Liveshow kỷ niệm 25 câu chuyện âm nhạc Thu Phương – Việt Anh vừa được tổ chức tại Nhà hát Hòa Bình, TP.HCM tối 29/10. Đêm nhạc không chỉ là dịp nhìn lại hơn 2 thập kỷ ca hát, mà còn kể lại câu chuyện của chính Thu Phương theo một cách rất khác.

Như Thu Phương chia sẻ, sự kết nối của mình và nhạc sĩ Việt Anh được đánh dấu qua 3 khoảnh khắc đẹp nhất, là Dòng sông lơ đãng (1997), Chưa bao giờ (2006) và ngay hiện tại – Ta một lần ở đó. Xuyên suốt buổi trình diễn, khán giả đã có dịp đi lại từ những ngày đầu, với cấu trúc 3 phần riêng biệt.

Mở đầu buổi diễn bằng chuỗi bài hát Không còn mùa thu, Hoa có vàng nơi ấyNhững mùa hoa bỏ lại, Thu Phương mang lại những kỷ niệm trong trẻo của thời hoàng kim Làn Sóng Xanh, với Saigon Boys và cặp nhạc sĩ – ca sĩ nổi tiếng “chỉ sau một đêm”.

Nhớ về khoảng thời gian này, Thu Phương cũng phá cách hát Ngày không tên, Nơi mùa thu bắt đầu, Mùa thu khép lại… trong bản phối mới đậm chất nhạc jazz. Những bài hát nổi danh khác nằm trong album Thu Phương – Việt Anh: Điều cuối cùng chờ đợi ra mắt vào hơn một thập kỷ trước cũng được trình diễn như một kỷ niệm đáng nhớ.

Giọng hát Thu Phương trong những tháng năm miệt mài cảm xúc đã đằm thắm, sâu sắc và cũng xót xa hơn trước rất nhiều. Tuy thế cảm xúc vẫn còn vẹn nguyên như những ngày đầu, để dẫn dắt khán giả vào trong một không gian mới, của những câu chuyện một lần được kể theo cách rất khác.

Phần 2 dành phần lớn thời gian để giới thiệu dự án mới nhất của nữ ca sĩ – Theo dấu vàng son, gồm những bài hát được lấy cảm hứng từ cuộc đời Nam Phương Hoàng Hậu. Như sự “xuyên không” về cùng góc nhìn của hai người phụ nữ, Thu Phương đầy da diết đong đầy cảm xúc trong những sáng tác mới của nhạc sĩ Việt Anh, như Và anh nắm tay em, Em sẽ chẳng là ai, Đằng sau lời tình vội, Ta một lần ở đó…

Đêm trình diễn gây được bất ngờ với thiết kế sân khấu của Cao Trung Hiếu. Ở phần 2, Thu Phương lặng lẽ nép mình đằng sau tấm màn gauze thể hiện lại những khung cảnh được tái hiện mới về vị hoàng hậu, cũng như những chuyến viếng thăm trong hành trình thực hiện dự án ở Hải Phòng, Huế, Đà Lạt cũng như nước Pháp. Tuy có phần giản dị nhưng đậm dấu ấn, qua đó hai người phụ nữ đã trông thấy nhau và đến gần nhau.

Đầy suốt khung hình là hoa loa kèn và những ánh trăng, cho thấy một tâm hồn đẹp và trạng thái bơ vơ của người phụ nữ sau những biến động. Chỉ một ánh sáng vàng như ánh trăng soi rọi nữ ca sĩ, hiệu ứng chồng lớp của hai hình ảnh như một giao thoa, như sự đồng hành – tiếp nối của thân phận hai người phụ nữ trải qua truân chuyên và nhiều phiêu bạt.

Với đặc trưng là những bản pop có giai điệu đẹp, dàn dây dưới sự chỉ đạo của nhạc trưởng Trần Nhật Minh đã phát huy hết sức mạnh của mình. Những bài hát mới như Nam Phương Hoàng Hậu, Và anh nắm tay em… còn sử dụng thêm đàn hạc dưới ánh sáng vàng của ánh trăng xa, như gợi lại được một thời vàng son của không gian cung đình, để rồi sau đó chìm ngập là tuổi thanh xuân thơ mộng, cùng sự cô độc ở nơi đất khách quê người.

