Năm 2024, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 theo hướng đa chiều, bao trùm, thị xã Ba Đồn (Quảng Bình) phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo 0,3%, tương ứng với giảm 88 hộ; hộ cận nghèo 0,43% tương ứng với giảm 127 hộ. Thị xã quyết tâm duy trì 100% xã, phường có tỷ lệ hộ nghèo dưới 2,5%; phấn đấu 80% xã, phường có tỷ lệ hộ nghèo dưới 1,5%.

Để thực hiện được mục tiêu này, thị xã Ba Đồn huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, quyết liệt triển khai, thực hiện các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ giảm nghèo phù hợp, tạo động lực giúp người dân từng bước vươn lên thoát nghèo.

Xác định giải quyết việc làm cho người lao động là biện pháp thiết thực giúp người dân tăng thu nhập, là bệ đỡ an sinh xã hội giúp giảm nghèo bền vững, đa chiều, thị xã Ba Đồn đã triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp.

Trên cơ sở tổ chức khảo sát tình hình sử dụng lao động và nhu cầu học nghề trong các doanh nghiệp, thị xã tổ chức các lớp tập huấn về việc làm và xuất khẩu lao động. Trong 6 tháng đầu năm 2024, thị xã đã giải quyết việc làm cho gần 1.900 lao động, đạt 63% so với kế hoạch.

Tới đây, thị xã tích cực triển khai công tác đào tạo nghề cho lao động, nhất là lao động nông thôn, lao động nghèo, tạo điều kiện để họ có việc làm ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống. Thị xã quyết tâm năm 2024 giải quyết việc làm cho trên 3.000 lao động.

Theo mục tiêu đề ra, năm 2024, thị xã Ba Đồn phấn đấu 100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu được hỗ trợ kết nối, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ việc làm.

98,5% trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đi học đúng độ tuổi; tối thiểu 95% hộ nghèo, hộ cận nghèo sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

80% hộ nghèo, hộ cận nghèo sử dụng nhà tiêu hợp về sinh; 90% hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu được tiếp cận sử dụng các dịch vụ viễn thông.

Song song với đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, thị xã Ba Đồn cũng quan tâm đầu tư chuyển đổi sinh kế, tạo công ăn việc làm, ổn định đời sống và phát triển sản xuất cho người dân. Tại địa phương này, một trong những mô hình giảm nghèo hiệu quả đang được nhân rộng là chăn nuôi bò sinh sản.

Các chương trình tặng bò sinh kế được triển khai từ dự án đa dạng hoá sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo của Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, dự án Ngân hàng bò của Hội Chữ thập đỏ thị xã... Nhờ các dự án này, nhiều hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo tại thị xã Ba Đồn được trao "cần câu", có sinh kế lâu dài, từ đó góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống, tăng cơ hội tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản khác, vươn lên thoát nghèo bền vững. 

W-Giảm nghèo (121).jpg
Từ nguồn vốn tín dụng chính sách, người dân đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh.

Xác định vốn vay giải quyết việc làm từ chương trình tín dụng ưu đãi là một trong những giải pháp giúp người nghèo, cận nghèo có điểm tựa để phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, từ đầu năm 2024 đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã Ba Đồn đã cho trên 3.600 lượt hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn với số tiền trên 213,5 tỷ đồng. Các gói vay ưu đãi, gồm giải quyết việc làm, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo...

Từ nguồn vốn tín dụng chính sách, người dân đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh. Nguồn vốn quan trọng, đầy giá trị nhân văn này cũng góp phần giải quyết việc làm cho gần 4.000 lao động tại địa phương và giúp nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên phát triển kinh tế.

Với sự đồng hành của Nhà nước, sự chung tay của cả xã hội, nhiều hộ nghèo, cận nghèo tại thị xã Ba Đồn đã được tiếp thêm niềm tin, nghị lực để vươn lên có nguồn thu nhập khá, trả xong nợ ngân hàng và mạnh dạn vay mới chương trình vốn hộ sản xuất, kinh doanh để mở rộng quy mô chuồng trại.

Không chỉ thế, tư duy sản xuất, phương thức sản xuất của mỗi người dân đã ghi nhận sự chuyển biến, đổi mới tích cực nhờ nguồn vốn này, thể hiện trong đầu tư sản xuất, không ngừng nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi. Người dân cũng hướng tới việc gắn phát triển sản xuất hàng hóa với nhu cầu của thị trường, tăng khả năng tiêu thụ, nâng cao thu nhập, việc làm.

Hàng nghìn phương tiện máy cày, máy tuốt lúa, máy xay xát… cùng các công trình chuồng trại kiên cố đưa vào sử dụng đã tạo điều kiện thuận lợi cho canh tác gieo trồng, chăn nuôi. Có cơ hội đầu tư làm kinh tế, hàng trăm hộ nghèo đã vươn lên thoát nghèo bền vững.

Để tiếp thêm nguồn lực cho giảm nghèo bền vững, tới đây, Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã Ba Đồn tăng cường giải ngân, kịp thời đáp ứng nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của hộ nghèo và các đối tượng chính sách.