Đúng dịp kỷ niệm 300 năm ra đời kiệt tác âm nhạc The Four Seasons (Bốn mùa) của Vivaldi, Việt Nam được Dàn nhạc Giao hưởng Nhà hát Hoàng gia Versailles của Pháp chọn là một trong những điểm dừng chân của chuyến lưu diễn Châu Á trong 2 ngày 21 và 22/4 tại Nhà hát Hồ Gươm.

Đây cũng là buổi biểu diễn mở màn cho chuỗi chương trình nghệ thuật quốc tế Musical Seasons 2024-2025 mang âm nhạc đỉnh cao đến gần hơn với công chúng Việt Nam diễn ra tại Nhà hát Hồ Gươm. Ngay khi công bố chương trình, công chúng yêu nhạc cổ điển đã rất chờ đợi được thưởng thức sự kiện âm nhạc đặc biệt này bởi nhiều lý do.

hhkd7012.jpg
Sân khấu tối giản để làm nền cho âm nhạc thăng hoa. 

Tổ khúc Bốn mùa là một trong những tác phẩm kinh điển nổi tiếng bậc nhất thế giới âm nhạc cổ điển. Và đây là lần đầu tiên công chúng Thủ đô được thưởng thức trọn vẹn 4 concerto Xuân - Hạ - Thu - Đông do dàn nhạc giao hưởng nổi tiếng của Pháp trình diễn ở Hà Nội cùng sự góp mặt của một trong những giọng Countertenor nổi tiếng nhất thế giới hiện nay.

5m0a1208.jpg
Hai đêm diễn hết sạch vé. 

Chính vì vậy dù giá vé khá cao so với mặt bằng chung của các chương trình hòa nhạc cổ điển ở Việt Nam nhưng vẫn được những người sành nhạc săn lùng khiến vé đã bán hết trước đêm diễn gần 3 tuần. 

5m0a1261.jpg
 Nhạc trưởng Stefan Plewniak gây ấn tượng với trang phục đặc biệt. 

Tối 21/4, đêm diễn đầu tiên của Four Seasons Concert - Hòa nhạc Bốn mùa được Nhà hát Hồ Gươm đứng ra tổ chức với đơn vị đồng sản xuất là IB Group Việt Nam đã làm thỏa mãn công chúng yêu nhạc cổ điển. Họ được thưởng thức 'hàng xịn' ngay trên sân khấu Thủ đô bởi một dàn nhạc đẳng cấp châu Âu mà không cần phải sang Pháp mua vé xem với giá cao ngất ngưởng.

Sự kết hợp của một dàn nhạc danh tiếng cùng ca sĩ sở hữu giọng hiếm Théo Imart trên sân khấu top 10 Nhà hát Opera tuyệt vời nhất thế giới thực sự là một trải nghiệm khó quên với khán giả. 

Sân khấu Nhà hát Hồ Gươm được bài trí đơn giản nhất để làm nền cho 16 nghệ sĩ đến từ Pháp cùng âm nhạc và giọng hát thăng hoa. Khi cánh màn nhung kéo lên, lần lượt các nghệ sĩ mới từ từ bước ra chơi nhạc và hầu hết đứng biểu diễn. 

hhkd6980.jpg

Dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Stefan Plewniak, đồng thời cũng là nghệ sĩ chơi vĩ cầm, Dàn nhạc Giao hưởng Nhà hát Hoàng gia Versailles đã dẫn dắt khán giả qua bốn mùa trong năm được nhà soạn nhạc thiên tài người Ý viết bằng âm nhạc 300 năm trước qua 4 concerto tương đương với 4 mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông. 

5m0a1218.jpg

Stefan Plewniak là tâm điểm chú ý khi ông không chỉ thể hiện những ngón đàn điêu luyện mà còn tràn đầy năng lượng trên sân khấu với phong cách biểu diễn cực phóng khoáng. Không cầm đũa chỉ huy như những nhạc trưởng thông thường mà khán giả vẫn hình dung trên sân khấu các chương trình âm nhạc cổ điển, Stefan Plewniak dẫn dắt các nghệ sĩ bằng chính cây violin và kỹ thuật trình diễn ấn tượng của mình.

