Sáng nay (5/10), hơn 1.000 doanh nhân từ khắp mọi miền Tổ quốc đã tham gia Diễn đàn doanh nhân Việt Nam 2019 với chủ đề: “Việt Nam 2045 - Khát vọng hùng cường và sứ mệnh của doanh nhân” tổ chức ở Đà Nẵng.
Trước khi tham gia diễn đàn, hơn 1.000 doanh nhân đã tham gia lễ phóng sinh chim bồ câu tại bãi biển Đà Nẵng. Hoạt động này ở thành phố biển như là biểu tượng của sự đoàn kết của cộng đồng doanh nghiệp trong bảo vê chủ quyền đất nước.
Phát biểu tai Diễn đàn, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, các doanh nghiệp Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ trong suốt 2 thập kỷ qua. Hiện cả nước có hơn 740 ngàn doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó, gần 98% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hơn 5 triệu hộ kinh doanh. Khu vực doanh nghiệp hiện đóng góp khoảng 60% GDP, 70% nguồn thu ngân sách nhà nước, thu hút hàng chục triệu lao động.
“Điều này cho thấy khu vực doanh nghiệp, doanh nhân đang là lực lượng quan trọng, có vai trò, vị trí then chốt và ngày càng được đề cao trong xã hội,” Phó Thủ tướng nói.
‘Thịnh vượng là sức mạnh bảo vệ hòa bình và chủ quyền đất nước’ |
Ông nhận xét, đa số các doanh nghiệp Việt Nam có quy vừa và nhỏ và siêu nhỏ (gần 98% tổng số các doanh nghiệp), hầu như không có khả năng tích tụ và tập trung vốn để đầu tư, đổi mới công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh,... Đa số doanh nghiệp có trình độ quản lý thấp, nguồn nhân lực nhỏ bé cả về lượng và chất, chưa đủ năng lực để tiếp cận với các tiến bộ về công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng lượng sản phẩm, đáp ứng được các tiêu chuẩn, điều kiện ngày càng khắt khe của thị trường trong nước và quốc tế.
Bên cạnh đó, sự liên kết của các doanh nghiệp Việt Nam còn yếu, đặc biệt là có rất ít mối liên kết giữa các doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp có qui mô lớn hơn, đặc biệt là các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Phó Thủ tướng nhận xét, sự tăng trưởng vừa qua chủ yếu vẫn dựa trên khai thác tài nguyên, lao động giá rẻ và vốn đầu tư. Ngày nay, những lợi thế truyền thống này đang dần bị mai một và cạn kiệt, đặc biệt trong thời đại kỷ nguyên số và sự phát triển của khoa học, công nghệ.
Tại diễn đàn, ông Dũng đề nghị các bộ ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp hành động đưa khu vực doanh nghiệp Việt Nam phát triển bứt phá, tạo động lực cho phát triển kinh tế xã hội.
Trong đó, cần đẩy mạnh cải cách thể chế chính sách, “trọng tâm là lĩnh vực kinh tế - xã hội”; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tăng cường công tác dự báo thị trường; tăng hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, cắt giảm chi phí đầu vào, chi phí không chính thức; và mở rộng thương mại quốc tế, tận dụng tối đa các cơ hội từ các Hiệp định thương mại song phương/đa phương.
Tại Diễn đàn, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho rằng, xét về số lượng doanh nghiệp trên đầu dân, Việt Nam không thua kém các nền kinh tế thị trường khác trong khu vực. Nhưng điều đáng nói là về chất lượng: chúng ta chưa đạt chuẩn mực trung bình trong tương quan so sánh với ASEAN.
“Chúng ta đã có những doanh nhân hàng đầu, những thương hiệu lớn, cạnh tranh ngang ngửa với thế giới, nhưng số đó còn quá ít ỏi”, ông Lộc nói.
Ông Lộc chia sẻ, Việt Nam chúng ta có những doanh nhân riêng lẻ có sức cạnh tranh cao nhưng chưa có được cả một thế hệ doanh nghiệp, doanh nhân hùng mạnh và các nhà công nghiệp sánh vai cùng thiên hạ, đặc biệt các doanh nghiệp Việt khó kết nối với nhau và các chuỗi giá trị toàn cầu.
Từ hành trình “thoát nghèo” tới hành trình “vượt khỏi bẫy thu nhập trung bình” và trở nên giàu có đòi hỏi những cố gắng, nỗ lực vượt trội về thể chế, về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh. Muốn “vượt bẫy thu nhập trung bình” phải vượt “bẫy chất lượng thể chế trung bình”. Doanh nghiệp giữ vai trò động lực trong quá trình này. Doanh nhân cần chung tay với Đảng và nhà nước trong những nỗ lực cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Ông Lộc nói: “Chúng ta hiểu sâu sắc rằng thịnh vượng là con đường mang lại hạnh phúc cho nhân dân, và thịnh vượng cũng là cội nguồn của sức mạnh trong thời hội nhập, là sức mạnh bảo vệ vững chắc hòa bình và chủ quyền của đất nước thân yêu của chúng ta”.
Theo vị Chủ tịch VCCI, các doanh nhân hy vọng Đại hội Đảng lần thứ XIII sẽ thúc đẩy làn sóng cải cách lần thứ 2 tạo hệ sinh thái cho sự bừng nở của lứa doanh nhân khởi nghiệp sáng tạo.
Nói chuyện với các doanh nhân tại Diễn đàn, TS Vũ Minh Khương, Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore, cho rằng, một vấn đề lớn đặt ra là chúng ta thường chưa sẵn sàng đón nhận những đổi thay do bị áp đặt bởi tư duy và thói quen cũ. Các nghiên cứu lịch sử cho thấy sự thiếu sẵn sàng của một xã hội khi đứng trước những thay đổi vượt bậc về công nghệ.
Ông nói, chẳng hạn, vào đầu thế kỷ XX, nhiều thành phố lớn như London, New York vẫn làm quy hoạch dài hạn dựa trên giả định về nhịp độ tăng nhanh của xe ngựa và nhu cầu ngựa kéo. Thậm chí, nhiều chuyên gia cho rằng, xe hơi sẽ không thể trở nên phổ biến vì tốc độ của nó quá nhanh, gây nguy hiểm, khó được xã hội chấp nhận. Một số khác thì đưa ra lý do là rất khó tuyển dụng được lái xe vì nghề này đòi hỏi kỹ năng và phẩm chất đặc biệt. Chính vì vậy, cần nắm bắt xu thế toàn cầu, nâng tầm tư duy chiến lược để khắc phục cách tư duy này, đặc biệt trong bối cảnh thế giới đang chuyển sang thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.
Từ đó, ông cho rằng, chuyển đổi số không đơn thuần là nỗ lực đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin mà là một công cuộc cải biến toàn diện và sâu sắc nhằm khai thác tối đa sức mạnh thời đại và tiến bộ công nghệ để nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh và kiến tạo nền tảng căn bản cho hành trình phát triển lâu dài. Vì vậy, thấu hiểu toàn cầu và nâng tầm tư duy chiến lược đóng vai trò đặc biệt quan trọng, trong cả thiết kế và triển khai công cuộc chuyển đổi số.
Tư Hoàng