Là tỉnh có đường biên dài hơn 330km với Trung Quốc, công an tỉnh Cao Bằng trong nhiều năm qua tập trung đấu tranh với loại tội phạm buôn người, bán trẻ em qua biên giới. Nhóm tội phạm này hoạt động tinh vi, dùng nhiều thủ đoạn móc nối với nhau để hòng qua mắt lực lượng công an.
Các đối tượng chọn các tỉnh có đường biên với các nước như Trung Quốc, Lào hoặc Campuchia để lập địa bàn hoạt động. Lợi dụng nhận thức của bà con dân tộc thiểu số tại vùng biên còn nhiều hạn chế, các đối tượng dùng nhiều chiêu thức để dụ dỗ người dân mang thai rồi sang nước ngoài sinh con rồi bán.
Trong bối cảnh đó, Công an tỉnh đã xác lập nhiều chuyên án nhằm đấu tranh, ngăn chặn, xử lý hành vi phạm tội của các đối tượng. Quá trình đấu tranh, các trinh sát thuộc lực lượng công an tỉnh Cao Bằng đã lần theo từng manh mối nhỏ nhất để phá các chuyên án phức tạp, ngăn chặn kịp thời hành vi mua bán người xuyên biên giới
Mới đây nhất, vào giữa tháng 10/2021 qua kiểm tra một nhà nghỉ tại khu vực bến xe khách tỉnh Cao Bằng thuộc tổ 10, Phường Đề Thám, Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng, công an phát hiện Nguyễn Thị Mận cùng 3 phụ nữ khác và một trẻ sơ sinh có nhiều biểu hiện nghi vấn thực hiện hành vi mua bán người. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, công an tỉnh Cao Bằng nhận định đây là một vụ mua bán người nên đã mời các đối tượng lên làm việc.
Đối tượng Trần Thị Loan trong đường dây buôn người qua biên giới Cao Bằng |
Quá trình đấu tranh với đối tượng, Nguyễn Thị Mận khai nhận hành vi mua bán người của mình. Ba phụ nữ đi cùng kể trên khai nhận di chuyển từ các tỉnh Lâm Đồng, Nam Định, Lạng Sơn đến Cao Bằng gặp Nguyễn Thị Mận để đưa xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc bán con.
Không dừng lại ở đó, tiếp tục mở rộng điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Cao Bằng xác định chủ mưu vụ án là Trần Thị Loan (46 tuổi, trú tỉnh An Giang). Từ đầu năm 2021, Loan có hành vi chỉ đạo, hướng dẫn một số phụ nữ đang mang thai di chuyển từ các tỉnh, thành đến Thành phố Cao Bằng để giao cho Nguyễn Thị Mận đưa xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc bán con.
Ngoài ra, Mận còn nhận đón thêm một số phụ nữ theo sự chỉ dẫn của các đối tượng khác cũng với mục đích tương tự. Công an tỉnh Cao Bằng phối hợp Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an đã truy bắt đối tượng Trần Thị Loan. Qua khám xét nhà riêng của Loan tại phường An Phú Đông, quận 12, TP Hồ Chí Minh phát hiện thêm hai phụ nữ, hai trẻ em và một phụ nữ đang mang thai.
Mận và Loan bị khởi tố, bắt giam về tội Mua bán người dưới 16 tuổi. Một đường dây bị triệt phá thành công góp phần tô thêm vào chiến công của lực lượng công an tỉnh Cao Bằng.
Liên quan đến tình trạng mua bán người tại các tỉnh trên cả nước, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an cho biết, tội phạm mua bán người ở nước ta diễn biến phức tạp, luôn tiềm ẩn xu hướng gia tăng, tính chất tội phạm nghiêm trọng với thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt. Trong bảy tháng đầu năm, Công an các địa phương đã phát hiện 27 vụ, 57 đối tượng, lừa bán 46 nạn nhân. Trong đó, Cục Cảnh sát hình sự triệt phá hai chuyên án, bắt bảy đối tượng, giải cứu năm nạn nhân.
Theo Cục Cảnh sát hình sự, đây là loại tội phạm có độ ẩn cao, tồn tại nhiều dưới dạng nguy cơ và có khả năng xảy ra trên các địa bàn như khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đồng bào dân tộc ít người; trên các lĩnh vực như cho nhận con nuôi, kết hôn có yếu tố nước ngoài; đẻ thuê; cho, hiến tạng; xuất khẩu lao động, di cư (hợp pháp hoặc bất hợp pháp) ra nước ngoài lao động làm thuê, du lịch, chữa bệnh, thăm thân.
Trên thực tế, tội phạm mua bán người đã phát hiện xảy ra, có dấu hiệu xảy ra ở 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Hiện nay, nước ta không những là nơi xuất phát tội phạm nguồn mà còn là địa bàn trung chuyển mua bán người từ một số nước trong khu vực đi nước thứ ba. Mua bán người ở nước ta chủ yếu là mua bán người ra nước ngoài (chiếm khoảng trên 80% số vụ mua bán người), tập trung chủ yếu qua các tuyến biên giới trên đất liền giữa Việt Nam với Trung Quốc, Campuchia, Lào… Theo thống kê, bình quân trong giai đoạn từ năm 2016 – 2020, mỗi năm có khoảng 260 vụ, với 340 đối tượng, lừa bán 500 nạn nhân.
Đoàn Bổng