Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa công bố quyết định chấp thuận Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank) đăng ký giao dịch hơn 419 triệu cổ phiếu mang mã VBB trên UPCOM từ ngày 30/7.
Cổ phiếu của VietBank sẽ có giá tham chiếu 15.000 đồng/cp, tương đương với mức định giá 6.285 tỷ đồng.
Với biên độ +/-40%, cổ phiếu VietBank dao động từ 9.000 đồng/cp cho tới 21.000 đồng/cp.
Như vậy, Ngân hàng VietBank có bước thay đổi lớn chỉ vài tháng sau khi ông Nguyễn Đức Kiên (Bầu Kiên) hoàn tất bán toàn bộ cổ phần tại Ngân hàng VietBank, trong khi vợ là bà Nguyễn Ngọc Lan từ nhiệm, rút khỏi HĐQT.
Sau khi vợ chồng Bầu Kiên rút lui, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín đã tổ chức đại hội cổ đông bất thường với rất nhiều nội dung quan trọng, từ việc sửa đổi, bổ sung cơ cấu tổ chức, bộ máy quản lý điều hành của VietBank cho tới Quy chế chế tổ chức và hoạt động của HĐQT sửa đổi, bổ sung; Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban kiểm soát sửa đổi, bổ sung.
VietBank đưa hơn 419 triệu cổ phiếu lên UPCOM. |
Trước khi VietBank công bố thông tin bà Đặng Ngọc Lan nộp đơn từ nhiệm trước ĐHCĐ, ông Nguyễn Đức Kiên cũng đã thoái toàn bộ 6.613.200 cổ phần VBB quy mệnh giá 10.000 đồng/cp (tương đương 2,035% vốn) tại Ngân hàng VietBank.
Bố mẹ bà Đặng Ngọc Lan cũng đã bán hàng chục triệu cổ phần tại VietBank. Em ruột Bầu Kiên cùng chồng và chị gái hồi cuối tháng 7/2018 cũng đã chuyển nhượng xong hàng chục triệu cổ phiếu VBB.
Trong khi nhóm cổ đông gia đình bầu Kiên lần lượt thoái dần vốn khỏi VietBank, thì nhóm cổ đông Tập đoàn Hoa Lâm của ông Dương Ngọc Hòa lại có những động thái giữ vững tỷ lệ vốn tại VietBank.
Mặc dù bà Đặng Ngọc Lan (vợ Bầu Kiên) hiện vẫn là cổ đông cá nhân nắm giữ tỷ lệ cổ phần tại VietBank và là thành viên HĐQT VietBank, nhưng ông Dương Ngọc Hòa mới là người cầm trịch ngân hàng này với vị trí chủ tịch.
Một thời gian khá dài trước khi từ chức, bà Đặng Ngọc Lan đã vắng mặt tại hàng loạt cuộc họp HĐQT của VietBank.
VietBank được thành lập vào tháng 12/2006, vốn điều lệ 200 tỷ đồng với vị thế ban đầu là một ngân hàng nông thôn. Các cổ đông sáng lập liên quan đến Tập đoàn Hoa Lâm, Ngân hàng Á Châu (ACB) và Công ty Diệu Hiền. Sau 5 lần tăng vốn, Vietbank hiện có vốn điều lệ 4.192 tỷ đồng.
Vợ chồng Bầu Kiên. |
Nhóm cổ đông liên quan tới Ngân hàng ACB chính là Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó Chủ tịch ACB và vợ Đặng Ngọc Lan. Nhóm Diệu Hiền không còn được đề cập tới trong các thông tin của ngân hàng. Cổ đông này có thể đã rút đi sau khi nữ đại gia thủy sản Diệu Hiền vỡ nợ, không trả được nợ ngân hàng và người nông dân do đầu tư dàn tràn. Nhóm cổ đông Tập đoàn Hoa Lâm vẫn nguyên tỷ lệ sở hữu với đại diện ông Dương Ngọc Hòa là chủ tịch, ông Dương Nhất Nguyên là phó chủ tịch.
VietBank là một ngân hàng nhỏ, nổi tiếng trong giới đầu tư cả nước sau vụ án Bầu Kiên hồi năm 2013. Ngân hàng này có mối quan hệ khá gần gũi với Ngân hàng ACB.
ACB được đề cập đến như là cổ đông sáng lập của VietBank nhưng trên thực tế gần như không có NĐT nào biết ACB rót vào VietBank bao nhiêu tiền. Trước khi rút lui, bà Đặng Ngọc Lan là thành viên HĐQT của VietBank, và là vợ của ông Nguyễn Đức Kiên - từng là một trong những nhân vật chủ chốt của ACB.
Gần đây, hệ thống ngân hàng vẫn tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu. Nhiều lãnh đạo và cựu lãnh đạo ngân hàng vướng vòng lao lý do có sai phạm trước đó. Ông Phạm Công Danh trong vụ án VNCB, ông Hà Văn Thắm trong vụ Ocean Bank, còn ông Trần Bắc Hà vừa đột tử trong tù sau khi bị khởi tố vì những “sai phạm” tại BIDV,...
Trong năm 2019, VietBank đặt mục tiêu lợi nhuận tăng 25% lên 500 tỷ đồng. Trong quý 2, VBB ghi nhận lợi nhuận trước thuế hơn 150 tỷ đồng. Tổng tài sản tới cuối quý 2/2019 đạt hơn 56,6 ngàn tỷ đồng.
H. Tú