1a.jpg
Không chỉ hoãn việc đổi máy tính và TV mới, ông Walt Truelson còn chuyển sang sử dụng di động trả trước để tiết kiệm.

Walt Truelson – một người dân ở Portland (bang Oregon – Mỹ) đã quyết định từ bỏ gói cước di động cố định hàng tháng để chuyển sang sử dụng dịch vụ “gọi phút nào tính tiền phút ấy”, đồng thời ông cũng trì hoãn một loạt các kế hoạch thay thế ô tô, máy tính, TV trong gia đình… Tất cả nhằm mục đích tiết kiệm chi tiêu trong thời kỳ hậu khủng hoảng.

Có thể nói, mức chi tiêu của người dân đã được cải thiện đáng kể trong năm qua nhưng đối với nhiều người dân Mỹ, những dư chấn của cuộc khủng hoảng vừa qua vẫn chưa hết và nó đã tạo ra cho họ một thói quen mới: cố gắng kéo dài tuổi thọ của các đồ dùng trong gia đình, đặc biệt là các sản phẩm công nghệ.

Theo ghi nhận của nhiều tổ chức nghiên cứu thị trường, vòng đời của các sản phẩm như xe hơi, máy tính, điện thoại di động hay thậm chí là kem đánh răng cũng đã được người Mỹ kéo dài đáng kể trong thời gian qua. Trong một số trường hợp, sự khác biệt về “tuổi thọ” của các sản phẩm này trong thời kỳ trước và sau khủng hoảng là không đáng kể nhưng rõ ràng, xu hướng “ăn dè, hà tiện” đang ngày càng phổ biến.

Patti Hauseman, ở Brooklyn cho biết, chị đã cố gắng hết mức để giữ lại chiếc máy tính đã hơn 5 năm tuổi hiệu Apple bất chấp việc nó ngày càng ì ạch, liên tục treo cứng và phát ra những tiếng ồn khó chịu mỗi khi hoạt động. Mãi đến Giáng sinh vừa rồi, khi nó đã chính thức “chết hẳn”, chị đành phải mua chiếc máy tính mới. Có điều, chiếc máy mới cũng chỉ là hàng “refurbished” (hàng đã qua sử dụng được tân trang lại). Chị còn cho biết, kế hoạch thay thế chiếc TV loại bóng hình CRT đã hơn 7 năm tuổi vẫn bị cả nhà phản đối.

Nhưng xu hướng và thói quen này cũng khiến các nhà sản xuất, kinh tế lo ngại. Theo hãng nghiên cứu thị trường NPD, chu kỳ thay thế sản phẩm tiêu dùng trong năm 2010 đã được nới rộng ra một cách đáng kể, thậm chí nó còn lớn hơn cả trong những năm 2008, 2009 khi mức chi tiêu của người dân bị hạ xuống thấp kỷ lục. Ví dụ, nếu như trước kia, thời gian “sống” trung bình của một chiếc điện thoại di động là 16 tháng thì nay đã là 18 tháng còn tuổi thọ của một chiếc laptop đã tăng lên từ 4 năm thành 4 năm 4 tháng…. Với các sản phẩm càng có giá trị lớn thì mức độ “tận dụng” càng cao. Nếu như ở cuối năm 2008, tuổi thọ trung bình của một chiếc xe hơi ở Mỹ là 52 tháng thì đến cuối năm 2010, con số này đã là 63,9 tháng – mức cao kỷ lục trong lịch sử ngành công nghiệp xe hơi Mỹ. Trên thị trường TV, tình hình thậm chí còn tồi tệ hơn nhưng các nhà phân tích thị trường cho rằng đó thực ra chỉ là do những năm trước, phong trào đổi đời TV đã quá mạnh nên tạm thời thị trường này bước vào thời kỳ ngủ đông.

Nancy F. Koehn, giáo sư của trường ĐH Kinh doanh Harvard, một chuyên gia về hành vi người tiêu dùng lý giải rằng đó là bài học mà người tiêu dùng đã nhận được: Chính phủ và các tập đoàn không phải là những người đáng tin cậy khi khủng hoảng nổ ra và cách tốt nhất là người dân phải tự cứu mình.

Các chuyên gia thì thường hay quá bi quan hay sâu sắc như thế, nhưng với người tiêu dùng, đó đơn thuần chỉ là một sự thay đổi về cách nhận thức hay đánh giá về “giá trị”. “Chúng tôi sẽ không quay về thời kỳ của ông bà mình, dùng một thứ đến trọn đời nhưng đã đến lúc chúng tôi nhận thấy rằng việc liên tục đổi mới đồ dùng cũng chẳng có gì hay ho và chỉ nuôi béo những tập đoàn cá mập”, Walt Truelson nói.

Theo New York Time

Đọc toàn bộ bài viết trên báo Bưu điện Việt Nam số 25 ra ngày 28/2/2011.