9X chi hàng trăm tỷ đồng mua cổ phiếu

Ông Đỗ Vinh Quang, con trai của ông Đỗ Quang Hiển - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) vừa mua thành công 35,9 triệu cổ phiếu SHB từ ngày 15/1-3/2/2020 theo phương thức khớp lệnh trên sàn.

Trong khoảng thời gian thực hiện giao dịch, giá cổ phiếu SHB trên thị trường dao động quanh mức 6.000-6.500 đồng/cp. Ước tính theo vùng giá này, ông Đỗ Vinh Quang có thể đã phải bỏ ra 215-235 tỷ đồng.

Ông Đỗ Vinh Quang, sinh năm 1995, là con trai thứ của ông Đỗ Quang Hiển. Mới đây, ông Đỗ Vinh Quang đã được bổ nhiệm thay thế ông Nguyễn Trọng Chiến làm Chủ tịch CLB Bóng đá Hà Nội (Hà Nội FC), trở thành vị Chủ tịch CLB trẻ nhất trong lịch sử bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam.

{keywords}
9X tiền tỷ mua cổ phiếu, làm chủ tịch CLB bóng đá

Như vậy, cả hai người con trai của bầu Hiển đã góp phần tham gia vào sự nghiệp kinh doanh của gia đình. Trong khi người con trai thứ sở hữu lượng cổ phiếu khủng tại SHB, ông Đỗ Quang Vinh, con trai cả của bầu Hiển không sở hữu cổ phiếu nào của SHB mà hiện đảm nhiệm vị trí Tổng Giám đốc của T&T chi nhánh tại Mỹ.

Đại gia bất động sản kêu cứu

Theo báo cáo quý 4/2019 của Novaland, tại thời điểm cuối năm 2019, Novaland có tổng giá trị tài sản gần 90.000 tỷ đồng. Trong đó, giá trị hàng tồn kho là 57.200 tỷ đồng, chiếm 64%. Tiền mặt và các khoản tiền gửi ngân hàng ngắn hạn của Novaland là gần 7.000 tỷ đồng. So với hồi đầu năm, hàng tồn kho tăng tới 26.000 tỷ đồng (tăng 84%), chủ yếu do tăng các dự án mua mới trong năm còn tiền giảm gần 5.500 tỷ đồng (giảm 44%).

Tổng vay nợ của Novaland tăng gần 6.700 tỷ đồng trong năm 2019. Trong đó, vay ngắn hạn giảm 4.000 tỷ đồng (giảm 34%) nhưng vay dài hạn tăng gần 10.700 tỷ đồng (tăng 66%).

Về tình hình kết quả kinh doanh, trong quý cuối năm 2019, Novaland đạt doanh thu thuần chỉ 1.380 tỷ đồng, thấp nhất trong vòng 3 năm qua. Điều này khiến Novaland lỗ 144 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh chính, trong khi các quý trước đều có lãi.

Ngày 23/1 vừa qua (29 Tết âm lịch), Novaland đã gửi đơn cầu cứu khẩn cấp tới Bộ Xây Dựng. Nội dung là xin được tiếp tục thực hiện dự án Khu dân cư tại khu đất 30,224ha phường Bình Khánh, Quận 2 TPHCM.

Nữ hoàng trang sức thắng lớn

Cổ phiếu PNJ của CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận của bà Cao Thị Ngọc Dung chứng kiến hai phiên giảm mạnh, mỗi phiên giảm 3,9% ngay trước ngày vía Thần Tài. Tuy nhiên, cổ phiếu này vẫn ở vùng đỉnh cao trong vòng gần 2 năm qua.

{keywords}
Nữ đại gia trang sức

So với đỉnh cao gần 140.000 đồng/cp hồi đầu 2018, cổ phiếu doanh nghiệp của bà Cao Thị Ngọc Dung đã giảm khá nhiều, kỷ lục vốn hóa 1 tỷ USD đã rời xa. Tuy nhiên, nhưng so với 4 năm trước, giá cổ phiếu PNJ vẫn còn tăng khoảng 4 lần. Tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp rất ấn tượng.

Trong năm 2019 vừa qua, PNJ của bà Cao Thị Ngọc Dung lần đầu tiên trong lịch sử ghi nhận lợi nhuận đạt trên 1.000 tỷ đồng.

Theo báo cáo tài chính, PNJ ghi nhận doanh thu thuần trong 2019 đạt 17 ngàn tỷ đồng, lợi nhuận ròng đạt 1.190 tỷ đòng, tăng trưởng tương ứng 17% và 24% so với năm trước đó.

Cũng theo báo cáo, lượng hàng tồn kho của CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận tính tới cuối 2019 tăng mạnh 41% so với đầu năm lên gần 7,02 ngàn tỷ đồng. Đây là hiện tượng thường thấy của doanh nghiệp này khi vào mùa cao điểm tiêu thụ vàng trước Tết nguyên đán và ngày vía Thần Tài (10/1 âm lịch). Thống kê cho thấy, quý 1 hàng năm bao giờ cũng là giai đoạn kinh doanh cao điểm nhất của PNJ.

