- Hơn 2 năm kể từ khi ban hành QĐ thu hồi, hủy bỏ 20 GCNQSDĐ, Thị xã Sơn Tây vẫn chưa đưa ra phương án cụ thể để khắc phục những sai phạm thuộc về công tác quản lý của mình. Việc “sửa sai” sẽ được ban hành theo phương án nào?

Kết luận Thanh tra: sai phạm từ cán bộ địa chính!

Căn cứ ra QĐ thu hồi 20 GCNQSDĐ để hủy bỏ của UBND thị xã Sơn Tây ngoài căn cứ trên tờ trình của UBND xã Cổ Đông, Công văn số 57 của Phòng TN - MT còn dựa vào Báo cáo kết quả thanh tra về nguồn gốc, hồ sơ 11 thửa đất thu hồi của 20 hộ dân đã được cấp sổ đỏ tại xã Cổ Đông.

Hầu hết các thửa đất này đều nằm ở khu vực thôn Đồng Trạng, là đất ở và đất trồng cây lâu năm. Mỗi thửa có diện tích lên đến hàng ngàn m2, do đó, tổng diện tích của 11 thửa đất này lên tới hàng ha.

 

 
Xây tường, khoanh lô giữ đất đầu cơ thời điểm đất Ba Vì, Sơn Tây lên cơn sốt.

Xã Cổ Đông nằm giáp ranh với khu Hòa Lạc, tiếp giáp với Thạch Thất, từ Cổ Đông lên Đại lộ Thăng Long chưa đầy chục km. Giai đoạn đất Ba Vì sốt, Cổ Đông là xã được nhiều đại gia đầu cơ bất động sản từ Hà Nội xuống đầu tư.

Trong số 11 thửa đất bị thu hồi, hủy bỏ giấy CNQSDĐ, nhiều thửa đất đã được sang tên đổi chủ cho các chủ mới có hộ khẩu thường trú ở Thủ đô.

Báo cáo kết quả thanh tra của Thanh tra thị xã Sơn Tây đối với trường hợp thửa đất của ông Nguyễn Văn Tim (SN 1935, thôn Cổ Liễn, xã Cổ Đông): xét cấp lần đầu ngày 21/2/2006 tại thửa đất số 32 tờ bản đồ số 04 tại Đồng Trạng, Cổ Đông, Sơn Tây; diện tích 2.757m2 (trong đó 300m2 đất ở lâu dài; còn lại là đất trồng cây lâu năm thời hạn sử dụng đến năm 2043).

Sau khi ông Tim chuyển nhượng cho ông Nguyễn Văn Bằng và bà Nguyễn Thị Thanh Thủy (địa chỉ P1A6 tập thể Quỳnh Mai, Hai Bà Trưng, Hà Nội), chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây đã ký cấp GCNQSDĐ cho ông Bằng.

Về hồ sơ và quá trình xét cấp, theo Thanh tra thị xã Sơn Tây: Đơn xin cấp CNQSD đất của ông Nguyễn Văn Tim và ông Nguyễn Văn Bằng viết vào ngày 20/1/2006 nhưng UBND xã Cổ Đông xác nhận vào ngày 09/01/2006 (trước 11 ngày viết đơn); cán bộ chuyên môn Phòng TN - MT kiểm tra chỉ ký mà không ghi họ tên; ông Bằng nhận chuyển nhượng QSD đất từ ông Tim nhưng trong đơn lại viết nhận QSD đất của hộ ông Nguyễn Văn Chiều.

Hợp đồng chuyển nhượng QSD đất của công dân không ghi ngày, tháng, năm giao kết hợp đồng nhưng UBND xã Cổ Đông và Phòng TNMT vẫn ký GCN.

Thực tế ông Nguyễn Văn Tim đã chết từ tháng 5/2005 nhưng việc lập hồ sơ cấp GCN và quá trình xét cấp GCN vẫn được thực hiện cấp cho ông Tim từ năm 2006.

Thanh tra thị xã Sơn Tây kết luận: Cán bộ địa chính xã Cổ Đông đã xác nhận vào hồ sơ cấp GCNQSDĐ đứng tên ông Nguyễn Văn Tim với những nội dung không đúng thực tế trình Chủ tịch UBND xã ký xác nhận; Hồ sơ cấp GCNQSDĐ cho ông Tim chuyển nhượng cho ông Bằng – bà Thủy còn nhiều sai sót nhưng cán bộ chuyên môn Phòng TN - MT thị xã vẫn ký thẩm tra; Trưởng phòng TN-MT ký xác nhận để trình lãnh đạo UBND thị xã ký cấp giấy CNQSD đất.

