Bar Khong Sao ở TP HCM là nơi các đại gia thuộc tầng lớp cao cấp nhất, có thể tiếp cận các hợp đồng vốn đầu tư nước ngoài hàng chục triệu USD, xây dựng quan hệ làm ăn và lòng tin.

Được sự đồng ý của cô Kimberly Kay Hoang, tác giả quyển "Mua bán dục vọng: quyền năng tại Châu Á, suy tàn tại Châu Âu và hình thức tiền tệ ngầm của nghề mại dâm toàn cầu", chúng tôi trích dịch một số nội dung từ quyển sách nhằm giới thiệu rõ hơn về hành trình 5 năm hoá thân, xâm nhập và nghiên cứu về thế giới mại dâm ngầm ở TP HCM của cô.

Bar Khong Sao nằm lẩn khuất ngay giữa quận trung tâm của TP HCM, nơi hoạt động kinh doanh, du lịch diễn ra nhộn nhịp và quy tụ những nhà hàng, khách sạn và trung tâm mua sắm sang trọng nhất. Quán không có biển hiệu hay địa chỉ cụ thể. Khách đến đây thường là những người từng quen biết với “má mì tổng quản”, hoặc được một khách hàng VIP giới thiệu.

Hạnh là má mì quyền lực nhất tại bar và điều hành quán cùng hai má mì cấp dưới. Cả 3 người phụ nữ luôn mặc những bộ đồ tôn dáng và rực rỡ nhất, những trang phục như để xuất hiện trên thảm đỏ. Ngoài ra, 10 nhân viên nam đóng vai trò bảo vệ, chân sai vặt, và thỉnh thoảng sửa chữa các thiết bị khi cần thiết.

{keywords}

Ảnh minh họa: Telegraph

Khong Sao chuyên phục vụ các đại gia Việt, những người điều hành các công ty tài chính, bất động sản và thương mại hàng đầu. Tất cả khách của bar đều có mối quan hệ rất mạnh để giúp tiếp cận hoặc bảo đảm hợp tác trong các hợp đồng quan trọng. Họ thường đến quán vào buổi chiều, hoặc tối muộn.

Nơi đại gia Việt thể hiện quyền thế

Sau khi đón khách, một má mì dẫn họ vào phòng VIP. Tường phòng được trang trí bằng những hoa văn chẳng ăn nhập gì với nhau, và ánh đèn disco dễ tạo ra cảm giác chóng mặt. Ghế sofa xếp hình chữ U, 2 bàn đựng đồ ăn và nước uống ở chính giữa phòng; một sàn nhảy nhỏ, tivi và dàn hát karaoke. Bối cảnh này là một biểu tượng cho việc chuyển đổi từ nền văn hóa quan liêu cũ, sang một nền văn hóa doanh nhân mới, nơi những người đàn ông sử dụng mối quan hệ để móc nối các hợp đồng làm ăn.

Quán bar cũng trở thành một không gian thoải mái, mà những cách thức trong việc chè chén cũng trở nên quan trọng để thấu hiểu và thiết lập mối quan hệ xã hội giữa những người đàn ông. Điều này trái ngược với những cảm thức thông thường của người phương Tây về việc uống rượu và ăn tối.

Sau khủng hoảng tài chính năm 2008, những đại gia người Việt đã giành "chiếu trên", thay thế nhóm khách hàng là đàn ông Việt kiều, để trở thành người quyền thế cao nhất trong thế giới mại dâm Sài Gòn. Vị thế của các doanh nhân phương Tây không còn là mạnh nhất trong giới mại dâm ở TP HCM. Thay vào đó, đến năm 2009, nhóm đem lại lợi nhuận lớn nhất chính là những đại gia người Việt có khả năng tiếp cận vốn FDI.

Căn phòng cũng là nơi các vị đại gia thể hiện vị thế, sức ảnh hưởng xã hội của họ thông qua việc lựa chọn loại rượu đắt tiền, chìa khóa xe của những ôtô thời thượng, điện thoại di động Vertu và những phụ kiện sang trọng khác.

