Mô hình thí điểm “Cánh đồng mẫu không dấu chân” được thực hiện trên diện tích 4ha tại cánh đồng khu C, khối phố Đông Khương 1 và Triêm Trung 2 (phường Điện Phương, thị xã Điện Bàn) với 10 hộ nông dân tham gia.
Đây là mô hình sản xuất nông nghiệp liên kết chuỗi giá trị lúa thương phẩm. Trong đó, Công ty CP Tập đoàn Điện Bàn đầu tư giống lúa Dibarice 13/2 và thuốc bảo vệ thực vật diệt cỏ tiền nảy mầm theo hình thức trả chậm. Cuối vụ, công ty thu mua toàn bộ lúa thương phẩm với giá cao hơn thị trường.
Tại mô hình này, Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Quảng Nam tiến hành sạ giống - bón phân - phun thuốc bằng máy bay không người lái. Đây là phương pháp canh tác nông nghiệp tương đối mới đối với nông dân Quảng Nam.
Với thời gian bay từ 2,5 - 3 giờ, máy bay không người lái có thể hoàn thành việc sạ lúa với diện tích hơn 20.000m2. So với gieo sạ truyền thống, sạ bằng máy bay không người lái có độ bao phủ đều hơn, mật độ nảy mầm hiệu quả hơn, đặc biệt không hề có dấu chân trên mặt ruộng, giúp tiết giảm chi phí, nhân công lao động.
Ông Bùi Quốc Yên - Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và hỗ trợ nông dân tỉnh đánh giá, ứng dụng máy bay không người lái vào sản xuất nông nghiệp sẽ giúp giảm lượng lúa giống gieo sạ, tiết kiệm phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, nhất là hạn chế người nông dân tiếp xúc trực tiếp với thuốc bảo vệ thực vật. Qua đó tăng năng suất cây trồng, tăng chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường sinh thái và sức khỏe cho người nông dân.
Theo LAM KHUÊ (Báo Quảng Nam)