Năm 2018, Cecilie, khi đó vừa tốt nghiệp cao học và đang sống tại London (Anh), lướt Tinder và choáng ngợp bởi vẻ đẹp trai, lịch lãm và giàu có của anh chàng tên Simon Leviev.

Trang cá nhân trên Tinder cho thấy Simon là một đại gia với máy bay riêng và những bộ quần áo hàng hiệu, thường xuyên được thưởng thức những ly cocktail cạnh những bãi biển đẹp và tham dự nhiều cuộc họp cao cấp. Vì thế, Cecilie không có lý do gì để nghi ngờ về biệt danh “Hoàng tử kim cương” mà Simon tự miêu tả về mình. Thậm chí, cô còn tra cứu Google và phát hiện Simon là thành viên của gia tộc tỷ phú kim cương Lev Leviev.

“Anh ấy có một cuộc sống khác xa những gì tôi từng trải qua, tôi nghĩ sẽ rất tuyệt nếu được gặp gỡ anh ấy”, Cecilie chia sẻ.

{keywords}
Cecilie Fjellhoy, một trong những nạn nhân của Shimon Hayet. Ảnh: ITV

'Giao trứng cho ác'

Sau những buổi hẹn hò xa hoa, bao gồm cả một lần đi cùng nhau trên máy bay riêng, Simon đã ngỏ lời muốn Cecilie trở thành bạn gái và bắt đầu gọi cô là “vợ tương lai”. Tuy nhiên, do Simon được cho là phải liên tục đi công tác xa nhà, nên hai người chủ yếu duy trì mối quan hệ qua việc nhắn tin và gọi điện thăm hỏi một cách không thường xuyên.

Cecilie cho biết, cô thường được Simon kể rằng kinh doanh kim cương là một ngành "nguy hiểm", và anh ta hay có những "kẻ thù" bí mật. Để chứng thực những tuyên bố của mình, Simon đã cho Cecilie xem hình ảnh những viên đạn được gửi đến anh ta bằng thư tay cùng ảnh của Peter - người được cho là “vệ sĩ” của Simon, với cơ thể dính máu và đầy thương tích sau một “cuộc tấn công”.

“Anh ấy nói với tôi rằng: Chúng đang truy đuổi anh, tạ ơn Chúa vì đã có Peter. Nếu không thì anh đã thiệt mạng”, Cecilie kể lại.

Simon sau đó tuyên bố không thể dùng thẻ tín dụng của mình vì sợ bị kẻ thù theo dõi, và ngỏ lời muốn được dùng tạm thẻ American Express của Cecilie trong “khoảng 2 tuần”. Cô đã chấp nhận yêu cầu từ bạn trai mà không hề nghi ngại, vì tin rằng Simon là một “tỷ phú” và vì anh ta đều đã tự thanh toán hóa đơn của tất cả cuộc hẹn xa xỉ giữa hai người.

{keywords}
Shimon Hayut đã rủ rê Cecilie Fjellhoy vào những buổi hẹn hò xa hoa, bao gồm cả một lần đi cùng nhau trên máy bay riêng. Ảnh: VG

“Cứ sau 2 hoặc 3 ngày thì anh ấy lại đưa ra một yêu cầu mới”, Cecilie nhớ lại. “Mỗi lần anh ấy tiêu hết tiền trong thẻ thì tôi lại phải vay thêm tiền”. Tuy nhiên, Cecilie lúc đó đinh ninh rằng mình chỉ đang hỗ trợ tài chính và nơi ăn chốn ở cho Simon cùng các cộng sự ở Stockholm (Thụy Điển), nơi anh ta đang lẩn trốn vì những lý do “an toàn”.

'Tôi phải ngăn hắn lại'

Tổng cộng, Cecilie đã cho Simon vay hơn 250.000 USD. Và để tỏ ra hào phóng, Simon đã gửi lại cho Cecilie một tấm séc trị giá 500.000 USD, gấp đôi số tiền anh này đã vay từ bạn gái. Tuy nhiên, Cecilie không thể rút tiền từ tấm séc này. Cô liên hệ với American Express và được yêu cầu chia sẻ ảnh bạn trai của mình.

“Hai nhân viên American Express nhìn nhau và thốt lên, "chính là hắn". Họ nói rằng anh ta là một kẻ lừa đảo chuyên nghiệp, chứ không phải “Hoàng tử kim cương” hay con trai tỷ phú. Tất cả đều là bịa đặt”, Cecilie nhớ lại. Đó là khi cô cảm thấy mọi thứ như sụp đổ vì người đàn ông mà cô phải lòng bấy lâu nay đã dối trá về mọi thứ.

Cecilie sau đó trở về sống với mẹ ở Oslo (Na Uy), và trở nên suy sụp đến mức từng có ý định tự tử và phải đi trị liệu tâm lý. Sau cùng, cô liên hệ lại với American Express để tìm hiểu thêm thông tin về Simon và phát hiện danh tính thật từ bạn trai cũ của mình là Shimon Hayut, kẻ từng bị bắt vào năm 2015 vì lừa đảo 3 phụ nữ ở Phần Lan.