Ở nhiều trường hợp khác các thửa đất bị thu hồi, những sai phạm trong quá trình hoàn tất hồ sơ, thủ tục để cấp GCNQSDĐ cho người dân và sang nhượng QSD đất cho chủ sử dụng mới cũng là những sai phạm thuộc về chính quyền và cán bộ địa chính cấp xã, Phòng TN - MT thị xã Sơn Tây…

Đối với thửa đất số 38 của bà Hồ Thị Kim Chung bị thu hồi và hủy bỏ GCNQSDĐ: năm 2008 và Chung mua lại của gia đình ông Lê Văn Cử.

Theo báo cáo của Thanh tra thị xã Sơn Tây: GCNQSDĐ lần đầu được cấp cho ông Lê Văn Cử (SN 1971) và bà Phùng Thị Hạnh (SN 1976) trú tại Đồng Trạng, Cổ Đông, Sơn Tây; diện tích 3.654,6m2 trong đó có 300m2 đất ở thời hạn sử dụng lâu dài, còn lại là đất trồng cây lâu năm thời hạn sử dụng đến năm 2043.

Năm 2008, bà Chung mua lại đất của ông Cử. GCNQSDĐ được cấp cho bà Chung (số 25, Hàng Lược, Hoàn Kiếm, Hà Nội) ngày 23/4/2008 tại thửa đất số 38, trong đó 300m2 đất ở lâu dài; còn lại là đất trồng cây lâu năm thời hạn sử dụng đến năm 2043.

Về hồ sơ và quá trình xét cấp, Thanh tra thị xã Sơn Tây báo cáo: biên bản xác nhận ranh giới, mốc giới thửa đất do ông Hà Trường Sơn (chủ tịch UBND xã Đồng Cổ) ký năm 2002 là không hợp pháp; danh sách công khai các trường hợp đủ điều kiện cấp GCN không có tên trường hợp hộ ông Lê Văn Cử.

Bà Hồ Thị Kim Chung – người đang khiếu nại QĐ thu hồi, hủy bỏ GCNQSD đất của UBND thị xã Sơn Tây đối với thửa đất của mình.

Nguồn gốc thửa đất: được khai hoang từ trước năm 1987, sau khi đi nghĩa vụ quân sự về, ông Cử sử dụng thửa đất để sản xuất nông nghiệp; kê khai trong hồ sơ cấp GCNQSDĐ của ông Cử chưa trung thực và chưa đúng sự thật ở nhiều mục (khai man tuổi, khai man tình trạng hôn nhân…).

Cán bộ địa chính xã Cổ Đông xá nhận hồ sơ cấp GCNQSDĐ của ông Cử với những nội dung không đúng thực tế về loại đất, nguồn gốc sử dụng.

Hồ sơ chuyển nhượng và cấp mới cho ông Lê Đức Thọ, bà Hồ Thị Kim Chung còn nhiều sai sót kể trên nhưng cán bộ chuyên môn Phòng TN - MT vẫn ký thẩm tra, Trưởng phòng TN - MT ký xác nhận để trình lãnh đạo UBND thị xã Sơn Tây ký cấp.

18 trường hợp còn lại, Thanh tra thị xã Sơn Tây cũng chỉ ra nhiều sai phạm, những sai phạm này đều thuộc về chuyên môn, trách nhiệm của cán bộ địa chính và chính quyền cấp xã, cơ quan chuyên môn là Phòng TN - MT.

Thanh tra thị xã kiến nghị thu hồi 20 GCNQSDĐ đã được cấp tại 11 thửa đất nằm trong nội dung thanh tra; kiến nghị xử lý tập thể, cá nhân có sai phạm; kiến nghị UBND Thị xã Sơn Tây chỉ đạo việc hướng dẫn người dân hoàn thiện hồ sơ cấp lại GCNQSDĐ theo đúng trình tự, thủ tục pháp luật.

Xử lý theo phương án nào?

Trao đổi với VietNamNet, Phó Phòng TN-MT thị xã Sơn Tây kiêm tổ trưởng tổ công tác 235, bà Bùi Thị Minh Hiền cho biết: Phòng TN-MT đang kiến nghị UBND thị xã Sơn Tây các phương án xử lý đối với các trường hợp bị thu hồi, hủy bỏ GCNQSDĐ tại xã Cổ Đông, Sơn Tây.