5m0a1001.jpg
Nghệ sĩ chơi đàn Theorbo trong Dàn nhạc Giao hưởng Nhà hát Hoàng gia Versailles.  

Đây là dịp hiếm khoi khán giả Thủ đô được chiêm ngưỡng cây đàn Theorbo - một nhạc cụ phổ biến được sử dụng trong thời kỳ âm nhạc Baroque (1600–1750) trên sân khấu Nhà hát Hồ Gươm với sự trình diễn của một nghệ sĩ nữ.

5m0a1165.jpg
Countertenor Théo Imart khiến người nghe ngỡ ngàng vì giọng hát đặc biệt.

Tuy nhiên, để lại ấn tượng mạnh nhất với công chúng Thủ đô vẫn là Countertenor Théo Imart - nghệ sĩ sở hữu giọng hiếm, có thể hát với âm vực của nữ giới như nữ trầm, nữ trung hay thậm chí là nữ cao. Dù vóc dáng nhỏ nhắn nhưng Théo Imart lại sở hữu chất giọng đủ khả năng chinh phục những nốt nhạc khó nhất, với âm vực cao nhất.

hhkd6992.jpg
 Théo Imart và nhạc trưởng Stefan Plewniak.  

Nếu không trực tiếp xem anh diễn mà chỉ nghe giọng chắc chắn nhiều người sẽ tưởng lầm Théo Imart là giọng nữ. Người nghe kinh ngạc vì khả năng biến hóa trong giọng hát trời phú của Théo Imart bởi không nhiều nghệ sĩ có thể hát ở quãng giọng này đủ đẹp, đủ mạnh để 'xuyên qua' dàn nhạc và chạm đến tai người nghe như anh.

i5m0a1200.jpg
Nghệ sĩ violin Bùi Công Duy thưởng thức đêm nhạc dưới hàng ghế khán giả. Anh từng chơi tổ khúc 'Bốn mùa' nhiều lần trên sân khấu Thủ đô. 

Dàn nhạc Giao hưởng Nhà hát Hoàng gia Versailles cùng Théo Imart đã mang đến cho khán giả Hà Nội một đêm nhạc khó quên cùng trải nghiệm âm nhạc và cảm xúc vô giá với tổ khúc Bốn mùa kinh điển của Vivaldi. Sự hưởng ứng nhiệt tình của công chúng trong đêm nhạc đầu tiên đã buộc các nghệ sĩ phải trở đi trở lại sân khấu nhiều lần để biểu diễn tiếp.

hhkd6987.jpg
 Théo Imart khoe giọng hiếm. 

Đặc biệt nhất là 'món quà âm nhạc' cuối cùng khi Théo Imart trình diễn ca khúc Pháp kinh điển La vie en rose bằng chất giọng ma mị chưa từng thấy. Khán giả Việt Nam từng bị mê hoặc bởi giọng hát của Édith Piaf nhưng có lẽ chưa bao giờ người nghe được trải nghiệm một phiên bản La vie en rose tuyệt vời đến thế qua giọng hát của Théo Imart cùng Dàn nhạc Giao hưởng Nhà hát Hoàng gia Versailles ngay trên sân khấu Hà Nội.  

hhkd7107.jpg
Các nghệ sĩ chào khán giả trong tiếng vỗ tay vang dội. 

Sau màn tặng hoa cùng những tràng pháo tay vang dội, những tưởng đêm đầu tiên của Hòa nhạc Bốn mùa đã có thể khép lại nhưng không phải. Nhạc trưởng Stefan Plewniak cùng các nghệ sĩ phấn khích đến nỗi quyết định trở lại sân khấu và chơi lại bản Mùa hè (Summer) một lần nữa. Tối nay, 22/4 các nghệ sĩ sẽ có đêm diễn thứ 2 và cũng là buổi cuối cùng trong Hòa nhạc Bốn mùa tại Nhà hát Hồ Gươm trước khi kết thúc chuyến lưu diễn tại Việt Nam. 

Théo Imart với 'La vie en rose':

Quỳnh An
Ảnh&Clip: Hòa Nguyễn