Đắk Lắk là tỉnh có thế mạnh về phát triển các loại cây công nghiệp và cây ăn quả. Toàn tỉnh hiện có 51.798 ha cây ăn quả các loại, trong đó sầu riêng là cây trồng chủ lực với diện tích 22.458 ha.

Theo Bộ NN&PTNT, Đắk Lắk là một trong những địa phương rất quyết liệt thực hiện các tiêu chí phía Trung Quốc đưa ra, lãnh đạo, chính quyền vào cuộc cùng nông dân, doanh nghiệp để xây dựng vùng trồng, cơ sở đóng gói nhằm đáp ứng các yêu cầu của Trung Quốc. Nhờ đó, quá trình đánh giá rất thuận lợi, đáp ứng các tiêu chuẩn và quy định của Trung Quốc.

Theo danh sách mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam vừa được Trung Quốc cấp mã số xuất khẩu sang nước này, tỉnh Đắk Lắk có 23 mã số vùng trồng và 4 cơ sở đóng gói. Các mã vùng trồng tập trung chủ yếu ở huyện Krông Pắc, với 17 mã; còn lại 4 mã của huyện Krông Búk, 1 mã của TX. Buôn Hồ và 1 mã của TP. Buôn Ma Thuột.

Tính đến nay, tỉnh Đắk Lắk đã được cấp 75 mã số vùng trồng trên các loại cây như: chuối, sầu riêng, xoài, vải, ớt và 26 cơ sở đóng gói đã được cấp mã số xuất khẩu. Trong đó có 49 mã số vùng trồng sầu riêng với khoảng 2.315 ha, sản lượng đạt khoảng 45.200 tấn và 17 cơ sở đóng gói.

W-nongsan-2.png
Đắk Lắk đã được cấp 49 mã số vùng trồng sầu riêng với khoảng 2.315 ha.

Ngoài ra, tỉnh đã thiết lập 138 hồ sơ về cấp mã số vùng trồng, trong đó có 133 hồ sơ mã số vùng trồng sầu riêng với tổng diện tích khoảng 2.892 ha.

Có được kết quả này là nhờ, thời gian qua, UBND tỉnh hết sức quan tâm, chỉ đạo sát sao việc thiết lập, cấp và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản trên địa bàn.

Trên tinh thần đó, các sở, ngành, địa phương tích cực tuyên truyền, vận động thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác làm đầu mối liên kết nông dân với doanh nghiệp xuất khẩu, thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị nông nghiệp nhằm xây dựng các vùng nguyên liệu đáp ứng yêu cầu, quy định của thị trường nhập khẩu.

Đồng thời, sau khi được phân cấp, các địa phương đã chủ động hơn trong công tác cấp và quản lý mã số vùng trồng, do đó công tác thiết lập hồ sơ vùng trồng được triển khai nhanh, vùng trồng cấp mã số được nhiều hơn và đa dạng hơn về chủng loại cây trồng được cấp mã.

Thời gian qua, hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Tân Lập Đông, huyện Krông Búk,đã tích cực vận động các xã viên thiết lập mã số vùng trồng đối với cây sầu riêng. Đến nay, hợp tác xã được cấp 4 mã số vùng trồng với diện tích 49,2 ha. Việc thiết lập mã số vùng trồng giúp nông dân tuân thủ các quy định về chăm sóc vườn cây, thu hoạch, đồng thời việc tiêu thụ sầu riêng được thuận lợi và giá trị sầu riêng xuất khẩu cũng cao hơn so với trước đây.

Trên địa bàn huyện Krông Pắc hiện có gần 4.000 ha sầu riêng, trong đó có 2.600 ha cho thu hoạch, với sản lượng bình quân hằng năm đạt 40 - 50 nghìn tấn. Hiện trên địa bàn huyện có 34 mã số vùng trồng với diện tích 1.883 ha và 9 mã số cơ sở đóng gói đã được phê duyệt mã số.

Việc thiết lập mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói không chỉ đáp ứng yêu cầu bảo đảm tuân thủ đúng quy định về kiểm dịch thực vật và an toàn vệ sinh thực phẩm của nước nhập khẩu mà còn góp phần làm thay đổi tập quán canh tác, nâng cao nhận thức sản xuất của nông dân theo hướng trách nhiệm hơn… Qua đó, nâng cao giá trị hàng hóa, đưa nông sản của địa phương xuất khẩu chính ngạch ra thị trường thế giới.

Mai Vân Anh, Lê Thị Thúy, Lê Thị Thạch Thảo, Nguyễn Thị Diệu Bình