Theo bà Hiền: Tổ công tác 235 (được thành lập theo QĐ số 67 có chức năng xử lý các sai phạm trong quá trình cấp GCNQSDĐ cho người dân) đã tiến hành làm việc với các chủ sử dụng của 11 thửa đất có QĐ thu hồi GCNQSDĐ, hướng dẫn các chủ sử dụng kê khai để hoàn tất hồ sơ theo thủ tục.

Theo bà Hiền, các chủ cũ (chủ sở hữu ban đầu trước khi chuyển nhượng) đồng thuận về việc xác định đã chuyển nhượng thực tế quyền sử dụng đất, hiện tại không còn sự liên hệ về quyền lợi đối với các thửa đất đã chuyển nhượng.

Các chủ mới đồng thuận về việc tình nguyện thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước khi được xử lý hợp thức lại GCNQSD đất.

Ba phương án mà Tổ công tác 235 báo cáo tới Thường trực Thị ủy – UBND thị xã Sơn Tây để xử lý những sai phạm trong công tác quản lý, thẩm định hồ sơ và cấp GCN cho người dân gồm có: thu hồi đối với các thửa đất có quyết định thu hồi và hủy GCNQSDĐ, lên phương án bồi thường đối với người dân.

Tuy nhiên, theo bà Hiền, phương án này khó khả thi và sẽ có thể tạo nên làn sóng phản đối từ phía người dân.

Phương án thứ 2: cấp lại GCNQSDĐ cho chủ sử dụng ban đầu thông qua việc thực hiện nghĩa vụ tài chính nộp tiền sử dụng đất. Phương án này lại đối mặt với quyền lợi của chủ cũ (đã chuyển nhượng đất cho người khác) và chủ thực tế đang sử dụng đất.

Phương án thứ ba, theo bà Hiền, là cấp lại GCNQSDĐ cho các chủ sử dụng ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, việc cấp mới sẽ phải được tiến hành rà soát, hoàn thiện, thẩm tra hồ sơ thửa đất ban đầu, căn cứ theo các quy định của pháp luật đất đai ở thời điểm hiện tại (tỷ lệ diện tích đất ở tối đa trên tổng diện tích thửa đất…) và các chủ sử dụng đất phải thực hiện các nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước.

Khi được hỏi, thời gian thực hiện phương án giải quyết những sai phạm thuộc về cơ quan quản lý theo lĩnh vực và chính quyền cấp cơ sở, cấp Thị xã, cơ quan chuyên môn tham mưu…, bà Hiền cho hay: Tổ công tác và Phòng TN - MT đang báo cáo lên UBND thị xã và Thường trực Thị ủy.

Gần hai năm trôi qua, dường như, Sơn Tây vẫn bối rối trong việc khắc phục xử lý những tồn đọng, vướng mắc của chính mình. Còn người dân, họ thêm một lần nữa chờ đợi và chấp nhận ở tình trạng “nhảy dù” trên chính thửa đất mà mình đã được chính quyền cấp GCNQSD.

Tỷ lệ diện tích đất ở nếu cấp lại GCNQSDĐ sẽ là bao nhiêu?

Trao đổi với VietNamNet, bà Hiền chia sẻ: một vấn đề đặt ra trong phương án xử lý cấp lại GCNQSDĐ của 11 thửa đất này là vấn đề tỷ lệ diện tích đất ở.

Theo QĐ117 của UBND TP Hà Nội, diện tích đất ở trong tổng diện tích thửa đất đối với các xã trong địa bàn thị xã Sơn Tây dao động từ 180 – 240m2.

Tuy nhiên, trước đó, thị xã Sơn Tây khi cấp GCNQSDĐ cho các hộ dân, diện tích đất ở là 300m2, lớn hơn nhiều so quy định của QĐ 117.

“Tổ công tác 235 kiến nghị áp dụng nguyên diện tích đất ở tại thời điểm cấp GCNQSD đất bị thu hồi (300m2 đất ở, còn lại là đất nông nghiệp trồng cây lâu năm). Tuy nhiên, việc này còn chờ ý kiến của UBND T.p Hà Nội” – Phó Phòng TN - MT thị xã Sơn Tây thông tin.

Kiên Trung