- Hai cô em chồng nhỏ to nói chuyện, mắt lấm lét nhìn trộm tôi. Tôi đoán, các cô ấy đang nói xấu mình nhưng tôi không ngờ, chuyện nói xấu lại xung quanh việc tặng quà mừng thọ mẹ…
Tôi sinh ra và lớn lên ở một tỉnh miền núi phía Bắc. Năm 2008, tôi lấy chồng. Chồng tôi là kỹ sư xây dựng còn tôi làm việc cho một tổ chức nước ngoài.
Lương mỗi tháng của chúng tôi cũng gần trăm triệu. Vì thế chúng tôi đã mua được ô tô, nhà cửa ở Hà Nội đàng hoàng.
Quê chồng tôi ở một tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Ngày Tết, vợ chồng, con cái tôi kéo nhau về quê. Năm thì chúng tôi về ăn Tết nhà nội, năm lại ăn Tết nhà ngoại. Năm nay, vì có mừng thọ mẹ chồng nên vợ chồng tôi về chúc Tết quê ngoại từ sớm. Sau đó, chúng tôi ăn tết trọn vẹn ở nhà bố mẹ chồng.
Bố mẹ chồng tôi sinh được 4 người con. Chồng tôi là con thứ hai. Bên trên chồng tôi là một anh trai và bên dưới là 2 em gái.
Anh trai chồng tôi sinh sống và lập nghiệp ở Đắk Lắk. Năm nay, anh cũng cho cả gia đình về quê ăn Tết. Thế nhưng kinh tế gia đình anh chị eo hẹp vì thế cùng là phận con nhưng vợ chồng tôi lo sắm Tết toàn bộ.
Ngoài ra, tôi còn biếu bố mẹ chồng 5 triệu, biếu anh trai chồng 1 triệu, cho các cô em chồng mỗi cô 1 triệu và cho quà cáp tất cả anh em họ hàng. Các cháu bên chồng cũng được tôi mừng tuổi kha khá.
Ngay cả tiền mua bánh kẹo, hoa quả để tổ chức mừng thọ tuổi 70 cho mẹ chồng cũng do tôi sắm sửa.
Ảnh: Love Quotes |
Quê tôi có tục lệ chiều mùng 3 Tết, gia đình những người được mừng thọ sẽ tập trung ở nhà văn hóa thôn nhận bằng kỷ niệm. Toàn bộ dân làng sẽ tới dự và chia vui. Do đó, con cháu của những người được mừng thọ phải mang hoa quả, bánh kẹo, bia, nước ngọt đến đó để mời bà con.
Chi phí cho bữa tiệc ngọt đó cũng chỉ trên 1 triệu đồng. Tuy nhiên, các con của mẹ chồng tôi không ai lên tiếng đóng góp vì thế tôi tôi cũng phải chi.
Tuy nhiên, có một sự việc xảy ra sau đó đã khiến tôi trở thành một kẻ keo kiệt và không biết điều trong mắt các cô em chồng tôi.
Chẳng là, sau khi tổ chức lễ mừng thọ cho mẹ chồng tôi ở nhà văn hóa thôn, con cháu chúng tôi lại làm 4 mâm cỗ ở nhà để ăn uống chúc mừng mẹ (tiền làm cỗ cũng do tôi chi ra và giao cho hai em chồng mua sắm).
Trước khi ăn, 2 ông con rể bê từ đâu ra hai bức tranh rất to. Trên đó ghi rõ tên con gái, con rể tặng mẹ. Mẹ chồng tôi đứng bên cạnh bức tranh cho các con chụp ảnh kỷ niệm mà mắt rưng rưng. Khoảnh khắc đó khiến tôi cũng cảm động muốn khóc.
Vậy mà khi bữa ăn kết thúc, hai cô em chồng ngồi rửa bát cứ to nhỏ bàn tán nói chuyện với nhau. Thỉnh thoảng thấy tôi lại gần, những tiếng bàn tán lại tắt lịm. Đợi lúc tôi đi, các cô ấy mới tiếp tục thì thầm.
Hôm sau, đang chuẩn bị lên đường về Hà Nội thì cô cháu họ mách lẻo với tôi. Cháu bảo, 2 dì (tức các em chồng tôi) không hài lòng vì lương vợ chồng tôi cả trăm triệu mà không mua được bức tranh mừng thọ tặng mẹ.
Tôi nghe xong, cố gạt đi và nhắc cháu lần sau không nên nghe lén chuyện người lớn thế nhưng trong lòng tôi cảm thấy rất ấm ức.
Thì ra trong gia đình chồng, tôi có làm gì tốt cũng không được ghi nhận. Chỉ cần một sự sơ ý, không biết phong tục mừng thọ ở quê nên không chuẩn bị quà, tôi đã trở thành một kẻ xấu xí trong mắt mọi người…
Nguyễn Hoài (Hà Nội)