Báo cáo Qualtrics do Coinbase thực hiện cho thấy, trong năm qua, lượng người Anh đã mua tiền điện tử tăng 4%, lên tới 33% số người được khảo sát. Coinbase là một sàn giao dịch tiền tệ kỹ thuật số có trụ sở chính tại San Francisco (California, Mỹ).

Khảo sát được thực hiện hồi tháng 10/2021 cho thấy, tỷ lệ người dân từng mua tiền mã hóa ở Anh là 29%. Đáng chú ý, hơn một nửa trong số những người được khảo sát dự định sẽ tăng lượng nắm giữ tiền mã hóa của họ trong vòng 12 tháng tới. 

Theo báo của của Coinbase, Bitcoin hiện là đồng tiền mã hóa giữ vị trí số 1 trong lòng người Anh. Đây chính là loại tiền mã hóa được sở hữu phổ biến nhất. 

Ngoài Bitcoin, 52% số người mua tiền mã hóa ở Anh đã sở hữu Ethereum. Dogecoin và Binance Coin cũng là những đồng tiền mã hóa phổ biến.

Không chỉ người dân mà ngay cả Kho bạc Hoàng gia Anh cũng quan tâm tới Bitcoin. Đơn vị này thậm chí còn từng tạo ra và phát hành một NFT hoàng gia trong bối cảnh các quy định về stablecoin ở Anh đang được thảo luận. 

Tỷ lệ người dân sở hữu tiền mã hóa tại Anh đang tăng lên. 

Theo người phát ngôn của Coinbase, với dân số lên đến 67 triệu người, nước Anh sẽ trở thành một trung tâm về tiền mã hóa hàng đầu của khu vực Châu Âu. 

Công nghệ đang thúc đẩy việc ứng dụng tiền mã hóa ở Vương quốc Anh. Ngày càng có nhiều người Anh mua tiền mã hóa, nghiên cứu của Coinbase kết luận. Tuy vậy, kết quả của báo cáo này được xem là khá lạc quan.

Theo một thống kê khác do Statista thực hiện, lượng người sở hữu tiền mã hóa ở Anh chỉ khoảng 7%, thấp hơn nhiều so với kết quả do Coinbase công bố. 

Trong khi đó, một báo cáo khác của Cointelegraph cũng có chung nhận định khi cho rằng số người sở hữu tiền mã hóa ở Anh chỉ ở mức dưới 10%. 

Ở một chiều hướng khác, Việt Nam được tất cả các báo cáo đánh giá cao trong các cuộc khảo sát về mức độ phổ biến của tiền mã hóa.

Theo Chainalysis, Việt Nam là một ví dụ hoàn hảo về một quốc gia có mức độ tham gia vào các giao dịch tiền điện tử vượt xa so với thứ hạng nền kinh tế. 

Việt Nam hiện xếp thứ 10 về Chỉ số chấp nhận tiền điện tử toàn cầu. Điều này cho thấy người dân Việt Nam rất cởi mở với công nghệ Blockchain. Số liệu: Chainalysis

Dù chỉ đứng thứ 53 về GDP với khoảng 262 tỷ USD và được xếp hạng là quốc gia có thu nhập trung bình thấp, Việt Nam vẫn có mức độ chấp nhận khá cao với các giao dịch tiền điện tử. 

Theo đó, Việt Nam đứng thứ 10 trong tổng số 154 quốc gia về Chỉ số chấp nhận tiền điện tử toàn cầu. Đây là một trong những chỉ số hiếm hoi mà Việt Nam có thứ hạng tương đồng các nước phát triển như Mỹ, Trung Quốc hay Nam Phi, thậm chí còn hơn nhiều quốc gia phát triển khác là Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Cuộc khảo sát của Finder được thực hiện với 42.000 người trên 27 quốc gia cũng cho thấy, Việt Nam là nước có tỷ lệ chấp nhận tiền số cao nhất. 

Cụ thể, 41% số người Việt được hỏi khẳng định đã mua tiền mã hóa. 20% người Việt được hỏi cho biết họ đã mua Bitcoin. Đây là mức cao nhất trong tất cả quốc gia được khảo sát.

Các quốc gia có tỷ lệ người sở hữu tiền mã hóa cao nhất theo số liệu của Finder. 

So với các quốc gia Châu Âu, Châu Á là khu vực cởi mở hơn khi nhiều quốc gia tại đây đã nghiên cứu, thí điểm, thậm chí triển khai các đồng tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC) sử dụng công nghệ Blockchain.

Đầu tiên, có thể kể đến trường hợp đồng Nhân dân tệ điện tử (e-CNY) của Trung Quốc. Thống kê đến ngày 31/12/2021 cho thấy, đồng nhân dân tệ điện tử của Trung Quốc đã có 261 triệu người dùng với tổng giá trị giao dịch hơn 87,5 tỉ Nhân dân tệ.

Hồi đầu năm nay, tờ Nikkei Asisa từng đưa ra thông tin cho biết, Nhật Bản sẽ phát hành một đồng tiền mã hóa với giá trị được neo giữ theo đồng Yên Nhật.

Khác với tiền pháp định truyền thống, stablecoin cho phép người dùng chuyển tài sản số trên toàn cầu với giá rẻ và thời gian thực hiện nhanh chóng hơn, trong khi vẫn duy trì sự ổn định về giá. 

Ngay tại Campuchia, đồng tiền số Bakong của Campuchia đã tiếp cận với 7,9 triệu người, chiếm một nửa trong tổng số 16,7 triệu dân của quốc gia này. Hiện đã có 6,8 triệu giao dịch tại Campuchia được thực hiện qua Bakong với tổng trị giá 2,9 tỷ USD.

Một cuộc khảo sát của Bank for International Settlements vào tháng 1/2021 cho thấy, 86% trong số 65 ngân hàng Trung ương được hỏi cho biết, họ đang tham gia làm việc cùng với các đồng CBDC. Khoảng 60% các ngân hàng hàng Trung ương bỏ ngỏ khả năng sẽ phát hành những đồng tiền kỹ thuật số của riêng mình trong thời gian tới. 

Với trường hợp của Việt Nam, mới đây Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025. 

Một trong những nội dung được nhắc đến trong bản kế hoạch là Ngân hàng Nhà nước sẽ nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách về tiền kỹ thuật số quốc gia.

Trọng Đạt