Theo báo cáo mới nhất từ VAMA (Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam), lượng ô tô tiêu thụ trong tháng 5 vừa qua của toàn thị trường (gồm các thành viên VAMA và xe nhập khẩu nguyên chiếc của đơn vị khác) là 27.373 chiếc, tăng 30% so với tháng 4/2019 và tăng 18% so với tháng 5/2018.
Nếu tính chung số liệu của cả Hyundai Thành Công là 6.278 chiếc thì tháng 5/2019 cả nước tiêu thụ đạt 33.651 chiếc.
Biểu đồ bán xe theo từng tháng do VAMA thống kê |
Cũng từ số liệu VAMA, sự chênh lệch tăng trưởng giữa xe lắp ráp và xe nhập khẩu vẫn là rất lớn. Sản lượng của xe lắp ráp trong nước tháng vưa qua đạt 15.162 xe, tăng 8% so với tháng trước và số lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc là 12.211 xe, tăng 75% so với tháng trước.
Đáng chú ý, nếu quan sát biểu đồ bán xe thì ngoại trừ tháng 4/2019 giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái thì hầu hết các tháng còn lại đều tăng trưởng. Trong đó tháng 1 và 3/2019 đều ở mức cao kỷ lục.
Nguyên nhân của sức mua tăng ngoài yếu tố mùa vụ (tháng 1/2019 là dịp cuối năm sát Tết cổ truyền) thì cuộc đua giảm giá bán, tăng khuyến mãi cũng góp phần không nhỏ kích thích người dân bỏ tiền sắm xe.
Theo biểu đồ VAMA, lượng xe nhập khẩu đang dần đuổi kịp xe lắp ráp dù số mẫu bán ra ít hơn |
Nếu như trong tháng 3 và 4, các chính sách giảm giá tiền, tặng phụ kiện hoặc gói bảo hiểm tập trung với các mẫu xe bán chậm thì sang đến tháng 5/2019, nhiều hãng xe, đại lý đã áp dụng đại trà cho cả mẫu bán chạy.
Chuyện “gió đổi chiều” trong khuyến mại như trên có thể thấy điển hình ở một số mẫu xe từng bị tố “bán chênh” hoặc “bia kèm lạc” như Ford Everest, Toyota Fortuner, Toyota Wigo, Honda CR-V.
Ford Everest nhận được mức giảm giá cao nhất so với các tháng trước, khoảng 50 triệu, kèm theo nhiều quà tặng khác. Toyota Fortuner được các đại lý giảm giá từ 20 - 30 triệu đồng, trong đó mức giảm cao ở bản số tự động thường ít thấy thì nay thường xuyên hơn. Trước sức ép từ các hãng đối thủ, Honda CR-V dù chịu ảnh hưởng từ nguồn nhập khẩu nhưng cũng gia nhập cuộc đua giảm giá, bắt đầu trong tháng 4 với mức giảm 15 triệu tiền mặt hoặc 25- 30 triệu tiền phụ kiện, và kéo dài sang cả tháng 5/2019.
Tăng khuyến mãi, giảm giá đang là "cần câu" của các hãng xe trong cuộc đua tăng doanh số |
Cuộc đua khuyến mãi và giảm giá giúp các “đại gia” ngành ô tô trở lại chỉ số tăng trưởng dương sau đợt giảm nhẹ doanh số hồi tháng 4/2019. Đứng đầu bảng nhóm bán chạy vẫn là Toyota Việt Nam với 6.321 chiếc, bám khá sát là Hyundai Thành Công với 6.278 chiếc. Đặc biệt, tháng 5/2019 chứng kiến sự bám đuổi sát sao của 3 thương hiệu, Mitsubishi bán được 3.088 chiếc (tăng trưởng tới 646% só với cùng kỳ năm ngoái), theo sát là Ford với 3.000 chiếc (tăng trưởng 107%), và tiếp đến là Honda với 2.975 chiếc (tăng trưởng 17%).
Tháng 5/2019 cũng gây bất ngờ khi lần đầu tiên kể từ sau dịp Tết, cả ba thương hiệu của Trường Hải là Kia, Mazda và Peugeot đều không tăng hoặc tụt giảm doanh số so với cùng kỳ năm ngoái, với mức lần lượt là 0%, -7% và -43%. Trường Hải lâu nay vẫn là doanh nghiệp duy trì các ưu đãi và hiếm khi tăng giá bán xe, vì vậy chứng kiến doanh số bán giảm nhanh chóng của 3 thương hiệu xe du lịch chủ đạo, có thể thấy mức độ “thấm đòn” từ cuộc đua giảm giá mà các đối thủ đang áp dụng.
Thị trường ô tô Việt Nam tới đây sẽ có nhiều diễn biến khó đoán khi xuất hiện thêm nhân tố mới là hãng xe Vinfast, bắt đầu bàn giao xe cỡ A là Fadil từ trung tuần tháng 6 và tiếp đến là các mẫu SUV, sedan. Khi miếng bánh thị phần co lại, các hãng xe đua tăng khuyến mại, đó chính là cơ hội để người tiêu dùng lựa chọn được mẫu xe phù hợp mà không còn cảm giác bị o ép.
Đình Quý
Ô tô "nội" đua giảm giá cạnh tranh xe nhập khẩu
Lượng cung ôtô nhập khẩu ngày càng tăng với các mẫu xe giá rẻ đánh trúng vào nhu cầu mua xe của nhiều người đồng thời gây sức ép với xe lắp ráp.