Với từng nguyên nhân, thị xã An Nhơn (Bình Định) triển khai nhiều biện pháp giúp đỡ, chủ trương tập trung hỗ trợ các chiều thiếu hụt cho hộ nghèo, cận nghèo.
Đầu năm 2024, toàn thị xã An Nhơn còn 1.814 hộ nghèo, hộ cận nghèo, tương ứng tỷ lệ nghèo đa chiều 3,51%. Trong đó có 739 hộ nghèo (1,43%) và 1.075 hộ cận nghèo (2,08%).
Dù được tỉnh giao giảm thêm 851 hộ nghèo và cận nghèo (đưa tỷ lệ về 1,86%) vào cuối năm 2024, nhưng kế hoạch giảm nghèo của thị xã An Nhơn đặt mục tiêu cao hơn, tỷ lệ nghèo đa chiều giảm còn 1,39% (tương ứng còn 720 hộ nghèo và cận nghèo). Trong đó: Tỷ lệ hộ nghèo còn 0,07% (tương ứng 35 hộ); tỷ lệ hộ cận nghèo còn 1,32% (tương ứng 685 hộ). Thị xã phấn đấu đến ngày 1/1/2025 không còn hộ nghèo; tỷ lệ hộ cận nghèo giảm còn 0,9% (tương ứng 465 hộ).
Năm 2024, từ nguồn kinh phí Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, thị xã An Nhơn được tỉnh phân bổ hơn 3,2 tỷ đồng thực hiện Dự án 2: Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; Tiểu dự án 1. Hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp (Dự án 3) với hơn 1,4 tỷ đồng; Tiểu dự án 1: Phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn và và Tiểu dự án 3 Hỗ trợ việc làm bền vững (Dự án 4) với 2,7 tỷ đồng.
Trong 1.814 hộ nghèo và cận nghèo tới đầu năm 2024 của thị xã An Nhơn, nguyên nhân nghèo tập trung vào các nhóm: Không có lao động; không có công cụ/phương tiện sản xuất; có người ốm đau, bệnh nặng, tai nạn; nguyên nhân khác.
Với từng nguyên nhân, thị xã triển khai nhiều biện pháp giúp đỡ, chủ trương tập trung hỗ trợ các chiều thiếu hụt cho hộ nghèo, cận nghèo như: Đào tạo nghề cho 323 lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, sau khi đào tạo nghề đã giải quyết việc làm tại chỗ và giúp các lao động vào làm việc ở các công ty; Hỗ trợ tìm kiếm việc làm cho 514 lao động; Giúp 130 hộ vay vốn chính sách để mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Thị xã cũng hướng dẫn 127 hộ (50 hộ nghèo, 77 hộ cận nghèo) tham gia dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng của Dự án 2 và Tiểu dự án 1 - Dự án 3 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững...
Tại xã Nhơn Hạnh, thị xã An Nhơn, đầu tháng 7, hai hộ cận nghèo là gia đình ông Đặng Hoàng Minh và gia đình bà Nguyễn Thị Mỹ Quanh, đã được nhận phương tiện sinh kế là 2 máy ép nước mía trị giá hơn 14 triệu đồng để có thêm điều kiện phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, thoát diện cận nghèo nhanh và bền vững.
Gia đình ông Minh có 4 nhân khẩu, với 2 người con trong độ tuổi ăn học, bản thân ông nhiều năm nay bị bệnh không thể lao động, nguồn thu nhập chính đến từ tiệm tạp hoá nhỏ lẻ của người vợ. Gia đình bà Quanh cũng rất khó khăn khi chồng mất sớm, đang phải nuôi 4 con nhỏ.
Chương trình do Thị đoàn An Nhơn, Hội LHTN Việt Nam thị xã phối hợp với Hội Cựu Chiến binh thị xã tổ chức. Việc trao tặng sinh kế thể hiện trách nhiệm của tuổi trẻ cùng với các ngành, các cấp thực hiện phương châm “Không ai bị bỏ lại phía sau”, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo và thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2024.
Xã Nhơn An hiện có 46 hộ nghèo, cuối năm 2024 xã phấn đấu giảm còn 5 hộ nghèo. Để giúp người dân thoát nghèo bền vững, lãnh đạo xã chỉ đạo các bộ phận liên quan hướng dẫn người dân vay vốn ưu đãi của Ngân hàng CSXH, tạo việc làm, hỗ trợ sinh kế để các hộ trung bình, hộ cận nghèo, hộ nghèo, hộ vừa thoát nghèo có thêm điều kiện củng cố nền tảng kinh tế gia đình. Xã cũng quan tâm, hỗ trợ với các hộ nghèo là người neo đơn, người già, đau ốm không có sức lao động được hưởng mức bảo trợ xã hội hàng tháng.
Tại xã Nhơn Hậu, ngoài ngân sách nhà nước, xã cũng tích cực vận động hỗ trợ cho người nghèo, cận nghèo bằng sự ủng hộ của cộng đồng, các Hội, ban, ngành... Mới đây, từ nguồn kinh phí trích từ quỹ Hội, Hội LHPN xã Nhơn Hậu hỗ trợ sinh kế cho 2 hội viên nghèo là 2 heo giống lỡ (30 kg/con), trị giá gần 6 triệu đồng.
Đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực, trao sinh kế cho hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Điều này nhằm giúp đỡ, động viên các chị phát triển kinh tế, góp phần tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo; đồng thời góp phần cùng địa phương giảm tỷ lệ nghèo theo tiêu chí đa chiều.
Hiện thị xã An Nhơn còn một số hộ nghèo là hộ người cao tuổi, neo đơn, không có sức lao động, không có khả năng vươn lên thoát nghèo.
Để đồng hành với nhóm đối tượng này, lãnh đạo thị xã cho biết với các hộ có người từ 80 tuổi trở lên, sau khi chuyển sang hộ cận nghèo, ngoài hỗ trợ BHYT, các hộ chỉ còn được hỗ trợ 500.000 đồng/tháng. Thị xã sẽ vận động xã hội hóa để hỗ trợ thêm 500.000 đồng/tháng/hộ, đưa số tiền thực nhận của các hộ này là 1 triệu đồng/tháng, ngang bằng mức hiện nay.
Với các hộ dưới 80 tuổi, khi chuyển sang hộ cận nghèo, họ chỉ còn được hỗ trợ BHYT. Từ nguồn xã hội hóa, thị xã sẽ hỗ trợ đủ 750 nghìn đồng/tháng, bằng với mức họ được nhận hiện nay để đảm bảo mức tối thiểu chi tiêu. Thị xã hướng tới hỗ trợ suốt đời đối với các hộ này.