Một báo cáo của Liên Hiệp Quốc được công bố hôm 19/4 cho thấy rác thải điện và điện tử đã tăng cao kỷ lục trong năm 2014.

Đáng chú ý, số lượng rác thải điện và điện tử tính theo đầu người đạt mức cao lại được ghi nhận tại những quốc gia vốn tự hào là có ý thức về môi trường.

{keywords}

Cụ thể, trong năm 2014, đã có 41,8 triệu tấn rác điện tử - chủ yếu là tủ lạnh, máy giặt và các thiết bị gia dụng khác hết thời hạn sử dụng - bị bỏ đi, theo báo cáo của Đại học LHQ, chi nhánh giáo dục và nghiên cứu của LHQ.

Con số đó tương đương với 1,15 triệu xe tải nặng, tạo thành một hàng dài đến 23.000 km, báo cáo cho biết, và chưa đầy 1/6 trong tổng lượng rác thải trên được tái chế thỏa đáng.

Hồi năm 2013, tổng lượng rác thải điện tử được ghi nhận là 39,8 triệu tấn, và theo xu hướng hiện tại, con số tương ứng có thể đạt mốc 50 triệu tấn vào năm 2018.

Đứng đầu danh sách rác thải tính theo đầu người vào năm ngoái là Na Uy với 28,4 kg, sau đó lần lượt đến Thụy Sĩ với 26,3 kg, Iceland - 26,1 kg, Đan Mạch - 24 kg, Anh - 23,5 kg; Hà Lan - 23,4 kg; Thụy Điển - 22,3 kg; Pháp - 22,2 kg, Mỹ và Úc cùng đạt 22,1 kg.

Khu vực có khối lượng rác thải tính theo đầu người thấp nhất là châu Phi, với chỉ 1,7 kg. Lục địa này thải bỏ tổng cộng 1,9 triệu tấn rác.

Xét về khối lượng, Mỹ và Trung Quốc là hai nước có lượng rác thải nhiều nhất. Hai nước này chiếm tổng cộng 32% tổng lượng rác thải điện tử của thế giới, sau đó đến Nhật Bản, Đức và Ấn Độ.

Lượng rác thải có thể được thu hồi và tái chế có giá trị 52 tỷ USD, bao gồm 300 tấn vàng, tương đương 11% sản lượng vàng của thế giới trong năm 2013.

Nhưng nó cũng bao gồm 2,2 triệu tấn hợp chất chì độc hại, cùng với thủy ngân, catmi, và crôm, và 4.000 tấn khí chlorofluorocarbon (CFC) gây tổn hại tầng ozone.

“Trên toàn cầu, rác thải điện tử tạo thành một "mỏ thành thị" có giá trị, một kho vật liệu tái chế đầy tiềm năng. Đồng thời, hàm lượng rác thải điện tử nguy hiểm cũng tạo ra một "mỏ chất độc" cần được quản lý cực kỳ cẩn thận”, Phó Tổng thư ký LHQ David Malone nói.

Gần 60% rác thải điện tử tính theo trọng lượng đến từ các thiết bị nhà bếp, phòng tắm và giặt ủi, và 7% do điện thoại di động, máy tính cá nhân và máy in bị vứt bỏ tạo ra.

Theo PCWorld VN