga phủ nhận ý định tấn công nước láng giềng và cáo buộc Mỹ gây leo thang khủng hoảng Ukraina.

Diễn biến trên bán đảo Triều Tiên 

Ngày 14/2, một trận động đất 2,3 độ richter đã xảy ra gần bãi thử hạt nhân của Triều Tiên, dấy lên nghi ngờ nước này có thể đã tiến hành các hoạt động liên quan đến thử hạt nhân. Tuy nhiên, phía Hàn Quốc cho biết đây là hiện tượng tự nhiên.

Cũng trong tuần qua, Bình Nhưỡng đã động thổ khởi công siêu dự án 10.000 căn hộ kiểu mẫu.

Ngoài ra, hàng loạt các sự kiện lớn được tổ chức để kỷ niệm ngày sinh của cố lãnh đạo Kim Jong Il, trong đó có các màn bắn pháo hoa rực rỡ tại thủ đô Bình Nhưỡng và thành phố Samjiyon, nơi ông Kim Jong Il chào đời.

Đích thân nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã đến thành phố Samjiyon, tham dự lễ kỷ niệm tưởng nhớ đến cha mình. 

Tòa lệnh thẩm vấn ông Trump và các con

Một thẩm phán ở New York, Mỹ vừa ra phán quyết buộc cựu Tổng thống Donald Trump và hai con lớn phải trả lời thẩm vấn của Tổng chưởng lý bang về hoạt động kinh doanh của tập đoàn gia đình.

Gia đình cựu Tổng thống trước đó đã tìm cách vô hiệu hóa trát đòi ông Trump cùng con trai cả Donald Jr. và con gái Ivanka phải hầu tòa.

Các luật sư của ông Trump cho biết sẽ kháng cáo phán quyết bất lợi cho thân chủ.

Israel không kích Syria

Vào khoảng 11h35 tối ngày 16/2, Israel đã phóng tên lửa đối đất nhắm vào thị trấn Zakyah, phía nam Damascus.

Vụ tấn công được cho là nhằm vào lực lượng dân quân Iran tại Syria. Tuy nhiên, hệ thống phòng không của Syria đã bắn hạ các tên lửa này. Đến nay, chưa có báo cáo về thương vong.

Thái Lan đổi tên thủ đô

Ngày 16/2, Văn phòng Hội Hoàng gia Thái Lan thông báo đổi tên chính thức của thủ đô từ Bangkok thành Krung Thep Maha Nakhon. Sự thay đổi này đã được Nội các Thái Lan thông qua nhưng vẫn cần được các quan chức chính phủ xem xét.  

Trong tiếng Thái, Krung Thep Maha Nakhon có nghĩa là "Thành phố thủ đô của các thiên thần vĩ đại".

Tên gọi phổ biến hiện nay là Bangkok vẫn tiếp tục được công nhận, song không được sử dụng chính thức.

Đọc tin thế giới trên VietNamNet

VietNamNet TV

 

Anh tiết lộ 'bản đồ tấn công Ukraina' của Nga

Anh tiết lộ 'bản đồ tấn công Ukraina' của Nga

Bộ Quốc phòng Anh đã công bố một bản đồ với nhiều mũi tên đỏ chạy ngang dọc khắp Ukraina để minh họa cho một cuộc tấn công mà nước này cáo buộc Nga có thể tiến hành vào bất cứ thời điểm nào.