Doanh nghiệp nhỏ nhưng có võ

Năm 2019 vừa qua Bến xe miền Tây đã hai lần chốt danh sách cổ đông thực hiện chi trả cổ tức cho năm 2018 với tổng tỷ lệ 400%, mỗi đợt 200% - tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận về thêm 40.000 đồng cổ tức cho năm 2018. Thông tin về việc chi trả cổ tức "khủng" này đã được Đại hội cổ đông thường niên năm 2019 của công ty thông qua.

Bến xe miền Tây có vốn điều lệ chỉ 25 tỷ đồng - là doanh nghiệp nằm ở cửa ngõ phía tây TP.HCM, phục vụ hành khách từ TP.HCM đi các tỉnh ĐBSCL với hơn 150 doanh nghiệp vận tải tham gia khai thác 200 tuyến đường thuộc các tỉnh: Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, An Giang, Hậu Giang, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiêng Giang, Sóc Trăng, Cần Thơ, Trà Vinh, Bến Tre.

Kết quả kinh doanh năm 2018 cũng không có gì nổi trội với hơn 66 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, vượt 6,8% kế hoạch năm. EPS đạt rất cao với 22.172 đồng/cổ phiếu. Nguồn vốn chi trả cổ tức được lấy từ lợi nhuận sau thuế trích trước năm 2018 và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối từ các năm trước. Tính đến hết năm 2018, Bến xe Miền Tây còn gần 180 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Ngoài ra còn hơn 86 tỷ đồng trong quỹ đầu tư phát triển.

Thuỷ sản Hùng Vương tham vọng lãi 790 tỷ năm 2020

Thuỷ sản Hùng Vương (HVG) vừa thay đổi kế hoạch tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2020, thời gian mới dự kiến vào ngày 28/2.

Về kế hoạch trình cổ đông, HVG dự thông qua phương án cho Công ty sản xuất chế biến và phân phối nông nghiệp THADI nâng tỷ lệ sở hữu lên trên 25% vốn mà không phải thực hiện chào mua công khai. Theo nội dung hợp tác chiến lược được ký vào ngày 9/1, THADI sẽ sở hữu 35% vốn HVG và nắm 65% vốn trong liên doanh giữa Hùng Vương và THADI phát triển mảng sản xuất heo giống. Tính đến nay, THADI đã sở hữu 24,28% vốn Hùng Vương, ứng với 53,9 triệu cổ phiếu.

{keywords}
Đại gia thuỷ sản mong có lãi

Cùng với đó, Công ty cũng sẽ tiến hành bầu bổ sung 2 thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2017-2021. Cơ cấu HĐQT hiện nay của Hùng Vương có 5 thành viên, trong đó, ông Dương Ngọc Minh là Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc.

Cuối cùng về chỉ tiêu kinh doanh, HVG dự kiến trình kế hoạch doanh thu 12.524 tỷ đồng và lợi nhuận 790 tỷ đồng. Trong đó, mảng chế biến cá đem về doanh thu và lợi nhuận cao nhất với lần lượt 6.292 tỷ và 315 tỷ đồng, sau đó là mảng thức ăn thủy sản và thức ăn chăn nuôi.

Khách sạn Sheraton Đà Nẵng lỗ tiếp 144 tỷ đồng

Công ty Cổ phần Biệt thự và Khách sạn biển Đông Phương (Sheraton Đà Nẵng) đã công bố BCTC quý 4/2019 và lũy kế cả năm 2019.

Theo đó, riêng quý 4/2019 công ty đạt gần 90 tỷ đồng doanh thu thuần tăng 34% so với cùng kỳ, tuy nhiên giá vốn hàng bán cũng tăng tới 81,6% khiến lãi gộp chỉ còn 20,6 tỷ đồng giảm 30% so với quý 4/2018.

Trong kỳ công ty có 190 triệu đồng doanh thu từ hoạt động tài chính trong khi phải chi ra 26,5 tỷ đồng cho chi phí lãi vay, 5,8 tỷ đồng chi phí bán hàng, ngoài ra chi phí QLDN còn tăng cao gấp 3 lần từ 6,8 tỷ đồng lên 21,4 tỷ đồng khiến Sheraton Đà Nẵng báo lỗ 30,8 tỷ đồng trong quý 4/2019 - Đây cũng đã là quý thứ 8 liên tiếp doanh nghiệp này kinh doanh thua lỗ.

Lũy kế cả năm 2019, Sheraton Đà Nẵng đạt 382 tỷ đồng doanh thu thuần tăng 47% so với cùng kỳ, lỗ ròng 143,5 tỷ đồng trong khi năm 2018 cũng đã báo lỗ 178 tỷ đồng.

Tính đến 31/12/2019, tổng cộng tài sản của BDP đạt 3.158 tỷ đồng tăng nhẹ so với đầu kỳ trong đó chủ yếu là tài sản dài hạn 2.188 tỷ đồng, tài sản ngắn hạn ở mức 970 tỷ đồng trong khi nợ ngắn hạn là 1.073 tỷ đồng. Nợ phải trả của BDP ở mức cao với 3.238,6 tỷ đồng tăng 239 tỷ đồng so với đầu năm, vốn chủ sở hữu đã ghi âm hơn 80 tỷ đồng do LNST chưa phân phối âm 334 tỷ đồng.

Bảo Anh (Tổng hợp)