Vào năm học mới, không ít giáo viên vẫn kiến nghị bỏ Thông tư 30 về đánh giá học sinh tiểu học.
Nhằm giúp thầy cô giáo có cái nhìn thiện cảm hơn đối với thông tư này, đồng thời đóng góp nguồn tham khảo trong việc thực hiện thông tư trong những năm học sắp tới, ThS Giáo dục học, anh Lư Thành Long, chia sẻ một số điểm so sánh đánh giá học sinh tiểu học ở Việt Nam với Úc.
VietNamNet xin giới thiệu bài viết của anh Long.
Cũng giống như Việt Nam, Úc áp dụng chương trình khung (Australian Qualifications Framework) cho toàn hệ thống giáo dục. Mặc dù sách giáo khoa không bắt buộc dùng chung như ở Việt Nam, nhưng giáo viên phải soạn bài học có nội dung thuộc chương trình khung. Khi thực hiện công tác đánh giá, giáo viên phải tuân thủ theo những tiêu chuẩn của hệ thống chương trình khung kết hợp với giáo án mà nhà trường đưa ra.
Ảnh minh họa (Ảnh: Văn Chung) |
So sánh cách đánh giá của Úc và Việt Nam
Theo những quy định trong Thông tư 30, việc đánh giá học sinh tiểu học ở Việt Nam có một số điểm tương đồng với Úc như: Định nghĩa đánh giá, Mục đích đánh giá, Đánh giá theo chuẩn chương trình khung, Đánh giá kết quả học tập và hạnh kiểm, Báo cáo định kỳ cho nhà trường hai lần một năm, Tuân thủ những quy định đánh giá của nhà nước, và Sử dụng kết quả đánh giá làm dữ kiện để điều chỉnh và đặt kế hoạch cho quá trình dạy và học trong tương lai.
Tuy nhiên, việc đánh giá giữa hai nước cũng có những điểm khác biệt nhau. Sau đây là bảng so sánh sự khác biệt giữa hai nước:
Điểm khác biệt |
Việt Nam |
Úc |
Nguyên tắc đánh giá |
Thiên về động lực thúc đẩy phát triển. Nhấn mạnh xây dựng động viên, khuyến khích học tập. |
Nhấn mạnh tính chính xác năng lực. Phân tích chi tiết những khiếm khuyết cần cải thiện |
Thang đánh giá |
10 bậc (từ 1 đến 10) |
5 bậc (A, B, C, D, E) |
Cách thức |
- Đánh giá thường xuyên bằng lời góp ý tích cực khuyến khích học tập sau mỗi buổi học. Không cho điểm số. - Đánh giá theo tiêu chí chung trong thông tư 30 |
- Đánh giá thường xuyên chi tiết năng lực sau mỗi bài học. Cho điểm số, nhưng không tiết lộ cho học sinh và phụ huynh. - Đánh giá theo nội dung bài học |
Vai trò học sinh |
Nhấn mạnh tự đánh giá |
Không nhấn mạnh tự đánh giá |
Vai trò bạn bè |
Tham gia đánh giá |
Không tham gia đánh giá |
Vai trò phụ huynh |
Tham gia đánh giá |
Không tham gia đánh giá |
Điều kiện của học sinh |
Đánh giá theo tiêu chuẩn toàn thể lớp học, không phân loại và xem xét theo từng trường hợp cụ thể. |
Đánh giá theo tiêu chuẩn từng nhóm có cùng điều kiện. |
Báo cáo |
- Ngoài báo cáo định kỳ, giáo viên phải báo cáo hàng tháng trong sổ liên lạc cho nhà trường và phụ huynh học sinh. - Kết quả học tập của học sinh và lời nhận xét của giáo viên được công bố cho học sinh và phụ huynh trong những kỳ báo cáo chính thức (hai lần một năm) |
- Chỉ báo cáo định kỳ - Kết quả đánh giá như điểm số, chỉ được báo cáo cho nhà trường. Những góp ý tích cực bằng lời để cải thiện năng lực và thái độ học tập được gửi cho học sinh và phụ huynh xem. |
Hướng dẫn thực hiện đánh giá |
Lời hướng dẫn chung trong Thông tư 30, không chi tiết cụ thể. |
Hướng dẫn chi tiết cụ thể có mẫu kèm theo. |
Qua bảng so sánh trên, đánh giá học sinh tiểu học ở Việt Nam và Úc đều có mặt tích cực và hạn chế riêng.
