Trong bài phát biểu của khai mạc Hội nghị Trung ương 14 ngày 14/12 vừa qua, liên quan đến công tác giới thiệu nhân sự tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư khoá XIII Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã đưa ra những thông tin rất rõ ràng, minh bạch về quy trình công tác cán bộ của Đảng.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương lần thứ 14. Ảnh: TTXVN |
Theo đó, ngay sau Hội nghị Trung ương 13, căn cứ vào Kế hoạch xây dựng phương án nhân sự Bộ Chính trị, Ban Bí thư, ý kiến phát hiện, giới thiệu của Ban Chấp hành Trung ương, kết quả thẩm định của các cơ quan chức năng và đề xuất của Tiểu ban Nhân sự, ngày 02/11/2020, Bộ Chính trị đã xem xét, thảo luận và bỏ phiếu quyết định phê duyệt Quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư khoá XIII.
Tiểu ban Nhân sự và Bộ Chính trị đã chỉ đạo khẩn trương nghiên cứu, tổng kết công tác chuẩn bị nhân sự Bộ Chính trị, Ban Bí thư một số khoá gần đây (về tiêu chuẩn, điều kiện, độ tuổi, số lượng, cơ cấu, cách làm) và rút ra các bài học kinh nghiệm, làm cơ sở để xây dựng Đề án về phương hướng công tác nhân sự Bộ Chính trị, Ban Bí thư khoá XIII.
Căn cứ vào tình hình, yêu cầu, nhiệm vụ trong thời gian tới và thực tế đội ngũ cán bộ hiện có, Tiểu ban Nhân sự và Bộ Chính trị đã họp nhiều lần, xem xét một cách dân chủ, khách quan, toàn diện; rà soát chặt chẽ, kỹ lưỡng, bổ sung, hoàn chỉnh các phương án nhân sự theo đúng phương hướng, quy trình công tác nhân sự đã đề ra.
“Việc chuẩn bị nhân sự Bộ Chính trị, Ban Bí thư khoá XIII là công việc kế thừa, tiếp nối của công tác quy hoạch cán bộ, rất hệ trọng và liên quan đến thành công của Đại hội XIII của Đảng và sự phát triển của đất nước trong giai đoạn mới”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.
Do đó Tổng Bí thư đề nghị: “từng đồng chí Trung ương nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung nghiên cứu kỹ Tờ trình của Bộ Chính trị và các tài liệu nhân sự có liên quan, suy nghĩ, cân nhắc thận trọng, đặt lợi ích của Đảng, của quốc gia - dân tộc lên trên hết, trước hết, thảo luận thật kỹ, cho ý kiến một cách thẳng thắn, xây dựng, tạo sự đoàn kết và thống nhất cao trong việc bỏ phiếu quyết định giới thiệu nhân sự tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư khoá XIII”.
Người dân cả nước đều hết sức phấn khởi, tin tưởng vào tinh thần trách nhiệm, khách quan, minh bạch, tất cả vì lợi ích của quốc gia – dân tộc của Đảng, cũng như đặt lòng tin vào đội ngũ cán bộ lãnh đạo đất nước được lựa chọn thông qua một quy trình hết sức nghiêm ngặt, toàn diện như vậy. Có thể nói “ý Đảng lòng dân” đã hợp làm một, cùng quyết tâm đưa đất nước vượt qua khó khăn, phát triển mạnh mẽ trong một giai đoạn mới.
Tỉnh táo, cảnh giác, không để mắc mưu
Tuy nhiên cùng với đó, càng gần đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thì các thế lực phản động, thù địch, những kẻ cơ hội chính trị lại tìm mọi cách chống phá Đại hội bằng nhiều thủ đoạn, hình thức khác nhau. Đặc biệt lợi dụng sự phát triển, sức ảnh hưởng của internet, của mạng xã hội, chúng không ngừng tìm cách khuếch đại, gieo rắc những luận điệu, thông tin sai lệch, bịa đặt về chủ trương của Đảng đối với công tác nhân sự nhằm mục đích gây rối loạn xã hội, khiến người dân, cán bộ, đảng viên hoang mang, mất phương hướng.
Cụ thể, hội nghị Trung ương 14 mới chỉ thảo luận và bỏ phiếu biểu quyết giới thiệu nhân sự tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư khoá XIII. Ấy vậy nhưng chỉ ngay sau ngày khai mạc, trên một số trang mạng xã hội có nguồn gốc từ nước ngoài đã xuất hiện những thông tin xuyên tạc, bịa đặt, không hề có căn cứ về nhân sự đại hội.
Chỉ ít giờ sau khi Hội nghị Trung ương 14 khai mạc, một tài khoản đã tung ra những clip xuyên tạc rằng "Bộ Chính trị ra "thông cáo" về tứ trụ nhân sự Đại hội XIII hay là "Bộ Chính trị thông báo "Tứ trụ tạm thời", Hội nghị Trung ương 14 đã quyết định "ông A" làm Tổng Bí thư khóa XIII. Phi lý hơn nữa đó là ngay từ đầu tháng 12 đã có những video giới thiệu về "chân dung tân Tổng Bí thư sau Đại hội XIII", thu hút tới hàng trăm nghìn lượt theo dõi.
