-Nhạc sĩ Lê Mây nói rằng Đây biển Việt Nam "cho chúng ta một tuyên ngôn về đất nước, về biển đảo, về truyền thống dân tộc, về sức mạnh tiềm ẩn, truyền tải, lan truyền từ đời này sang đời khác".
"Đây biển Việt Nam": Trao trọn trái tim cho Tổ quốc
Truyền hình trực tiếp lễ trao giải Đây biển Việt Nam
Nhạc sĩ Lê Mây: Một giải thưởng thiêng liêng và sâu sắc
Nhạc sĩ Lê Mây nhận giải Nhì cho tác phẩm "Đảo chìm". |
Tôi không bất ngờ vì đoạt giải, cũng không bao giờ chủ quan nghĩ rằng tác phẩm nào mình gửi đi dự thi cũng đoạt giải. Gửi tác phẩm của mình với tôi là cách tốt nhất để bộc lộ thái độ sống, suy nghĩ của mình về biển đảo, về những điều thiêng liêng nhất mà mỗi công dân Việt Nam cần phải hâm nóng lên. Chùm ca khúc đó, mỗi bài tôi chỉ viết trong nửa tiếng. Vì thời gian ra đảo chỉ có 1 tiếng, và mỗi lần ngồi trên tàu titan ra đảo là đã tràn đầy cảm xúc rồi. Do vậy, đến nơi là phải viết tốc ký, làm sao phải giữ cho cuốn sổ khỏi ướt.
Ca khúc được viết ra và nhanh chóng được thuộc lòng. Khi hát trước lính đảo, ai cũng khóc, mọi người ôm nhau mà khóc, bài hát cũng phải dừng lại nhiều lần vì xúc động. Việc nhận giải với tôi không còn quá hồi hộp. Nhưng lễ trao giải Đây biển Việt Nam không giống tất cả các buổi khác và nhiều chục lần nhận giải thưởng trong cuộc đời tôi. Bởi nó cho chúng ta một tuyên ngôn về đất nước, về biển đảo, về truyền thống dân tộc, về sức mạnh tiềm ẩn, truyền tải, lan truyền từ đời này sang đời khác. Đó là cảm xúc chưa bao giờ có trên sân khấu. Một giải thưởng mang tính lính thiêng và sâu sắc.
Nhạc sĩ Xuân Nhật: Trách nhiệm cho ra đời những tác phẩm có ý nghĩa
Nhac sĩ Xuân Nhật (trái) và Đoàn Lan Hương đồng giải Ba ở hạng mục Nhạc. |
Khi nghe tin có cuộc thi "Đây biển Việt Nam", tôi đã gửi hai sáng tác của mình dự thi. Tôi thấy đây là một cuộc vận động sáng tác có quy mô và rất nhiều anh em nghệ sĩ ở Quảng Ninh đã gửi tác phẩm đến dự thi. Mục đích không phải để giành giải mà đơn giản chỉ là một khi đã đặt chân đến đảo, tôi nghĩ trách nhiệm của mỗi công dân lớn lắm. Là một nhạc sĩ được cử ra đảo sáng tác, tôi cũng thấy mình phải có trách nhiệm cho ra đời những tác phẩm có ý nghĩa.
Nhà thơ Võ Thị Kim Liên: Sáng tác vì thấy có lỗi với Trường Sa
Nhà thơ Võ Thị Kim Liên (ngoài cùng bên trái) nhận giải 4 ở hạng mục Thơ. |
Lâu nay tôi không quan tâm lắm đến các cuộc thi cũng ít sáng tác thơ vì bận viết kịch bản phim truyền hình. Tuy nhiên sau khi đọc trên báo thấy có cuộc vận động sáng tác ca khúc và thơ về biển đảo, tôi cảm thấy mình thực sự có lỗi vì đã không quan tâm đến chủ đẻ biển đảo. Chính vì vậy tôi đã làm thơ theo xúc cảm của mình và hoàn toàn không có hy vọng gì vào chuyện giải thưởng.
Tôi không thể đến Trường Sa và chưa từng đặt chân đến đó. Tôi biết đến Trường Sa chỉ qua sách vở và internet. Chính vì vậy tôi chọn cách đến với Trường Sa qua những cái click chuột. Vì vậy, tôi viết bài thơ "Cổ tích thời @", để kể lại câu chuyện về Trường Sa với con cháu mình. Tôi ví Trường Sa như viên ngọc lục bảo, là kỷ vật mà cha Lạc Long Quân tặng mẹ Âu Cơ, là xương máu của Việt Nam, là viên xá lợi Phật mà vĩnh viễn không thể mất đi được.
Khi nhận giải, tôi hơi bất ngờ vì trước nay tôi đã nghe khá nhiều câu chuyện lùm xùm về các giải thưởng. Còn với cuộc vận động sáng tác này, dù không quen ai, không được ai gửi gắm, tôi vẫn được giải. Tôi vui vì Đây biển Việt Nam là cuộc thi lớn về biển đảo. Cùng với các đồng nghiệp, tôi đã thêm được một tiếng nói nữa về Trường Sa để người đọc hiểu thêm, gần thêm và yêu thêm Trường Sa.
Hoàng Vy
(ghi)
Ảnh: LAD