Những điểm tích cực cụ thể là:
Việt Nam |
Úc |
- Tạo tinh thần học tập của học sinh, làm cho học sinh cảm thấy tự tin để học tập phát triển mà không mặc cảm và chán nản. - Học sinh tự đánh giá, giúp học sinh rèn luyện cá tính, làm chủ bản thân, tự nhận xét về mình tự chịu trách nhiệm - Đánh giá hàng tháng tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh kịp thời điều chỉnh phương pháp và thái độ học tập. - Thang điểm 10 đánh giá năng lực chính xác và chi tiết hơn
|
- Việc đánh giá chi tiết sau mỗi bài học cung cấp dữ liệu chính xác để vẽ lên biểu đồ tiến bộ từng học sinh. - Đánh giá học sinh theo từ nhóm có cùng điều kiện, thể hiện giá trị công bằng trong giáo dục. - Kết quả đánh giá điểm số không báo cáo cho học sinh và phụ huynh. Điều này làm cho các em cảm thấy không mặc cảm, đố kỵ lẫn nhau hoặc xem thường nhau. - Hướng dẫn chi tiết, rõ ràng, cụ thể giúp giáo viên dễ dàng phân tích đánh giá năng lực và thái độ học sinh trong từng bài học. |
Còn những điểm hạn chế là:
- Đánh giá thường xuyên bằng lời sau mỗi buổi học chỉ mang tích chất xây dựng tinh thần học tập, không thể hiện năng lực chính xác của học sinh. - Đánh giá năng lực học sinh định kỳ (sau một học kỳ) rồi kết luận cho cả quá trình học tập, điều đó không thể hiện được chính xác năng lực học sinh của toàn quá trình học. - Bạn bè tham gia quá trình đánh giá sẽ gây ra sự mất đoàn kết, nghi kị lẫn nhau gây cản trở tham gia hoạt động nhóm. - Phụ huynh tham gia quá trình đánh giá mà không hiểu biết sư phạm sẽ đưa ra những định hướng sai cho hoạt động học tập của học sinh. - Báo cáo kết quả điểm số định kỳ được học sinh và phụ huynh xem, làm cho học sinh mặc cảm và xem thường lẫn nhau, dẫn đến chán nản học tập. |
- Chú trọng quá kết quả năng lực, không nhấn mạnh động lực học tập. - Không báo cáo thường xuyên cho học sinh và phụ huynh. Do đó, học sinh không kịp thời điều chỉnh quá trình học tập sau thời gian dài tồn tại những mặt hạn chế. - Không quan tâm nhiều tự đánh giá. Điều này làm cho các em mất tự do làm chủ bản thân, lúc nào cũng ở trạng thái gò bó trong khuôn khổ từ người khác. |
5 kiến nghị sửa đổi
Như vậy, những chủ trương và quy định trong Thông tư 30 đã thể hiện sự nỗ lực của Bộ GD-ĐT về cải thiện chất lượng giáo dục tiểu học phù hợp với xu thế hiện đại. Nhìn chung, khó khăn trong giai đoạn đầu thực hiện Thông tư 30 là cách thức thực hiện.
Khi Thông tư 30 được bắt đầu triển khai từ tháng 8/2014, giáo viên chỉ biết thực hiện theo Thông tư 30 là đáng giá thường xuyên bằng lời, thay vì cho điểm như trước đây. Điều đó làm cho giáo viên cảm thấy rất khó khăn để thực hiện vì không có đủ thời gian làm việc đó và không hiểu rõ tiểu chuẩn đánh giá của bài học. Và, nó cũng không thể tránh khỏi việc đánh giá chỉ mang tính chất đối phó, cảm tính thiếu cơ sở thực tế với những lời nhận xét như "Chăm ngoan", "Cần cố gắng hơn", "Tốt nhưng cần tham gia tích cực hơn"…
Do đó, để việc đánh giá học sinh tiểu học có hiệu quả hơn và thực hiện được những quy định trong thông tư 30, những điều sau cần nên được quan tâm:
Một là, bên cạnh lời nhận xét tích cực từ giáo viên, năng lực và học sinh cũng cần được đánh giá chính xác và khách quan sau khi kết thúc mỗi bài học.
Hai là, thành tích của học sinh phải là tổng hợp toàn bộ bao gồm tất cả những thành tích từng đơn vị bài học trong quá trình học tập của học sinh. Quá trình tiến bộ cũng học sinh cũng cần được cập nhật thường xuyên và vẻ thành biểu đồ giúp giáo viên, nhà quản lý và phụ huynh quan sát và hiểu rõ khả năng phát triển của học sinh.
Ba là, bạn bè và phụ huynh học sinh không nên tham gia vào việc đánh giá học sinh. Vì điều đó sẽ gây ra mặt tiêu cực sau: Việc bạn bè xung quanh và phụ huynh không có kiến thức sư phạm, sẽ dễ dàng được ra nhận xét sai và định hướng không đúng đắn. Việc bạn bè xung quanh đánh giá sẽ làm cho học sinh ganh ghét và đố kị lẫn nhau, gây cản trở cho việc hợp tác học tập trong nhóm.
Bốn là, việc báo cáo kết quả học tập bằng điểm số không nên cho học sinh và phụ huynh xem, chỉ nên báo những điều học sinh đã đạt và những điều cần học tập và phát huy hơn nữa. Nếu học sinh biết được kết quả học tập bằng điểm số, thì không thể tránh khỏi sự kiêu căng và tự mãn của học sinh giỏi, sự mặc cảm của học sinh kém, xem thường và đố kỵ lẫn nhau, vì học sinh sẽ so sánh điểm với nhau.
Năm là, quan trọng hơn hết kèm theo thông tư 30, Bộ GD-ĐT phải có những hướng dẫn rõ ràng cho từng môn học về việc phân tích đánh giá trên mỗi đơn vị bài học như Úc đã làm.
Ở Việt Nam, sách giáo khoa được dùng chung cho toàn hệ thống giáo dục phổ thông. Điều đó rất thuận tiện để Bộ xây dựng phân tích bài đánh giá mẫu trên từng bài học dùng chung cho toàn thể giáo viên trong hệ thống giáo dục phổ thông.
ThS Lư Thành Long