-Sau khi đọc bài “Dùng hóa chất tái chế bún” nhiều bạn đọc đã rất phẫn nộ và gửi ý kiến về Báo VietNamNet.
TIN BÀI KHÁC:
Bạn Hoàng Hà sợ hãi thốt lên: Người Việt tự giết người Việt!Thảo nào các bệnh viện ngày càng quá tải? Email Thanhamiki@gmail.com lên án: Sao độc ác quá vậy? Lương tâm con người đâu rồi? Bạn Vũ Hà so sánh: Dùng hóa chất độc hại để tẩy trắng bún là đầu độc người tiêu dùng, chả khác gì sữa bị pha melamine ở Trung Quốc!
Ảnh minh họa |
“Tôi đã ngại ăn bún từ vài năm nay. Trước đây tôi rất hảo bún, nhưng một lần nghe người bạn kể về lò bún nhà anh ở Tân Bình, thật sự tôi không thể nào nuốt nổi bún nữa. Thật ra bún tái chế từ lâu rồi. Các bạn nhớ lại xem, ngày xưa đi mua bún vào buổi chiều là không bao giờ có, vì người ta làm vừa đủ bán, quá 6 tiếng bún bị chua không ngon. Còn bây giờ, thậm chí nửa đêm bạn mua bún vẫn có. Trước đây người ta bảo quản bún bằng formol, hàn the, nhưng bún vẫn bị khô sau nhiều giờ nằm trên sạp, còn giờ thì thuốc Trung Quốc tha hồ mà pha vào bún. Chỗ làm bún thì ôi thôi 100 lò bún đều…bẩn giống nhau, nhất là vào mùa mưa. Khái niệm bột rơi vãi phải bỏ đi là không bao giờ có ở các lò bún,bánh phở, hủ tíu...Bột rơi vãi dưới làn bánh xe tải, nhớp nhúa đất sình...vẫn được thu gom chở vào lò bún và chế biến bằng thuốc tẩy thành...trắng phau...ớn”!Đó là mô tả của một bạn lấy tên là Tư 7.
Đồng cảm với ý kiến trên, giọng bạn Chip vừa lo ngại, vừa tiếc nuối: 1 cơ sở làm được thì nhiều cơ sở khác cũng vậy thôi. Thế này thì tẩy chay cả bún nữa! Bạn Duy có thái độ dứt khoát: Rồi, nghỉ ăn bún luôn!
Bạn Nguyễn Hữu Thanh phân tích về tác hại của việc dùng hóa chất tái chế bún: Bị hại không chỉ có người tiêu dùng mà còn là những người làm bún chân chính, ảnh hưởng xấu đến thị trường bún. Những người làm bún chân chính không còn trụ nổi do không thể cạnh tranh với những người làm bún bẩn kia, cũng chuyển sang làm bún bẩn để tồn tại, thì hậu quả lại càng tai hại!
Sau khi khen ngợi “Vụ việc nào cũng đều do nhà báo phát hiện. Hết bắp luộc với muối diêm và pin đến bún. Còn nhiều vụ khủng khiếp khác mà phóng viên phải mất nhiều thì giờ khám phá”, bạn Phước Lộc đặt câu hỏi: Vậy các cơ quan chức năng ở đâu? Nguyễn Hữu Thanh cũng tán đồng và muốn truy đến cùng: Lỗi do ai, người tiêu dùng, người làm bún hay tại cơ quan quản lý? Theo tôi lỗi là do người làm luật, vì pháp luật không có tính răn đe, nên họ bỏ ngoài tai, chỉ quan tâm đến lợi nhuận. Vì vậy, hình phạt phải tương xứng với tội đầu độc người tiêu dùng thì mới mong dẹp nạn này.
Bạn Vũ Anh Dũng đề nghị: Cần có chế tài xử lý thật mạnh tay hoặc xử lý hình sự đối với các cơ sở sản xuất đồ ăn, thức uống, thực phẩm cho con người mà xử dụng chất độc hại. Bạn Lan Lan cũng nhất trí với giọng có vẻ “cực đoan”: Phạt cả người bán bún ở chợ ấy, phạt tất! Một hình phạt khác, khá độc đáo theo đề nghị của bạn Hoàng: Theo tôi hình phạt là buộc người làm bún độc hại phải ăn hết số bún đó!
Trần Thân Bình nêu ý kiến: Nói nhiều, hô hào làm gì? Phải có chế tài xử thật nặng đối với hành vi dùng hóa chất độc hại sản xuất, chế biến thực phẩm, đồ ăn. Nhẹ nhất là 2-3 năm tù giam, tịch thu toàn bộ phương tiện, xử phạt số tiền bằng doanh thu vài ba năm. Bạn Vũ Hà đề nghị: Sữa bị pha melamine ở Trung Quốc đã có vài kẻ bị tử hình thì ta cũng phải xử kẻ dùng hóa chất tái chế bún mức án thật nghiêm khắc!
Ban Bạn đọc