Ngày 4/9, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế - tài chính bày tỏ sự đồng tình trước việc cơ quan thuế vào cuộc kiểm soát nguy cơ thổi giá trong những cuộc giao dịch mua bán lan Phi điệp đột biến tiền tỷ để đảm bảo cho an ninh kinh tế.
Luật sư kinh tế quốc tế Trần Hồng Khanh - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội nhận định, việc buộc các chủ vườn lai phải kê khai thuế là hoàn toàn đúng quy định.
Trường hợp chủ cây lan đấy là cá nhân kinh doanh thì phải nộp thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng. Trường hợp người bán là nông dân, giò lan đáp ứng đủ điều kiện là sản phẩm nông nghiệp qua sơ chế, chế biến thì không phải nộp thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân.
Nếu nhà vườn đăng ký kinh doanh, là doanh nghiệp thì đương nhiên phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng...
Nhà vườn kinh doanh lan sẽ phải kê khai thuế. |
"Khi đó, các cuộc giao dịch lan đột biến tiền tỷ sẽ được kiểm soát, số tiền thuế phải nộp dựa trên giá trị của cuộc giao dịch đó. Chính vì thế, nếu tổ chức hay cá nhân nào thổi giá thì đương nhiên sẽ phải nộp các loại thuế theo pháp luật quy định. Từ đó, sẽ giảm bớt nguy cơ thổi giá của mặt hàng giao dịch.
Quy định này đã có từ lâu nhưng thời gian qua đã bị buông lỏng, chỉ đến khi công an nhiều tỉnh thành và các chuyên gia, báo chí vào cuộc phản ánh nguy cơ từ những cuộc giao dịch lan đột biến tiền tỷ thì công tác quản lý vấn đề này mới được siết chặt" - ông Khanh cho biết.
Theo ông Khanh, trên thực tế vẫn có những chuyện "lách" luật để người bán lan không phải nộp thuế theo quy định. Nhưng nếu cơ quan chức năng kiểm soát chặt, vào cuộc xử lý nghiêm thì sẽ không có cách nào để lách được các khoản thuế kể trên.
"Thông thường sẽ có 3 cách lách luật trong các cuộc giao dịch mua bán để tránh việc nộp thuế. Một là tự khai đó là tài sản duy nhất, hai là hạ giá chuyển nhượng, ba là chuyển nhượng bắc cầu khi luật quy định khi những người thân trong gia đình chuyển nhượng cho nhau không phải nộp thuế.
Thế nhưng, đối với các cuộc giao dịch lan đột biến tiền tỷ, nếu cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra sẽ dễ dàng phát hiện ra được những giao dịch này có thật hay không, quan hệ giữa người bán và người mua như thế nào...
Chủ vườn lan thì sẽ có rất nhiều giò lan nên đó không phải tài sản duy nhất, quan hệ huyết thống trong gia đình thì chỉ cần kiểm tra hộ khẩu ở địa phương, còn nếu giá trị cuộc giao dịch bị khai thấp đi thì đương nhiên sẽ "hết cửa" thổi giá..." - ông Khanh bày tỏ.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Được - Ủy viên Ban chấp hành Hội Tư vấn Thuế Việt Nam cho hay, hiện nay các quy định về thuế đã tương đối hoàn thiện, mặc dù vậy đối với mô hình kinh doanh và đặc thù của sản phẩm hoa lan phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng cá nhân là chủ yếu nên ác bên có điều kiện thuận lợi để gian lận hoặc không kê khai nộp thuế.
Giấy mời cơ sở kinh doanh lan cảnh kê khai thuế của UBND xã Cao Dương, Lương Sơn, Hòa Bình. |
Ông Được cho rằng, Nhà nước phải có các công cụ chuyên biệt để tiến hành thu thuế đối tượng này cho đầy đủ đảm bảo tính công bằng góp phần hạn chế những tiêu cực do hành vi đẩy giá, thổi giá làm lũng loạn thị trường cũng như các hành vi lừa đảo…
"Với quy định thuế hiện nay cho các sản phẩm nông nghiệp, dễ dẫn tới tình trạng hai bên giao dịch đẩy giá khống hoa lan lên cao nhằm tính vào chi phí của bên mua.
Nếu như giao dịch hoa lan được đẩy giá gấp nhiều lần thì ngân sách nhà nước có khả năng bị thất thu do mức chênh lệch thuế suất giữa bên bán và bên mua giao động từ 15% đến 20%, đồng thời sự vận động của hàng hóa và hóa đơn chứng từ các khâu chưa được quản lý chặt chẽ.
Ngoài vấn đề thuế nêu trên chúng ta cũng cần lưu ý đối với các giao dịch này có thể là cơ hội để thực hiện các giao dịch ngầm nào đó như hợp thức hóa dòng tiền hay có thể tạo hiệu ứng sau đó bom hàng lừa đảo (đẩy giá cao đột ngột không mua) như một số hiện tượng đã xảy ra trước đây mà các cơ quan quản lý nhà nước đã cảnh báo sẽ gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội và người dân" - ông Được nói.
(Theo Đất Việt)