Khi khách đã yên vị, “má mì” yêu cầu mang vào loại whisky thượng hạng nhất, rồi rót mời mỗi vị một ly. Sau đó, cô bước đến ngồi bên cạnh vị đại gia quyền thế nhất, rồi gọi các nữ tiếp viên vào đứng xếp thành 2 hàng trước sàn nhảy. Không cần phải giới thiệu, mỗi vị đều biết họ cần chọn một cô gái để phục vụ mình.

Khi một khách tỏ ra ngại ngùng hoặc nói chỉ muốn ngồi một mình, bạn bè của ông ta sẽ bị chọc “anh là gay à” hoặc cho rằng “không mạnh mẽ”. Bên cạnh đó, những nữ tiếp viên cũng nài nỉ khách hãy chọn ra một người, như để giúp bạn có tiền boa.

Thông thường, mỗi khách sẽ ngồi cùng một hoặc hai cô gái, để bảo đảm rằng các đối tác hài lòng khi. Tại quán bar, các tiếp viên rót rượu cho khách, phục vụ ăn “tận miệng”, hát karaoke, khiêu vũ cùng họ, hoặc khơi gợi thử thách tửu lượng.

{keywords}

Bar Khong Sao là một trong bốn quán mà cô Kimberly Kay Hoang đã nhập vai để nghiên cứu về mại dâm ở TP HCM.

Kiếm hàng nghìn USD khi phục vụ đại gia

Khong Sao có khoảng 20 khách thân thiết thường mời đối tác và bạn bè đến đây, tần suất 3-4 đêm mỗi tuần, tiêu khoảng 1.000-2.000 USD mỗi đêm hoặc khoảng 15.000-25.000 USD mỗi tháng. Quán này có thể thu về 150.000 USD hàng tháng chỉ tính từ việc bán rượu.

Có thể khẳng định Khong Sao là một nơi quan trọng đối với các vị đại gia, giúp họ tiếp cận với những hợp đồng trị giá hàng triệu USD ở nhiều lĩnh vực khác nhau, như phát triển đất đai, xuất khẩu thép, cao su, gỗ, dệt may và nông sản… Tại Khong Sao, những người đàn ông thể hiện vai trò chủ động của họ trong bối cảnh nền kinh tế đang lên.

Mặc dù lợi nhuận rất cao, quán bar không trả tiền cho bất kỳ tiếp viên hoặc má mì nào làm việc tại đây. Thay vào đó, họ kiếm sống chủ yếu bằng tiền boa của khách. Ít nhất một trong ba má mì luôn theo sát để cùng tiếp viên phục vụ khách tại bàn. Một má mì có thể kiếm được khoảng 3.000-4.000 USD/tháng.

Tại quán này, má mì cũng hoạt động theo nguyên tắc và “đạo đức”. Họ không ăn chặn tiền của tiếp viên, không buộc tiếp viên phải quan hệ với khách nếu cô ấy không muốn, không nhận tiền “bồi dưỡng” từ tiếp viên sau khi qua đêm với khách.

Một luật bất thành văn trong quán bar là các cô tự thỏa thuận việc đi đêm. Tuy nhiên, chính má mì là những người đã huấn luyện những nữ tiếp viên từ cách ngồi, uống, ca hát, khiêu vũ, và cả nghệ thuật đàm phán để “đi khách”.

Trong quá trình nghiên cứu thực địa, tôi nhận thấy khoảng 25 cô gái là tiếp viên thường xuyên của quán, cùng với hơn 10 cô khác thường đến hoặc vắng mặt khá lâu do “hộ tống” những vị đại gia đi công tác hoặc đi nước ngoài. Độ tuổi của các cô khoảng 22.

