Trong những năm qua, hiểu được lợi ích thiết thực của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, nhân dân xã Thịnh Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An đã chung sức, đồng lòng đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Xuất phát điểm từ một xã gặp nhiều khó khăn, bằng sự nỗ lực, quyết tâm của cấp uỷ, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể và nhân dân, năm 2014, Thịnh Sơn là xã đầu tiên của huyện Đô Lương về đích nông thôn mới.
Trên cơ sở nhận thức xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc nên ngay sau khi về đích nông thôn mới, xã Thịnh Sơn đã tập trung thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Ở Thịnh Sơn, việc xây dựng nông thôn mới nâng cao trở thành phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp. Người dân tất cả các xóm đều đồng lòng và quyết tâm cao trong việc củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Xã xác định quan điểm xây dựng nông thôn mới phải bắt đầu từ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân để tạo nguồn lực từ nhân dân, "Lấy sức dân để lo cho dân", "Nhân dân là chủ thể trong xây dựng nông thôn mới và nhân dân là người trực tiếp thụ hưởng”. Vì vậy, những năm qua, Thịnh Sơn đã chú trọng chuyển đổi cơ cấu kinh tế, chuyển đổi các mô hình sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và đưa các loại giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao vào sản xuất và chăn nuôi.
Nhìn chung, các mô hình kinh tế của xã Thịnh Sơn đã đáp ứng được yêu cầu thực tế, phù hợp với nguyện vọng của người dân và đúng với nội dung của Chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao. Qua đó, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Bên cạnh đó, xã Thịnh Sơn luôn chú trọng đến nhu cầu sinh hoạt văn hóa, thể dục thể thao của nhân dân. Nhà văn hóa các thôn được xây dựng đạt chuẩn theo quy định; đảm bảo về diện tích, có quy chế hoạt động, có khu vệ sinh; có trồng hoa, cây xanh; đảm bảo về trang, thiết bị…
Xã đã lắp đặt hệ thống camera an ninh ở trung tâm các thôn, các điểm trọng yếu tại khu dân cư tập trung có kết nối với Công an xã; trang bị máy vi tính, máy in kết nối mạng để phục vụ các hoạt động của thôn. Đồng thời các thôn trong xã ứng dụng các nền tảng số như Zalo, Messenger, Facebook... để thông tin, tuyên truyền đến người dân trong thôn.
Công tác quốc phòng an ninh cũng được địa phương quan tâm đảm bảo… Đến nay, bộ mặt nông thôn mới ở Thịnh Sơn thực sự khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao.
Trong quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, Thịnh Sơn đã chủ động xây dựng nhiều giải pháp và huy động nguồn lực đầu tư cho kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Xã đã làm mới, tu sửa, nâng cấp cứng hóa 60 km đường giao thông nông thôn và giao thông nội đồng, gần 10 km kênh mương thuỷ lợi; tu sửa, nâng cấp trạm bơm, đầu tư xây dựng hệ thống trường học.
Hệ thống trường học trên địa bàn xã được quan tâm xây dựng. Đến nay, Trường Mầm non đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2 lần đầu, Trường Tiểu học đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2 lần 2. Năm 2023, tỷ lệ gia đình văn hoá đạt 93,7%; 5/5 xóm, 4/4 cơ quan, đơn vị đạt danh hiệu văn hoá.
Tổng giá trị sản xuất năm 2023 đạt 372,6 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt 65,1 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 95,6%. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều năm 2019 là 3,78 %, thì đến năm 2023 giảm xuống còn 2,05 %.
Theo đánh giá của xã, hiện Thịnh Sơn đã đạt 18/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới nâng cao, tiêu chí chợ nông thôn không đánh giá.