Một bài viết chống phá Đảng trên mạng Internet. Ảnh: An ninh Thủ đô |
Theo cơ quan chức năng, gần đây trên mạng xã hội đã xuất hiện một kênh Youtube có chuyên mục riêng với tên gọi “Đại hội XIII” với hàng trăm video được đăng tải, trong đó phần lớn là những thông tin bị cắt dán, gán ghép, lồng vào đó là những góc nhìn sai lệch, xuyên tạc về công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII.
Đánh vào tâm lý tò mò của người dân, họ tung ra rất nhiều video theo kiểu “phân tích”, suy đoán về công tác nhân sự, kiểu như ai sẽ vào “tứ trụ” ở Đại hội XIII, ai sẽ là “trường hợp đặc biệt” vào Bộ Chính trị, rồi chân dung Tổng Bí thư, chân dung Thủ tướng nhiệm kỳ mới, liệu có tiếp tục nhất thể hóa chức danh Tổng Bí thư, Chủ tịch nước… Thậm chí, họ còn trắng trợn xuyên tạc, kiểu như “Nhân sự Đại hội XIII: Quyết đấu trước hội nghị TW 14”…
Các cơ quan chức năng chỉ rõ, Việt Tân chính là tổ chức đứng đằng sau điều khiển, chỉ huy và thực hiện các hoạt động chống phá này. Và thực chất, hàng loạt những Fanpage, trang cá nhân Facebook phản động như: Nhật ký yêu nước, Người Buôn Gió, Chim báo bão, Lê Trung Khoa hay Hội những người cầm bút can đảm đều bằng phương pháp cóp nhặt những thông tin trong nước rồi xuyên tạc với mục đích chống phá chứ không phải vì trách nhiệm với đất nước, với xã hội.
Trước những thông tin trên, chia sẻ với báo chí, TS Nguyễn Viết Chức, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa - Xã hội, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chỉ rõ: Thực hiện phương hướng công tác nhân sự, tại hội nghị Trung ương 13, Trung ương đã bỏ phiếu biểu quyết giới thiệu nhân sự tham gia Uỷ viên Trung ương chính thức, Uỷ viên Trung ương dự khuyết và Uỷ viên Uỷ ban Kiểm tra Trung ương khoá XIII. Còn tại hội nghị Trung ương 14, Trung ương thảo luận và bỏ phiếu biểu quyết giới thiệu nhân sự tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư khoá XIII.
Theo ông Chức, các thế lực thù địch luôn cố tình tạo ra “ý này, ý kia”, “chuyện này, chuyện kia” để gây mâu thuẫn trong nội bộ, sự phân tâm trong xã hội. Những thế lực chống đối luôn lợi dụng vào thời điểm trước đại hội để chống phá.
Trước Đại hội, Đảng đang nghiêm cẩn tìm ra người “có đức, có tài” để phục vụ cho sự nghiệp đổi mới, phục vụ nhân dân. Xem xét lựa chọn tìm ra người xứng đáng, phù hợp với công việc mà Đảng và xã hội đang cần. Do đó người dân và cán bộ đảng viên phải tin vào sự lãnh đạo của Đảng, không mắc mưu theo thông tin của các thế lực phản động đưa những thông tin không chính xác.
TS Nguyễn Viết Chức nhận định, để nhân dân một lòng theo Đảng thì việc củng cố, giữ vững niềm tin của dân với Đảng là tất yếu khách quan, là điều kiện tiên quyết để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Để thực hiện được điều đó, đòi hỏi Đảng phải không ngừng tự đổi mới, tự chỉnh đốn. Mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn gương mẫu, tiêu biểu về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; thực hiện tốt Quy định số 08-QĐi/TW của Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương.
Từ đó, ông Chức nhấn mạnh, các cán bộ đảng viên cần hết sức tỉnh táo, cảnh giác, chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả âm mưu thủ đoạn, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, những phần tử cơ hội chính trị, bất mãn. Trong bất kỳ điều kiện hoàn cảnh nào, cán bộ, đảng viên phải gắn bó mật thiết với nhân dân, hết lòng phục vụ nhân dân, đặt lợi ích của Đảng, quyền lợi của nhân dân lên trên hết.
Có thể nói những chia sẻ của TS Nguyễn Viết Chức đã nói lên tiếng lòng của người dân Việt Nam những ngày này. Đó là sự tin tưởng, kỳ vọng vào sự lựa chọn sáng suốt, nghiêm minh, đúng quy trình của Đảng trong công tác cán bộ vô cùng hệ trọng với tương lai đất nước. Với lòng tin đó chắc chắn mỗi người dân sẽ trở thành một thành trì vững chắc chống lại, phản bác, lật mặt bất cứ kẻ nào nuôi ý định dùng những luận điệu, quan điểm sai trái, thù địch, bịa đặt để làm suy yếu sự lãnh đạo của Đảng, sự phát triển của dân tộc – quốc gia.
Quang Minh