{keywords}
Cecilie Fjellhoy bật khóc khi kể về những hành vi lừa dối của Shimon Hayut trên ABC News

“Tôi phải ngăn hắn lại”, Cecilie khẳng định. Cô đã liên hệ với tờ báo Na Uy Verdens Gang và gửi cho các phóng viên tờ báo này gần 400 trang in các tin nhắn giữa cô với Shimon.

Nhờ những bằng chứng trên, các nhà báo Verdens Gang đã phát hiện mẹ của Shimon sống ở Israel, và đã không liên lạc với con trai mình suốt nhiều năm. Trong khi đó, cảnh sát Israel xác nhận Shimon từng có tiền án lừa đảo, trộm cắp, và đã phải ngồi tù 2 năm ở Phần Lan trước khi bị dẫn độ về nước.

Tuy nhiên, bằng việc sử dụng hộ chiếu giả, Shimon tiếp tục trốn khỏi Israel và xây dựng hình ảnh “thiếu gia” trên mạng xã hội để lừa tiền từ những phụ nữ như Cecilie, nhằm phục vụ lối sống xa hoa của mình.

Đưa thủ phạm ra ánh sáng

“The Tinder Swindler” (tạm dịch: “Kẻ lừa đảo trên Tinder"), phim tài liệu được Netflix sản xuất và mới được công chiếu hôm 2/2, đã bóc trần những thủ đoạn lừa đảo của Shimon Hayut thông qua lời kể của Cecilie Fjellhoy và hai nạn nhân khác của hắn - giám đốc marketing người Thụy Điển Pernilla Sjoholm và "tín đồ thời trang" người Hà Lan Ayleen Charlotte.

{keywords}
Cecilie Fjellhoy xuất hiện trong phim tài liệu "The Tinder Swindler" của Netflix

Trong phim, các nhà báo của Verdens Gang ước tính Shimon Hayut đã lừa đảo khoảng 13 người với số tiền lên tới 10 triệu USD, song con số thực tế có thể còn lớn hơn nhiều.

“Phản hồi ban đầu về câu chuyện của Cecilie Fjellhoy là rất lớn”, nhà báo Natalie Remoe Hansen của Verdens Gang cho biết với báo Bưu điện New York. “Chúng tôi đã được liên lạc với các nạn nhân của Shimon trên khắp thế giới, và hắn ta cũng bị phản ánh với cảnh sát ở ít nhất 7 quốc gia khác nhau”.

Tuy nhiên, do Shimon đã thực hiện hành vi lừa đảo trên nhiều nước, và dùng thẻ tín dụng của nhiều người khác nhau để đi du lịch, nên cảnh sát đã gặp nhiều khó khăn trong quá trình truy lùng dấu vết của hắn. Nhưng nhờ có thông tin từ Fjellhoy, và sau đó là Sjoholm và Charlotte, Interpol đã bắt được Shimon ở Hy Lạp vào năm 2019 và dẫn độ về Israel, nơi hắn bị kết án 15 tháng tù vì tội lừa đảo.

Dù vậy, mọi chuyện lại kết thúc không có hậu khi Shimon được phóng thích vào tháng 5/2020, chỉ sau khoảng 5 tháng thụ án. Hiện tại, hắn vẫn hưởng thụ cuộc sống tự do, sung túc tại Israel, thậm chí còn mở hẳn một trang web tư vấn kinh doanh bất động sản với chi phí 300 USD cho mỗi lần tư vấn.

{keywords}
Shimon Hayut vẫn hưởng thụ cuộc sống tự do, sung túc tại Israel. Ảnh: Instagram

Trong khi đó, Fjellhoy và những nạn nhân khác của Shimon vẫn phải vật lộn vì những thiệt hại tài chính do Shimon gây ra. Họ phải tạo một trang quyên góp GoFundMe để giúp trang trải nợ nần.

“Điều duy nhất chúng tôi có thể làm là đưa khuôn mặt của hắn ra ánh sáng”, Pernilla Sjoholm nói trong phim “The Tinder Swindler". "Nếu mọi người biết Shimon là ai và nhận ra khuôn mặt của hắn, thì hắn sẽ không thể thực hiện hành vi lừa đảo thêm một lần nào nữa".

>>> Đọc tin tức quốc tế trên VietNamNet

Việt Anh

Vỏ bọc hào nhoáng của 'siêu lừa' trên mạng hẹn hò

Vỏ bọc hào nhoáng của 'siêu lừa' trên mạng hẹn hò

Tự nhận là con trai một tỷ phú kim cương, Simon Leviev đã lừa đảo nhiều phụ nữ qua ứng dụng hẹn hò Tinder bằng vẻ ngoài bóng bẩy cùng những thủ đoạn tinh vi.