Từ tháng 1/2021 tới tháng 3 năm nay, hơn 46.000 người nộp báo cáo lừa đảo liên quan đến tiền mã hóa với FTC. FTC cho biết, gần một nửa số vụ báo cáo mất tiền mã hóa do lừa đảo xuất phát từ một quảng cáo, bài viết hay tin nhắn trên mạng xã hội. Cơn sốt tiền mã hóa lên cao kỷ lục vào năm 2021 sau khi Bitcoin lập đỉnh 69.000 USD tháng 11.
Báo cáo chỉ ra mạng xã hội và tiền mã hóa như một “cặp bài trùng”, dễ dàng kết hợp với nhau để lừa đảo. FTC nói thêm rằng khoảng 575 triệu USD thất thoát liên quan đến “các cơ hội đầu tư không có thật”. Thông thường, thủ phạm nhằm vào các nhà đầu tư nghiệp dư, hứa hẹn lợi nhuận khủng cho một khoản đầu tư ban đầu. Dù vậy, cuối cùng, các khoản đầu tư này đều chảy vào túi của kẻ lừa đảo.
Instagram, Facebook, WhatsApp và Telegram là các mạng xã hội hàng đầu trong các vụ lừa đảo tiền mã hóa. Trung bình, mỗi nạn nhân mất khoảng 2.600 USD. Bitcoin, Tether và Ether nằm trong số các loại tiền số mà mọi người dùng để trả cho kẻ lừa đảo nhiều nhất.
Lừa tình cũng chiếm tỉ lệ không nhỏ trong các vụ lừa đảo được ghi nhận với thiệt hại khoảng 185 triệu USD. Nhiều kẻ tiếp cận đối tượng thông qua mạng xã hội hoặc ứng dụng hẹn hò. Một loại lừa đảo phổ biến có tên “lò mổ”, trong đó, tội phạm xây dựng quan hệ tình cảm với nạn nhân để lừa họ đầu tư vào tiền số. Phương thức này ngày càng trở nên thông dụng, theo Coin Telegraph.
Báo cáo của FTC chỉ là một lát cắt nhỏ của tình trạng lừa đảo tiền mã hóa hiện nay, do nó chỉ dựa vào các báo cáo mà người dùng nộp lên. FTC ước tính chưa tới 5% nạn nhân báo cáo cho cơ quan chức năng. Khi tiền mã hóa ngày một phổ biến, số vụ lừa đảo cũng tăng lên.
Du Lam (Theo Reuters, Engadget)