-Thị trường đầu năm 2016 đang dần lộ diện sự thay đổi rõ nét về chiến lược của các đại gia địa ốc. Nhiều kịch tính đang chờ đợi khi cuộc chiến giằng co giữa “bành trướng” và phòng thủ, quỹ ngoại tăng cường đầu tư trong khi Ngân hàng Nhà nước đang tính lộ trình thắt tín dụng…

Tiền tiếp tục đổ vào bất động sản

Sau một thời gian dài im hơi lặng tiếng, Công ty Cổ phần Căn nhà Mơ ước (DRH) đã chính thức tái xuất và công bố những thông tin đầy tham vọng, trong dịp kỷ niệm 10 năm thành lập, vào cuối tuần qua. Với sự góp mặt của nhóm cổ đông mới, DRH đã tăng cường hoạt động M&A và sẽ tung ra hàng loạt dự án mới trong năm nay: 1.177 Huỳnh Tấn Phát (Q.7); dự án 277 Bến Bình Đông (Q.8); dự án khu du lịch nghỉ dưỡng Lộc An tại Bà Rịa - Vũng Tàu…

{keywords}

 Thị trường vẫn xuất hiện những điểm nóng sốt cục bộ

Khoảng trung tuần tháng 3, Quỹ đầu tư Pavo (Vương quốc Anh) đã ký kết hợp tác chiến lược với Thuduc House để đầu tư vào 7 dự án lớn mà Thuduc House sẽ triển khai trong thời gian tới. Sự kiện này cũng đánh dấu bước ngoặt của Thuduc House chuyển từ thế “bán” dự án trước đây sang “mua” gom dự án. Các dự án mới này thuộc quỹ đất của Công ty Cổ phần Dệt may Liên Phương (LPTex) và Công ty Cổ phần Ngoại thương và Phát triển đầu tư TP. HCM (Fideco),Thuduc House hợp tác đầu tư.

Trước đó, “bộ đôi” An Gia Investment - Creed Group tiếp tục cuộc “bành trướng” vào phân khúc trung cao cấp khi công bố đầu tư vào dự án 500 triệu USD tại khu Nam Sài Gòn. Đây là dự án do Phát Đạt làm chủ đầu tư và đã có 1 thời gian dài ngưng thi công. Công ty Cổ phần Đầu tư Năm Bảy Bảy (NBB) cũng cho biết, đang trong quá trình đàm phán với một quỹ đầu tư đến từ Úc, để hợp tác phát triển dự án sắp tới tại khu Đông Sài Gòn.

“Sự góp mặt của các nhà đầu tư lớn trong nước cũng như quỹ ngoại trên thị trường bất động sản cho thấy niềm tin rất lớn vào thị trường. Đặc biệt, những doanh nghiệp hoạt động minh bạch, có thế mạnh về phát triển dự án, chiến lược phát triển bền vững sẽ là đích ngắm của khối ngoại cũng như những nhà đầu tư tài chính trường vốn trong nước” - ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, chia sẻ.

Doanh nghiệp đổi chiến thuật

Động thái tìm vốn ngoại hay huy động nguồn lực của cổ đông mới, được nhiều chuyên gia đánh giá, đang là làn sóng ngầm của bất động sản, sau khi Ngân hàng Nhà nước phát đi thông điệp, tín dụng cho ngành này sẽ thu hẹp theo lộ trình, của dự thảo sửa đổi Thông tư 36. “Những doanh nghiệp đã tính toán nguồn lực để triển khai dự án theo hướng bền vững sẽ có nhiều cơ hội. Trong khi đó, những doanh nghiệp làm ăn kiểu chụp giật, “tát nước theo mưa” sẽ khó “trụ hạng” trong năm nay và năm tới” - ông Đinh Duy Trinh, Tổng Giám đốc Bản Việt Land, dự báo.

Novaland, đại gia “làm mưa làm gió” phân khúc cao cấp năm 2015, chỉ đặt mục tiêu tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ bất động sản những dự án đã và đang phát triển, hạn chế mua thêm dự án mới. Xu hướng thiên về an toàn cũng được Hưng Lộc Phát theo đuổi. Tỷ lệ vốn vay ngân hàng trong mỗi dự án của Hưng Lộc Phát chỉ từ 15 -20%, phần tài chính chủ yếu dựa vào nguồn vốn tự có. Các dự án của Công ty này như Hưng Phát, Hưng Phát Silver Star, The Golden Star cũng được triển khai kiểu “cuốn chiếu” để đảm bảo luôn chủ động về tài chính.

“Thị trường có lúc thăng trầm nhưng về cơ bản nhu cầu căn hộ 1 - 1,5 tỷ/căn vẫn rất ổn định và cung vẫn chưa đáp ứng được cầu. Đó là lý do Công ty TNHH Xây dựng - Kinh doanh nhà Gia Hòa trở lại với phân khúc này. Phân khúc này đáp ứng nhu cầu ở ở thực nên chỉ cần doanh nghiệp uy tín, làm thật thì khách hàng sẽ tìm đến. Như tại dự án Căn hộ The Art (Q.9), chúng tôi đã bán 514 căn hộ giai đoạn 1 chỉ trong một thời gian ngắn và đã triển khai giai đoạn 2” - đại diện Công ty Gia Hòa, chia sẻ.

Theo nhiều chuyên gia, thị trường năm nay có thể giữ mức tiêu thụ của năm 2015. Tuy nhiên, bên cạnh một số doanh nghiệp hạn chế nguồn cung mới thì xét chung về nguồn cung vẫn tăng hơn năm trước. Do vậy, thị trường sẽ tiếp tục phân hóa mạnh và “bữa tiệc bất động sản” sẽ không còn dành cho tất cả.

Quốc Tuấn