Phần 3 quay lại thời kỳ hoàng huy của nhạc pop Việt Nam những năm 2000s với những bản hit như Mưa phi trường, Thành phố sương, Màu của lãng quên… Dưới bàn tay phối khí của Giám đốc âm nhạc Nguyễn Hữu Vượng, các giai điệu của RnB có phần hiện đại và đầy năng lượng, những bài hát này đã được sống lại theo cách gần gũi và mới mẻ hơn với khán giả trẻ.

Thu Phương vẫn giữ được gần như trọn vẹn nhiệt huyết trong suốt đêm diễn. Không ít lần cô đã bật khóc vì tình yêu của khán giả và cả cảm xúc chất chứa trong những bài hát. Phần hòa giọng của nghệ sĩ cùng khán giả trong những bài hit như Chưa bao giờ, Tình yêu tôi hát… đã cho thấy được sức sống cũng như chân dung của một nghệ sĩ - ca sĩ đậm nét.

Sự xuất hiện của Hà Anh Tuấn cũng là một điểm nhấn lớn. Ngoài phần trình diễn 2 bài hát mới được nhạc sĩ Việt Anh dành riêng là Giấc mơ Một mình một sớm ban mai, anh cũng hát cùng Thu Phương ba bản song ca - Hai chúng ta và mới nhất Cứ trao đi, Sóng đưa chúng ta về. Cả hai song ca hòa hợp, đem đến khoảnh khắc ấn tượng trong sự hòa quyện cũng như tình cảm khăng khít giữa các nghệ sĩ.

Bất ngờ hệt như khán giả, Thu Phương đã giữ Hà Anh Tuấn ở lại sân khấu để hát thêm tận… 3 phần trình diễn không được tính trước trong kịch bản. Anh đã đùa rằng không được trả tiền mà mỗi khi bị “nhờ” thì lại phải hát. Từ đó Chưa bao giờ, Thành phố sương, Mưa phi trường, Tình yêu tôi hát… đã được hát lại trong sự hòa giọng cùng với khán giả, làm nên khoảnh khắc vô cùng đẹp đẽ.

Như lời chia sẻ của nhạc sĩ Việt Anh, dù cho đã 25 năm trôi qua, nhưng đến bây giờ anh vẫn muốn viết tiếp cho Thu Phương hát. Như một vòng tròn của đi rồi lại trở về, ở phần cuối chương trình, Thu Phương hát lại Dòng sông lơ đãng của những ngày đầu, và rồi tiếp tục bằng chuỗi Không còn mùa thu, Chiều biển vắng thênh thangNhững mùa hoa bỏ lại đã từng được hát ở đầu chương trình.

Đi qua kết cấu 3 phần, một hành trình dài của “dòng sông” vẫn mải miết trôi dẫu đã nhiều lần “rũ mình” cạn khô… cùng với mùa thu “trong cơn mưa đêm nhẹ như gió” đã ở lại mãi trong người hâm mộ. Dòng sông lơ đãng khởi đầu cho mối lương duyên, và qua biết bao mùa thu thay lá, nó vẫn ở đó và còn trôi mãi.

Giọng hát Thu Phương rực rỡ và đầy cảm xúc trong phần lớn chương trình. Xứng danh một người kể chuyện, cô đưa khán giả lặn vào dòng sông của những cảm xúc, để hiểu rằng “có bình yên nào không xót xa”, thế nhưng sau cùng cứ để sông trôi, mọi thứ tiếp diễn, và rồi mọi thứ sẽ ở lại đó như được an bày. 25 năm không chỉ đánh dấu một kỳ hạnh ngộ của hai tâm hồn nghệ sĩ, mà đó còn là vị trí cũng như tình yêu trong tim của người hâm mộ.

Nguyên Thảo