Theo thông tin từ Tổng cục Quản lý thị trường, sau 2 tháng mật phục, vào đầu tháng 3/2021, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 2 - Cục QLTT Kon Tum đã phối hợp với Công an huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum thực hiện vây bắt hành vi vận chuyển sâm Ngọc Linh giả tại "thủ phủ" sâm thật.

Cụ thể, qua theo dõi, lực lượng chức năng phát hiện xe khách chạy từ phía Bắc vào, khi đến địa bàn huyện Đắk Tô đã bỏ xuống 3 thùng xốp. Bên ngoài thùng ghi "hoa phong lan Đắk Tô" và không có địa chỉ người gửi, người nhận. Kiểm tra 3 thùng xốp, lực lượng chức năng phát hiện có 2kg củ và 12kg lá rất giống sâm Ngọc Linh Kon Tum. Trong số hàng trên, có 2 củ lớn (kèm lá) nặng gần 3 lạng/củ, còn lại là các củ nhỏ.

Ông Ngụy Đình Phúc, Đội trưởng Đội QLTT số 2 thông tin: "Đây là các loại củ từ các tỉnh miền núi phía Bắc vận chuyển đưa vào địa bàn huyện Đăk Tô đội lốt sâm Ngọc Linh Kon Tum để lừa bán cho người tiêu dùng".

Nhiều loại thảo dược quý bị làm giả công khai - Ảnh 1.

Các loại thảo dược đội lốt sâm Ngọc Linh bị thu giữ.

Sâm Ngọc Linh là loại sâm quý, được phân bố ở khu vực rừng núi cao ở Kon Tum và Quảng Nam, có giá từ hàng chục đến cả trăm triệu đồng/kg (tùy loại). Với giá trị cao như vậy, thời gian qua, rất nhiều tư thương đã thu gom các loại củ như tam thất, điền trúc, rất giống sâm Ngọc Linh Kon Tum từ các tỉnh miền Bắc để đưa vào địa bàn huyện Đăk Tô rồi đội lốt sâm Ngọc Linh Kon Tum bán, làm ảnh hưởng đến thương hiệu sâm Ngọc Linh Kon Tum. 

Thật giả lẫn lộn

Không chỉ sâm Ngọc Linh, mà nhiều loại thảo dược quý khác đang bán trên thị trường cũng bị làm giả. 

Tiêu biểu trong số đó là yến sào, một sản phẩm được biết đến với nhiều công dụng như: bổ sung đạm, hỗ trợ hệ miễn dịch, tăng sức đề kháng, làm đẹp… Hiện nay, yến sào đang được bán tràn lan tại các chơ và trên mạng xã hội, sàn mua sắm trực tuyến với nhiều mức giá khác nhau, dao động từ 2 triệu đến tới 22 triệu đồng/lạng. 

Nguồn gốc loại sản phẩm này cũng có nhiều, từ các loại yến Việt Nam đến yến nhập khẩu từ Indonesia, Malaysia... Thậm chí, có nhiều nơi chỉ bán yến đựng trong các hộp nhựa, túi nylon, mập mờ nguồn gốc, không có nhãn mác, hay thông tin sản phẩm.

Nhiều loại thảo dược quý bị làm giả công khai - Ảnh 2.

Nhiều loại yến sào được bán trên thị trường gây khó cho người tiêu dùng khi lựa chọn. Ảnh minh họa

Tương tự, với thảo dược quý khác là đông trùng hạ thảo. Sản phẩm có hai nguồn cung cấp chính là trong nước và nhập khẩu. Chỉ riêng với sản phẩm đông trùng hạ thảo được nuôi trồng trong nước, người tiêu dùng cũng có nhiều sự lựa chọn, với đủ loại giá bán khác nhau. Có loại chỉ 280.000 - 350.000 đồng/10g, nhưng cũng có loại lên tới 1,2 - 2 triệu đồng/10g. 

Chị Đỗ Như Quỳnh (công ty Thiên tâm Thảo) cho biết, với công dụng phục hồi sức khỏe, tăng cường miễn dịch, ổn định nhịp tim, cải thiện đường hô hấp…, đông trùng hạ thảo ngày càng được nhiều người lựa chọn. Tuy nhiên, không phải loại đông trùng hạ thảo nào cũng có các hoạt chất như nhau. Chính vì vậy, nhiều người đã làm giả đông trùng hạ thảo bằng những thủ thuật tinh vi, hoặc trà trộn sản phẩm kém chất lượng để bán với giá cao.

Lưu ý khi mua thảo dược quý 

Những loại thảo dược quý như sâm, yến, đông trùng hạ thảo… bán tràn lan trên thị trường gây không ít khó khăn cho người tiêu dùng. 

Ở góc độ người mua, không phải là chuyên gia, nên khó có thể phân biệt và kiểm định được chất lượng của các loại thảo dược quý. 

Vì vậy, khi có nhu cầu mua và sử dụng, người tiêu dùng nên lựa chọn các nhà cung cấp uy tín, có nguồn gốc, giấy tờ hợp lệ, có đầy đủ bản kiểm định chất lượng, thông tin sản phẩm rõ ràng để tránh bị mất tiền oan vì thảo dược quý. 

Bảo tồn nguồn thảo dược quý mang lại sức khỏe cho người tiêu dùng

Theo phunuvietnam.vn