Theo kết quả rà soát, cuối năm 2024, huyện Thủ Thừa còn 174 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 0,63%) và 441 hộ cận nghèo (1,59%). Tỷ lệ này xấp xỉ với mức chung toàn tỉnh, lần lượt là 0,57 và 1,55%.
Đầu năm 2024, xã Tân Long, huyện Thủ Thừa, còn 3 hộ nghèo, 29 hộ cận nghèo. Mục tiêu đề ra là giảm 1 hộ nghèo và 13 hộ cận nghèo.
Theo điều tra, rà soát, đa số hộ nghèo, cận nghèo, tại xã do không có đất sản xuất, phải đi làm thuê để kiếm sống. Một số hộ thuê đất ở địa bàn lân cận để trồng khóm, rau má,... nhưng đời sống còn gặp nhiều khó khăn. Đây là những thông tin quan trọng để xây dựng kế hoạch và đề ra giải pháp hỗ trợ phù hợp. Trong đó, xã phân công các tổ chức, cá nhân theo dõi, giúp đỡ từng hộ với những việc làm cụ thể, thiết thực.
Xã Tân Long chú trọng huy động nguồn lực giúp dân giảm nghèo theo phương châm: Nhà nước tạo điều kiện về sinh kế, cộng đồng hỗ trợ, còn người nghèo tự nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Theo đó, xã tiếp tục thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất; đa dạng hóa các hình thức tạo sinh kế cho người nghèo; đa dạng hóa nguồn vốn huy động để giảm nghèo. Xã cũng thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo phát triển sản xuất, dạy nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập; hỗ trợ về giáo dục và đào tạo, nâng cao dân trí, y tế, dinh dưỡng, bảo trợ xã hội, nhà ở, văn hóa và thông tin,...
Đặc biệt, xã phối hợp Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thủ Thừa tạo điều kiện cho hộ nghèo, cận nghèo vay vốn; năm nay trao tặng 2 căn nhà đại đoàn kết cho hộ cận nghèo, trị giá 160 triệu đồng. Kết quả, mục tiêu đầu năm về giảm nghèo đã được xã hoàn thành.
Tại xã Long Thuận, đầu năm nay còn 20 hộ nghèo và 31 hộ cận nghèo, cao hơn so với mặt bằng chung của huyện Thủ Thừa. Trong năm 2024, xã quyết tâm hỗ trợ, giúp đỡ 5 hộ nghèo, cận nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững.
Hộ anh Nguyễn Khánh Duy (ấp 1, xã Long Thuận) thuộc diện nghèo. Sau thời gian đi làm xa chưa thành công, anh Duy trở về nhà, tập trung trồng rau màu, chăn nuôi để lo cho bà ngoại, cha, mẹ và vợ, con.
Hiểu hoàn cảnh của anh, xã Long Thuận hỗ trợ gia đình 1 triệu đồng làm nhà lưới nhỏ để trồng rau sạch. Rau nhà anh Duy chỉ sử dụng phân bón hữu cơ, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Năm nay, gia đình anh Duy cũng được lựa chọn để nhận hỗ trợ bò từ mô hình Đa dạng hóa sinh kế thuộc Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững.
Anh dự định tập trung nguồn vốn để mua thêm bò về nuôi với số lượng nhiều, sử dụng phân bò nuôi trùn quế và lấy trùn quế để nuôi cá, gà,… Người đàn ông kỳ vọng với sự nỗ lực không ngừng nghỉ, thu nhập gia đình sẽ tăng lên, vươn lên thoát nghèo.
Mô hình Tổ tự quản giảm nghèo của xã Long Thuận năm 2024 được đánh giá cao. Mô hình nhằm nắm thông tin và cập nhật về hộ nghèo, cận nghèo; nắm tiêu chí đạt thấp, nhu cầu đáp ứng tăng thu nhập, điều kiện nhà ở, sinh hoạt, rủi ro có thể xảy ra, điều kiện hỗ trợ để giảm nghèo, từ đó kịp thời giúp đỡ các hộ.
Từ đầu năm 2024 đến nay, tổ giúp đỡ 5 hộ nghèo, cận nghèo nuôi ếch và buôn bán nhỏ với tổng số tiền 10 triệu đồng, dự kiến có 3 hộ thoát nghèo bền vững. Ngoài ra, xã Long Thuận còn thực hiện mô hình đa dạng hóa sinh kế với 6 thành viên là hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo. Các hộ được hỗ trợ con giống, kỹ thuật chăn nuôi, có thêm điều kiện phát triển kinh tế gia đình.
Tại xã Nhị Thành, hộ cận nghèo của bà Nguyễn Thị Chè (ấp 2) được địa phương "tiếp sức" bằng cách hỗ trợ con giống, thức ăn chăn nuôi, đồng thời chia sẻ thông tin tuyên truyền về kỹ thuật chăn nuôi để bà áp dụng. Tháng 10/2024, bà Chè được hỗ trợ Mái ấm nông dân. Căn nhà được xây dựng kiên cố, có diện tích 54m2 với tổng kinh phí 60 triệu đồng. Trên toàn xã, trong nhiệm kỳ 2019-2024, UBMTTQ Việt Nam xã giúp 31 hộ thoát nghèo, trên địa bàn xã hiện còn 18 hộ. Không chỉ giúp hộ nghèo, địa phương cũng quan tâm những đối tượng cận nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn,... Đến nay, xã không còn hộ gia đình có nhà dột nát, tạm bợ.
Thị trấn Thủ Thừa năm 2024 tập trung giúp đỡ 5 hộ nghèo. Trong đó, thị trấn hỗ trợ vốn cho hộ bà Nguyễn Thị Kim Tâm (khu phố 2) buôn bán bánh tét, bánh ít; hỗ trợ vốn, con giống, thức ăn gia súc cho ông Trần Văn Tư (khu phố Nhà Dài) chăn nuôi. Cùng đó, địa phương xây nhà đại đoàn kết, thường xuyên tặng quà, thăm hỏi, động viên và chuẩn bị hỗ trợ vốn cho ông Võ Hồng Tuấn (khu phố 3) buôn bán vé số để vươn lên trong cuộc sống; xây nhà, hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho ông Nguyễn Văn Thọ (khu phố 11) trồng mai.