Tình trạng khá phổ biến…
Có thể nói, cách làm của ngành thuế trong thời gian qua là rà soát, tra soát và thỉnh thoảng lại "phục kích" được một vài trường hợp có thu nhập "khủng" nhưng không kê khai thuế. Những đối tượng này, đương nhiên sau khi bị phát hiện sẽ phải bị truy thu khoản thuế chưa đóng, cộng với khoản tiền phạt cũng không nhỏ.
Trước trường hợp truy thu 1,5 tỉ đồng tiền thuế thu nhập cá nhân vừa công bố mới đây, một năm trước, một YouTuber khác tại TP.HCM cũng từng bị Cục Thuế truy thu khoản tiền lên tới 4,1 tỉ đồng đối với khoản thu nhập được xác định lên đến 41 tỉ đồng, tương đương với 1,9 triệu USD. Thu nhập triệu đô mà không chịu kê khai đóng thuế thu nhập cá nhân, trong khi các anh xe ôm công nghệ có thu nhập từ 100 triệu đồng/năm trở lên đã phải bị khấu trừ thuế, rõ ràng là không công bằng chút nào. Cho nên, việc cơ quan thuế tra soát để truy thu thuế đối với các Facebooker, YouTuber có thu nhập cao thiết nghĩ là điều cần thiết.
Theo thông tin công bố từ Cục Thuế TP.HCM, dữ liệu từ 5 ngân hàng qua tra soát cho thấy từ năm 2014 đến hết tháng 11/2017 có tổng cộng 18.903 tổ chức và cá nhân có thu nhập từ Google, Facebook với tổng số tiền 1.092 tỉ đồng. Bên cạnh đó, có những tài khoản nhận thanh toán bằng ngoại tệ, với số tiền lên đến 17,8 triệu USD. Tất nhiên, những tổ chức và cá nhân có thu nhập trên đã không kê khai thuế.
Tình trạng những cá nhân hay tổ chức làm nội dung rồi đưa lên YouTube, Facebook sau đó có được thu nhập chủ yếu từ nguồn thu quảng cáo được chia sẻ lại từ hai mạng xã hội này không kê khai thuế diễn ra khá phổ biến tại nhiều quốc gia. Quốc gia nào còn ít minh bạch về thu nhập và việc kiểm soát thu nhập chi trả qua tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng còn yếu thì tình trạng trên diễn ra phổ biến hơn.
Mới đây, cơ quan thuế Hàn Quốc sau quá trình điều tra nhiều tháng đã tiến hành truy thu khoản thuế 1 tỉ won (tương đương 19 tỉ đồng) đối với 7 YouTuber ở xứ sở kim chi. Những người này đã kiếm được số tiền gấp 4,5 lần số tiền thuế bị truy thu.
Như vậy không riêng ở Việt Nam mà cả ở Hàn Quốc, cơ quan thuế đều phải tiến hành điều tra, rà soát, tra soát trong động thái "phục kích" những đối tượng là Facebooker, YouTuber có thu nhập "khủng", chứ chưa có cơ sở hay sự hợp tác hỗ trợ để tiến hành việc truy thu thuế từ nguồn thu nhập này một cách thuận lợi hay dễ dàng.
"Trói" các "ông lớn" và ngân hàng được không?
Theo Cục Thuế TP.HCM, việc rà soát qua hệ thống ngân hàng tính riêng tại TP.HCM vào thời điểm một năm trước đã truy thu 14 tỉ đồng tiền thuế từ 89 tổ chức, cá nhân có thu nhập từ Google, Facebook. Ngoài ra, thông tin của 5.800 cá nhân có thu nhập từ Facebook, Google với tổng số tiền 7,1 triệu USD và 97 tỉ đồng cũng đã được Cục Thuế TP.HCM chuyển tới cục thuế các tỉnh để triển khai việc truy thu.
Luật pháp Việt Nam hiện hành chưa có qui định hệ thống ngân hàng phải có báo cáo hay chia sẻ thông tin, dữ liệu về khách hàng đều đặn cho cơ quan thuế. Trên thực tế, đây là vấn đề rất nhạy cảm, cả trên bình diện quốc tế cũng không có qui định này. Khi xảy ra các vụ việc trốn thuế hay liên quan tới các vụ án, cơ quan chức năng có quyền yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin trong phạm vi, giới hạn của vụ án, chứ cũng không thể lạm dụng để lấy thông tin, dữ liệu khách hàng của ngân hàng một cách tràn lan.
Vấn đề quan trọng ở đây là bảo mật thông tin khách hàng và tạo cho khách hàng niềm tin, sự yên tâm vào ngân hàng mà họ đã "chọn mặt gửi vàng". Nếu ngân hàng có những báo cáo cho cơ quan thuế về các khoản thu nhập bất thường của khách hàng khi chưa được luật định và không phù hợp với thông lệ quốc tế sẽ dễ bị cho rằng "đâm sau lưng" khách hàng của mình. Đó là điều tối kị. Khách hàng một khi phát hiện ra chuyện này chắc chắn chẳng ai còn muốn để tiền tại ngân hàng đó nữa. Hoặc giả, nếu các ngân hàng trong nước đóng vai trò "tai mắt" cho cơ quan thuế thì người tiêu dùng trong nước có thể sẽ tìm tới các ngân hàng nước ngoài.
Tương tự, việc buộc các "ông lớn" như Google, Facebook hợp tác cung cấp thông tin thu nhập của các Facebooker và YouTuber tưởng đơn giản nhưng thực chất là một vấn đề cực kì nhạy cảm và cũng chẳng có chế tài nào bắt buộc. Trong việc hợp tác giữa hai bên, việc chi trả cũng như thu nhập của các đối tác sẽ được xem là thông tin bảo mật theo thông lệ phổ biến trên thế giới hiện nay. Về mặt lí lẽ, cơ quan thuế nếu "phục kích" phát hiện trường hợp trốn thuế, gian lận thu nhập.v.v… có thể yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin, dữ liệu. Với hành vi không kê khai thuế hay trốn thuế, các đối tượng phải chịu trách nhiệm chứ không phải là lỗi của các "ông lớn".
Chính vì thế, dù cơ quan thuế rất muốn các "ông lớn" Facebook, Google hợp tác nhưng từ thực tiễn cho thấy, việc "trói" họ cũng như các ngân hàng phải chịu trách nhiệm vào vấn đề này e rằng lại khiến chính họ đi ngược lại các cam kết bảo mật, bảo vệ thông tin dữ liệu của đối tác, khách hàng của mình; phần nào đó nó xung đột với chính lợi ích và đạo đức kinh doanh của họ và cũng có thể khiến họ bị tẩy chay.
Dạ Thảo