Lời toà soạn: Những phát ngôn "lạ tai" của các bình luận viên bóng đá thường trở thành đề tài bàn tán của cộng đồng mạng. Không ít người cảm thấy "khó chịu" với những sáng tạo ngôn ngữ ấy. Tuy nhiên, những câu nói bị cho là không bình thường ấy liệu có đáng được mổ xẻ và lên án?
Dưới đây là góc nhìn của một nhà ngôn ngữ học, PGS.TS Phạm Văn Tình, Tổng Thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam đưa ra những phân tích khá thú vị về những sáng tạo của các bình luận viên bóng đá. Bài viết được đăng trên trang cá nhân của ông.
Thời gian đang ủng hộ... đội nào? (Ảnh minh hoạ) |
"Thời gian đang ủng hộ đội Bồ Đào Nha. Hiệp phụ thứ hai chỉ còn 3 phút bù giờ. Đội quân của Fernando Santos đã kéo hết về phòng ngự và khả năng lật ngược tình thế của đội Pháp là không thể...". Đó là lời bình của một bình luận viên về trận chung kết EURO-2016 trên sân Stade de France (Pháp) ngày 11/7/2016.
Ngữ đoạn "thời gian không ủng hộ đội..." là một cách nói quen thuộc của nhiều bình luận viên bóng đá (mà ta vẫn nghe) trong những năm gần đây. Nó quen đến mức trở thành một thành ngữ vậy.
Nhưng GS Cao Xuân Hạo, trong bài "Đôi điều về ngôn ngữ bình luận bóng đá" (in trong tập Tiếng Việt - Văn Việt, NXB Trẻ, TP HCM, 2001) lại lên tiếng phản đối.
Ông cho rằng: "Điều này hoàn toàn ngược lại sự thật, trái với logic. Nếu quả thật thời gian ủng hộ đội nào dẫn trước, thì đội ấy phải mong cho thời gian kéo dài và phải "tranh thủ thời gian". Đằng này ta thấy một hiện tượng ngược lại: Đội đang dẫn trước thường có xu hướng "câu giờ", hay nói một cách khác "giết thời gian". Sau khi thắng 2 - 0 hay 3 - 0, đội dẫn trước thường chỉ ước sao trọng tài thổi còi chấm dứt trận đấu ngay tức khắc. Một đội đang dẫn 1- 0 đến phút 80 của trận đấu và đang bị đối phương tấn công dồn dập lại càng tha thiết mong thời gian chóng hết hơn.
Trái lại, đội đang bị dẫn điểm lại rất sợ hết thời gian. Còn càng nhiều thời gian, họ càng có nhiều hy vọng gỡ hòa hoặc ít ra cũng rút ngắn khoảng cách. Thời gian còn lại càng ít, họ càng ít hy vọng." (Sách đã dẫn, tr. 229)
GS. Cao Xuân Hạo là một nhà ngôn ngữ hàng đầu của giới Việt ngữ học. Ông cũng là một người viết những bài báo tinh tế, sắc sảo. Vì vậy mà tôi rất ngạc nhiên khi ông lên tiếng phê phán cách nói này, cách nói mà đa số dân nghiền bóng đá khi nghe đều cảm thấy bình thường, thậm chí còn thấy thú vị nữa (như một "sáng tạo ngôn từ" nho nhỏ cho kho tàng ngôn ngữ thể thao mà ở lĩnh vực này, có những đặc thù riêng khó dùng ngôn ngữ đời thường để "chuẩn hoá"). Có lẽ ông đã hiểu sai nghĩa hàm ý của từ "ủng hộ" mà bình luận viên sử dụng trong cấu trúc này (Thực tế không như ông nói "Nếu quả thật thời gian ủng hộ đội nào dẫn trước, thì đội ấy phải mong cho thời gian kéo dài").
"Thời gian đang ủng hộ đội A" hay "thời gian đang đứng về phía đội A" là một cách nói. Người bình luận mô tả hiện trạng trận đấu. Khi đội A dẫn điểm và đang có lợi thế (nếu kết quả được giữ nguyên) thì đội B "không còn gì để mất" dĩ nhiên phải dốc toàn lực hòng thay đổi tỉ số, thậm chí đảo ngược kết quả. Điều này hoàn toàn có thể xảy ra (Cuộc lội ngược dòng ngoạn mục trong 102 giây của MU trước Bayern Munich trong trận chung kết Cúp C1 (tại sân Nou Camp, Barcelona, Tây Ban Nha, 26-5-1999) là một ví dụ điển hình).
Nhưng ở đời, đã tối lại rối thêm. Ở tình thế mong manh, đội B không còn nhiều cơ hội (và rất ít cơ hội) thực hiện ý đồ của mình. Trong tình thế tương quan lực lượng hai đội không chênh lệch, đội thắng dùng chiến thuật phòng ngự chặt, có khi dùng tiểu xảo "câu giờ" giết thời gian, đội B rất khó triển khai lối đá để cải thiện tình hình. Và thế là, càng đá họ càng bế tắc. Đã thế, thời gian không còn nhiều. Đồng hồ trên sân cứ trôi nhanh về những phút cuối. Về mặt tâm lí, với đội thắng thì đây là những phút rất dài, ngược lại, với đội thua thì lại rất ngắn. Tổ hợp "thời gian đang ủng hội đội A" được dùng với hàm ý: "Đội B (đội bị dẫn điểm) đang gặp bất lợi. Họ chưa có một chiến thuật đột phá nào khả dĩ xoay chuyển cục diện. Và ngay cả khi có chiến thuật đó (thay người, tăng áp lực) thì họ cũng không đủ thời gian để thực hiện. Thời gian còn quá ít, càng lúc càng thu hẹp dần và hi vọng mong manh kia gần như không còn cơ hội". Thế là, thời gian cứ như là "đồng minh" với đội đang thắng (đội A).
PGS.TS. Phạm Văn Tình (Tổng Thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam)
Xem bóng đá chứ không phải xem thời sự!
Thử tưởng tượng BLV bóng đá nghiêm nghị, nói câu nào cũng ngữ điệu đều đều, chuẩn chỉ ngữ pháp, như in trong sách báo thì nó sẽ nhạt nhẽo biết nhường nào?