Việc Trung Quốc đòi quyền tài phán đối với Biển Đông được cho là một âm mưu nhằm mở rộng vùng đệm của họ trên biển. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng muốn kiểm soát các nguồn tài nguyên trên mặt biển và dưới đáy biển. Việc này tạo ra một loại tranh chấp thứ hai với các nước láng giềng.
UNCLOS đã được thương lượng và thông qua trong những năm 1970 đầu 1980 nhằm đáp lại các xu hướng bất ổn trong lĩnh vực hàng hải. Dù tất cả các nước tại Biển Đông đều đã phê chuẩn UNCLOS, nhưng tất cả các xu hướng này vẫn tồn tại trong khu vực này ngày nay.
Một trong những xu hướng như vậy là các quốc gia trong thế kỷ 20 tăng cường các năng lực khai thác nguồn tài nguyên sống và hóa thạch tại một phần ngày càng mở rộng ở khu vực biển gần bờ. Mỹ đã là quốc gia đầu tiên trong thời hiện đại thể hiện các quyền tài phán rộng rãi trên biển với các Tuyên bố Truman năm 1945, văn bản khẳng định quyền đối với tài nguyên thiên nhiên ở đáy biển và dưới lòng đất của thềm lục địa của Mỹ.
Các tuyên bố này cũng tạo ra các vùng bảo tồn cá biển cả thuộc quyền tài phán mở rộng của Mỹ nhằm quản lý và bảo vệ vựa cá để phục vụ nhân dân Mỹ. Các tuyên bố này đã mở ra một cuộc chạy đua toàn cầu nhằm giành quyền kiểm soát các nguồn tài nguyên biển thông qua một loạt các cơ chế khác nhau, dẫn đến một mớ hỗn hợp gồm các yêu sách của các quốc gia ven biển về các quyền mở rộng đối với tài nguyên, làm gia tăng các va chạm trên biển.
LHQ, khi đó mới thành lập, đã bắt đầu tiến hành các cuộc thương lượng nhằm xây dựng trật tự trên biển và giảm va chạm vào những năm 1950, dẫn đến các Công ước Geneve về Luật biển năm 1958.
Tuy nhiên, các công ước này vẫn chưa đủ. Các cuộc đàm phán quốc tế dai dẳng rốt cuộc đã dẫn tới một loạt cuộc mặc cả lớn vào năm 1982, tạo nền tảng cho UNCLOS - văn bản vẫn còn hiệu lực đối với khu vực Biển Đông ngày nay. Hai yếu tố của công ước này đặc biệt dành để đưa trật tự hợp lý vào áp dụng cho cuộc chạy đua tài nguyên biển: đó là các đường cơ sở phân cách đất liền của một quốc gia ven biển với các khu vực biển của họ và đánh dấu điểm đầu của một phạm vi biển; và các vùng EEZ đánh dấu ranh giới ngoài của phạm vi biển của một quốc gia ven biển.
Đường cơ sở
Đường cơ sở là ranh giới tại hoặc gần đường bờ biển giữa một lãnh thổ chủ quyền đầy đủ của một quốc gia ven biển với các khu vực biển mở rộng tính từ đó. Một hệ thống đường cơ sở thống nhất nhằm giới hạn phạm vi quyền của một quốc gia ven biển đối với các đại dương. Tuy nhiên, luật pháp quốc tế về đường cơ sở không ngăn cản Trung Quốc - và Việt Nam - đưa ra các yêu sách đang làm nghiêm trọng thêm một số tranh chấp tại Biển Đông.
Điều 5 và 7 của UNCLOS quy định đường cơ sở thông thường là mức ngấn nước triều thấp nhất dọc bờ biển. Điều 7 cho phép các quốc gia ven biển không làm theo quy định thông thường trong một số trường hợp rất hạn chế, chủ yếu tại nơi nào bờ biển bị khoét sâu và lồi lõm. Những khu vực như vậy gồm vịnh hẹp ở Na Uy, và dọc bờ biển phía Tây Nam bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, đường cơ sở nói chung được vẽ dựa trên đặc điểm địa lý bờ biển của quốc gia, vì vậy mọi yêu sách biển đều dựa trên một hệ thống đồng bộ về các đặc điểm công khai và không tranh cãi. Cả UNCLOS và luật pháp quốc tế nói chung đều không thừa nhận bất cứ ngoại lệ phi địa lý nào trong việc vẽ đường cơ sở.
Điều 47 của UNCLOS cho phép các quốc gia gồm toàn đảo và không có lãnh thổ lục địa nào - được gọi là quốc đảo - được vẽ đường cơ sở xung quanh mỏm xa nhất của các đảo của mình và đòi một quy chế đặc biệt và thể hiện quyền lực cao độ đối với các vùng nước nằm bên trong các đảo. Ít quốc gia được coi là quốc đảo, nhưng có hai quốc gia như vậy tại Biển Đông: Philippines và Indonesia.
