Báo cáo phân tích từ CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhìn nhận thị trường điện thoại đang đi vào xu hướng bão hòa. Xu hướng tiêu dùng từ điện thoại chức năng sang điện thoại thông minh từ trước năm 2017 đã lùi xa.
VDSC nhận định trong thời gian tới, doanh thu mảng điện thoại sẽ chủ yếu từ những người dùng cũ đổi, nâng điện thoại chứ không còn mua mới như trước đây. Ngoài ra, tiềm năng phát triển của ngành sẽ bị hạn chế bởi tầng lớp có nhu cầu đổi điện thoại nhiều nhất từ 15 đến 35 tuổi được dự báo giảm tỷ lệ dân số.
Quan điểm này của VDSC trùng khớp với thông tin ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (TGDĐ) đưa ra. Ông Tài dẫn một nhận định của đơn vị nghiên cứu thị trường, cho biết trong năm nay, ngành hàng điện thoại và điện máy được dự báo tăng trưởng thấp: điện thoại tăng 10%, máy lạnh tăng 11%, các ngành hàng khác đều dưới 10%.
Ông Tài khẳng định 2019 là năm đầu tiên dự báo ngành điện thoại tăng trưởng thấp. Với ông, cảnh tượng người tiêu dùng xếp hàng mua điện thoại đời mới đã xa. Thị trường đã sang một trang khác.
Trên thực tế, giai đoạn 2015 - 2018, tốc độ tăng trưởng doanh thu của TGDĐ đã chậm lại. Nếu 2016, doanh thu tăng 80% năm trước thì tới 2018, con số này chỉ còn 30%.
Tương tự như FPT Retail, tăng trưởng doanh thu giảm từ 18% năm 2017 xuống còn 15% năm 2018.
TGDĐ và FPT Retail đều có phần lớn doanh thu được đóng góp từ ngành hàng điện thoại. Đơn vị: tỷ đồng
Thị trường bão hòa đặt ra bài toán tăng trưởng cho những doanh nghiệp bán lẻ như TGDĐ hay FPT Retail (đơn vị sở hữu chuỗi FPT Shop). Cả hai sẽ cùng phải đưa ra những giải pháp tăng doanh thu dựa trên tiềm lực và định hướng sẵn có.
Chung mục tiêu tăng lượt khách
Trong tháng 3, khoảng 10 chiếc xe tải được trang trí đèn của TGDĐ chạy trên nhiều tuyến đường tại TP HCM và Hà Nội để quảng bá chương trình đặt hàng trước cho Samsung. Đây là cách làm xưa nay chưa từng có của TGDĐ.
Chiếc xe tải của MWG gây chú ý trên đường phố. Ảnh: Lê Thảo Trang
TGDĐ cũng đồng loạt triển khai nhiều cách khác để thu hút khách hàng như phát bài hát nhận diện của chuỗi tại các cửa hàng ven đường lớn; bán rổ giá, đồ dùng nhựa bên vỉa hè cửa hàng...
Ông Nguyễn Đức Tài lý giải quan niệm nếu có thể tăng doanh thu mà không khiến khách hàng khó chịu thì TGDĐ sẽ làm. Với ông, việc khách đi qua cửa hàng và nở một nụ cười thích thú với "cái gì đó" thì đã là một thành công. "Khách hàng với chúng tôi là trung tâm, làm khách hàng vui là chúng tôi đã đạt được mục đích", người đứng đầu chuỗi bán lẻ di động lớn nhất Việt Nam nói.
Còn với chuỗi FPT Shop, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Nguyễn Bạch Điệp nói cần gia tăng doanh thu, tăng lượng khách. Bà không phủ nhận mục tiêu 6 năm qua chỉ là "tồn tại trước sức mạnh của các chuỗi bán lẻ đi trước".
FPT Shop có dịch vụ thu hộ tiền điện nước, đem lại hiệu quả lôi kéo được khách hàng đến cửa hàng, từ đó bà cho rằng phụ kiện như thẻ nhớ, ốp lưng, sạc dự phòng cũng có thể làm sứ mệnh này. Vì thế, năm 2019, FPT Shop khởi động chiến dịch 1.000 tỷ đồng doanh thu phụ kiện, tăng 67% so với năm trước. Nữ chủ tịch nhấn mạnh chiến dịch này quan trọng, FPT Shop sẽ thay đổi hoàn toàn kênh cung cấp, đưa mức giá phụ kiện cạnh tranh với đối thủ.
Ngoài ra, nhà bán lẻ này cũng phát triển kinh doanh sim số, thẻ cào - những thứ trước đây luôn có sẵn nhưng chưa được chú trọng. Mục tiêu doanh thu đặt ra là tăng 100 tỷ đồng năm nay.
Những bước đi khác biệt
Từ năm 2018, ban lãnh đạo TGDĐ đã hạn chế việc mở rộng chuỗi cửa hàng điện thoại. Nếu như thời điểm 2015-2016, TGDĐ đạt tới ngưỡng 2 ngày 3 cửa hàng được mở mới thì năm 2018 gần như không hướng đến mở mới. Cuối năm 2018, TGDĐ có 1.032 cửa hàng, giảm 40 cửa hàng so với năm trước do chuyển đổi sang Điện Máy Xanh mini. Không mở thêm cửa hàng điện thoại mà chú trọng phát triển chuỗi Điện Máy Xanh, đặc biệt Bách Hóa Xanh là chiến lược của TGDĐ.
Ngược lại, FPT Shop muốn mở thêm các cửa hàng mới để bổ sung vào doanh thu chung toàn chuỗi. Dự kiến trong năm 2019, FPT Shop sẽ có thêm 100 cửa hàng, nâng tổng số hệ thống lên 633. Số lượng mở mới này tăng 40% so với năm trước.
TGDĐ và FPT Shop đều có chiến lược riêng gia tăng doanh thu.
Không mở cửa hàng mới, TGDĐ lại liên tục cải tiến mô hình, gia tăng diện tích sử dụng trên diện tích cửa hàng. Ông Đoàn Văn Hiểu Em, Tổng giám đốc CTCP TGDĐ, vận hành hai chuỗi bán lẻ điện thoại điện máy đặt ra bài toán làm sao để cửa hàng 300 m2 trưng bày được lượng hàng tương ứng diện tích 1.000 m2.
TGDĐ còn chủ trương “bán mặt hàng chưa từng bán”, ví dụ máy lọc nước, đồng hồ. Từ tháng 3, MWG cũng thử nghiệm mô hình "shop in shop" kinh doanh mặt hàng mới là đồng hồ (cửa hàng đồng hồ trong siêu thị TGDĐ và dự kiến có mặt ở ĐMX).
Về phần FPT Shop, công ty vẫn bám sâu vào những chiến lược đã thực hiện trong thời gian qua như kết hợp với nhà mạng giảm giá máy, khuyến khích chính sách trả góp để khách hàng nâng đời điện thoại… "Nữ tướng" Nguyễn Bạch Điệp kỳ vọng thị trường bán hàng trả góp còn nhiều dư địa tăng trưởng, dự kiến sẽ chiếm 45% doanh thu chung năm nay, tương đương đạt 2.500 tỷ đồng.
Cuối cùng, FPT Shop chú trọng kênh bán hàng online. Trong năm nay, FPT Retail dự kiến tăng doanh thu online thêm 1.000 tỷ đồng, làm việc với một số hãng chuyên bán hàng online tại Việt Nam như Xiaomi, Huawei...; hợp tác thử nghiệm với sản phẩm mới, ngành hàng mới, đối tác mới; kết hợp với các sàn thương mại điện tử khác...