Từ hôm nay 15-11, toàn bộ diện tích được Nhà nước giao, cho thuê để xây dựng nhà ở xã hội sẽ được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Tài chính. Sau khi gói tín dụng 30.000 tỷ đồng của Chính phủ hỗ trợ dự án nhà ở xã hội kết thúc, việc miễn tiền thuê đất, tiền sử dụng đất tại các dự án xây dựng nhà ở xã hội sẽ giúp người dân có thêm cơ hội mua nhà với giá rẻ.

{keywords}

Khu nhà ở xã hội Đặng Xá, huyện Gia Lâm (Hà Nội). Ảnh: Thái Hiền

Nhà ở xã hội, mơ ước của người nghèo

Mưu sinh tại Hà Nội hơn 10 năm qua, có hai mặt con và đã dành dụm được một khoản tiền nhỏ, vợ chồng chị Nguyễn Thị Loan (quê Vũ Thư, Thái Bình) dự định mua một căn hộ chung cư nhà ở xã hội tại Thủ đô Hà Nội. “Qua tìm hiểu, giá nhà ở thương mại rẻ nhất hiện nay cũng phải hơn 20 triệu đồng/m2. Trong khi, giá nhà ở xã hội chỉ hơn 10 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, với đồng lương công nhân eo hẹp của cả hai vợ chồng, để mua được nhà, chắc chắn chúng tôi vẫn phải vay mượn thêm gia đình và bạn bè, bởi giá nhà ở xã hội dù đã được ưu đãi song vẫn khá cao so với người nghèo” - chị Loan chia sẻ.

Tại báo cáo mới nhất về tình hình thực hiện các dự án nhà ở xã hội của Bộ Xây dựng, việc đẩy mạnh phát triển các dự án nhà ở xã hội, nhất là sau khi gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng hết hiệu lực, là nhiệm vụ quan trọng trong giai đoạn tới. Hiện cả nước đã hoàn thành 88 dự án nhà ở sinh viên, bố trí chỗ ở cho khoảng 200.000 sinh viên. Hơn 28.800 căn hộ nhà ở xã hội dành cho công nhân đã được xây dựng. Đặc biệt, đã có 58 dự án, với 29.000 căn hộ dành cho người thu nhập thấp được xây dựng. Thực tế, hai loại hình nhà ở xã hội có nhu cầu cao nhất hiện nay là nhà ở dành cho công nhân khu công nghiệp (KCN) và nhà thu nhập thấp tại các đô thị.

Khi gói tín dụng 30.000 tỷ đồng được giải ngân, các dự án phục vụ hai nhu cầu này phát triển rất nhanh và tính thanh khoản tốt. Song, từ khi gói tín dụng 30.000 tỷ đồng hết hạn cho vay, khó khăn lập tức xuất hiện. Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, gói 30.000 tỷ đồng hỗ trợ cho phát triển nhà ở xã hội đã giải quyết nỗi lo chính sách. Hàng loạt dự án được triển khai, hình thành nên nhiều khu nhà ở xã hội văn minh, hiện đại tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, vì vậy cần có giải pháp thay thế khi gói tín dụng này kết thúc.

"Nhu cầu nhà ở thu nhập thấp ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh ngày một nhiều hơn nhưng vẫn chưa đủ nguồn cung đáp ứng. Trong khi đó, nhiều tỉnh, thành phố có công nghiệp phát triển cũng thiếu vắng các khu nhà ở xã hội phục vụ công nhân" - ông Nguyễn Trần Nam đề nghị.

Ưu đãi để thêm nguồn cung nhà giá thấp

Theo Thông tư 139/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính, hướng dẫn miễn tiền sử dụng đất, thuê đất đối với dự án nhà ở xã hội, có hiệu lực từ ngày 15-11, Nhà nước sẽ miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với toàn bộ diện tích đất đã được Nhà nước giao, cho thuê để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, bao gồm cả quỹ đất để đầu tư xây dựng công trình kinh doanh thương mại đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt trong phạm vi dự án xây dựng nhà ở xã hội.

Toàn bộ diện tích đất để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội sử dụng quỹ đất 20% của các dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án đầu tư phát triển đô thị theo quy định của pháp luật về nhà ở, bao gồm cả phần diện tích đất 20% để đầu tư xây dựng công trình kinh doanh thương mại trong phạm vi dự án xây dựng nhà ở xã hội cũng được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.

Liên quan đến việc tạo điều kiện thuận lợi về quỹ đất cho các dự án xây dựng nhà ở xã hội, đầu tháng 9 vừa qua, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã giao Bộ Xây dựng rà soát, điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng các khu kinh tế, khu công nghệ cao, quy hoạch chi tiết xây dựng KCN, khu chế xuất gắn với việc phát triển đô thị và nhà ở, đặc biệt là nhà ở cho công nhân; đồng thời, chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội trong các KCN. UBND các tỉnh, thành phố quy hoạch, ưu tiên bố trí quỹ đất, kinh phí đầu tư và thu hút các nguồn vốn đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và công trình phúc lợi, giáo dục, văn hóa, thể thao, y tế cần thiết phục vụ công nhân, người lao động tại các KCN.

Đón nhận quy định mới, một số chủ đầu tư dự án nhà ở cho biết, chi phí sử dụng đất, thuê đất chiếm tỷ lệ tương đối trong giá thành xây dựng. Vì vậy, các chính sách hỗ trợ trên của Chính phủ được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện cho các dự án nhà ở xã hội sớm hoàn thiện và đưa vào sử dụng, với mức giá hợp lý, qua đó tăng nguồn cung nhà ở cho người có thu nhập thấp.

Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 135/2016/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung quy định về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất, thuê mặt nước, có hiệu lực từ ngày 15-11. Theo đó, không áp dụng miễn, giảm tiền sử dụng đất cho người trúng đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng, nếu thuộc đối tượng được miễn, giảm tiền sử dụng đất. Việc miễn, giảm tiền sử dụng đất khi giao đất cho các đối tượng chính sách cải thiện nhà ở được thực hiện theo chính sách có liên quan và không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất. Nghị định cũng quy định, không miễn, giảm tiền thuê đất trong trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất để cho thuê.

Theo Hà Nội Mới