Đường cơ sở của Trung Quốc: Các đường cơ sở lục địa của Trung Quốc đều được thể hiện dưới dạng đặc điểm địa lý bờ biển của họ. Tuy nhiên, tại một số nơi ở ngoài khơi, đường cơ sở của Trung Quốc vượt quá những gì UNCLOS và luật pháp quốc tế về việc này cho phép, bao chùm một không gian đại dương rộng hơn 2.500 hải lý vuông, chủ yếu trong Biển Đông, không cho áp dụng đầy đủ các quy định quốc tế. Tại Biển Đông, Trung Quốc cũng đã vẽ đường cơ sở thẳng xung quanh quần đảo Hoàng Sa, vi phạm trắng trợn UNCLOS theo đó chỉ các quốc đảo mới được đòi quyền này.
Đường cơ sở của Việt Nam: Từ phía Bắc của bờ biển đến phía Nam, Việt Nam vẽ đường cơ sở dựa trên các đảo ngoài khơi, thay vì mức ngấn nước triều thấp nhất dọc bờ biển của mình. Các đòi hỏi ở phần miền Nam và Tây Nam của bờ biển cũng vượt quá các tiêu chuẩn quốc tế hiện tại. Việt Nam có ý sở hữu hơn 27.000 hải lý vuông mà theo các tiêu chuẩn hiện nay trong luật quốc tế, phải được mở cho quốc tế sử dụng.
Dù Việt Nam sử dụng các đặc điểm địa lý để vẽ đường cơ sở của mình, nhưng họ làm như vậy một cách không phù hợp với UNCLOS và luật quốc tế về việc này. Chính phủ Việt Nam định thay đổi các đạo luật về biển của mình để các đường cơ sở phù hợp với UNCLOS. Nếu làm như vậy, Việt Nam có thể cho thấy họ hy vọng các nước khác trong khu vực tuân thủ các quy định của UNCLOS nhằm thúc đẩy hòa bình và ổn định trong khu vực.
Đường cơ sở của Indonesia và Philippines: Là hai quốc đảo trong khu vực, Indonesia và Philippines có quyền sở hữu khu vực biển rộng lớn bên trong đường cơ sở của mình và khẳng định quyền chủ quyền đối với khu vực này. Dù hệ thống đường cơ sở thẳng của Indonesia không phù hợp với đòi hỏi của luật quốc tế khi lần đầu tiên được vẽ ra năm 1960, nhưng Indonesia đã vận động thành công tại các cuộc thương lượng UNCLOS trong những năm 1970 để hệ thống của họ được công nhận áp dụng cho các quốc đảo. Ngày nay, các đường cơ sở của Indonesia được công nhận rộng rãi.
Tuy nhiên, đường cơ sở được duy trì trong một thời gian dài của Philippines là được kế thừa thời còn là thuộc địa của Tây Ban Nha. Đường cơ sở này không phù hợp với UNCLOS cho đến khi có một số thay đổi vào tháng 3/2009 nhờ nỗ lực của nước này nhằm đáp ứng hạn chót nộp phúc trình lên Ủy ban Thềm lục địa của UNCLOS. Nói cách khác, để xác định thềm lục địa, Philippines trước tiên phải xác định đường cơ sở. Đạo luật Cộng hòa số 9522 đã được Quốc hội Philippines thông qua và ban hành vào ngày 10/3/2009, và đường cơ sở của Philippines hiện nay phù hợp với UNCLOS.
Tuy nhiên, trước khi đạo luật trên được thông qua, Trung Quốc đã gây sức ép đối với các thành viên Quốc hội Philippines để họ ủng hộ một dự thảo đường cơ sở không bao gồm quần đảo Trường Sa và bãi cạn Scarborough bên trong đường cơ sở quần đảo của nước này. Trung Quốc muốn Philippines vẽ đường cơ sở xung quanh các đảo "nhà" và coi các đảo tại Trường Sa mà Philippines đòi và bãi cạn Scarborough là "các chế độ đảo riêng" không nằm trong đường cơ sở quần đảo.
Có lẽ Trung Quốc tìm cách ngăn cản Philippines đòi các đảo trên Biển Đông này là lãnh thổ chủ quyền không thể chia cắt của Philippines. Vì phải đấu tranh với vấn đề quy chế của Đài Loan, Trung Quốc rất nhạy cảm với khó khăn chính trị ngày càng gia tăng khi một chính phủ của Philippines tỏ ra đối đầu trong một cuộc thương lượng các quyền lãnh thổ mà luật pháp Philippines coi là không thể chia cắt - hay "cốt lõi" - của lãnh thổ quốc gia.
Sau một giai đoạn chính trị khó khăn, luật về đường cơ sở cuối cùng đã coi các đòi hỏi của Philippines đối với nhóm đảo Kalayaan và bãi cạn Scarborough là tách biệt với đòi hỏi quần đảo. Việc này khiến một số người Philippines lo ngại rằng chính phủ của họ đã cúi mình trước sức ép của Trung Quốc, một sự oán giận đã đổ thêm dầu vào những nỗi thất vọng dân tộc trước sự can thiệp của Trung Quốc hiện nay vào các nỗ lực tiến hành thăm dò tại Bãi cỏ Rong của Philippines.
Tóm lại, hệ thống đường cơ sở được thiết lập theo UNCLOS không ngăn cản ít nhất hai nước chính tại Biển Đông - là Việt Nam và Trung Quốc - đưa ra các yêu sách biển không phù hợp với luật pháp. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, Việt Nam tuân theo các quy định của UNCLOS về phác họa ranh giới biển nhiều hơn Trung Quốc.
Đông Bắc tổng hợp