{keywords}

Các cô gái được đại gia ưa thích còn được tặng thêm nhiều vật phẩm giá trị. Ảnh minh họa: SCMP

Khoảng 70% các tiếp viên được má mì tuyển chọn từ các làng quê nghèo, phần còn lại đến từ những gia đình khó khăn trong thành phố. Không cô gái nào từng tốt nghiệp đại học. Điều này giúp các vị đại gia bảo đảm mức độ “ẩn danh” khi đến quán bar, vì các cô không thể nào bước chân vào đẳng cấp xã hội của họ.

Bù lại, mỗi tiếp viên thường kiếm được tới 2.000 USD mỗi tháng từ tiền boa của khách, và khoảng 150-200 USD sau mỗi lần mây mưa. Họ được phép giữ lại toàn bộ số tiền này.

Mặc dù thu nhập chính của các cô là phục vụ tại quán bar, họ thỉnh thoảng xin nghỉ để đi cùng khách khi có yêu cầu. Các cô có thể được đề nghị đi cùng đối tác để ăn trưa, ăn tối, dự các sự kiện, đến các câu lạc bộ, hoặc thậm chí là đi nghỉ mát cùng họ. Ngoài tiền mặt sau mỗi chuyến đi, các cô còn được tặng thêm những vật phẩm khác như nước hoa, điện thoại di động đắt tiền, trang sức, quần áo…

Luồng vốn từ các nước châu Á đổ về Việt Nam ngày càng tăng (sau gia nhập WTO), cùng với tình hình kinh tế bất ổn phương Tây, đã thay đổi sâu sắc diện mạo ngành công nghiệp tình dục khi đó. Các đại gia Việt dựa nhiều hơn vào những giao dịch mại dâm để giúp bảo đảm chiếm được vốn từ các nhà đầu tư châu Á.

Một số cô gái rất được khách yêu thích, và họ thậm chí trở thành “gái bao” của những vị đại gia này. Trong thời gian tôi tìm hiểu hoạt động ở quán bar, ít nhất 3 cô gái thậm chí đã thuyết phục được “bạn trai” của họ mua cho một căn nhà nhỏ, thậm chí cấp tiền để họ có thể tự ra làm ăn riêng.

Một ngày nọ, khi tôi đang ngồi trong phòng nghỉ cùng các cô tiếp viên, má mì Hạnh vội vào phòng ra lệnh: "Mặc đồ lẹ lên, đại ca Xanh vừa gọi đặt bàn. Đại ca sẽ đến cùng 9 người trong khoảng một tiếng nữa". Các cô húp vội tô mì, rửa mặt, trang điểm rồi thay đồ. Quay sang tôi, Hạnh nói: "Chú của em đến nên em ra cũng ra ngồi với ổng đi".

Chú Xanh chính là một trong những người quan trọng đã giúp tôi tiếp cận quán Khong Sao. Ông đi cùng những vị khách người Hàn Quốc tới đây, khi họ đang trong quá trình thương lượng về một hợp đồng trị giá hàng chục triệu USD.

Kimberly Kay Hoang đang giảng dạy tại ĐH Chicago. Cô là chuyên gia về xã hội học có tiếng về các vấn đề giới, toàn cầu hóa, kinh tế xã hội học.

Cô có bằng thạc sĩ xã hội học tại ĐH Stanford và bằng tiến sĩ tại ĐH California Berkeley. Nghiên cứu nhập vai của cô tại TP HCM từng được giải thưởng của Hiệp hội Xã Hội học Mỹ (ASA) vào năm 2012.

Nghiên cứu của cô được ASA đánh giá "độc đáo" khi tiếp cận được nhiều góc độ khác nhau của lĩnh vực này. ASA cũng đánh giá nghiên cứu của cô đã "thúc đẩy nhiều phương pháp nghiên cứu xã hội học truyền thống để tiếp cận các vấn đề về toàn cầu hóa", tạo ra cách hiểu mới với các vấn đề phức tạp của mối quan hệ sản xuất và tái sản xuất trên thị trường toàn cầu.


(Theo Zing)