Ngày 21/11, tại Đà Nẵng đã diễn ra hội nghị triển khai Chỉ thị 30 của Thủ tướng về phát triển các ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam, do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tổ chức. 

Theo Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong, Chỉ thị 30 của Thủ tướng đã quy định rõ trách nhiệm không chỉ của Bộ VHTTDL mà còn của các bộ, ngành liên quan, quy định trách nhiệm của địa phương đặc biệt là các địa phương trọng điểm phát triển công nghiệp văn hoá. Đây là bước nâng nhận thức của xã hội về công nghiệp văn hoá, khuyến khích doanh nghiệp tham gia, cũng như thay đổi cách làm của ngành văn hoá, thể thao, du lịch, chuyển từ làm văn hoá sang quản lý nhà nước về văn hoá. 

W-c9933ca496552d0b7444.jpg
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong chia sẻ tại hội nghị. Ảnh: Diệu Thùy

Theo ông, Việt Nam có thế mạnh về điện ảnh, sáng tạo, thiết kế, ẩm thực… Theo báo cáo sơ bộ, các ngành công nghiệp văn hoá đóng góp 4,04% tổng GDP của cả nước. 

"Dư địa cho phát triển công nghiệp văn hóa của Việt Nam còn rất lớn, vấn đề là phải thay đổi cách làm để hiệu quả", ông Phong nói.

Thứ trưởng chia sẻ thêm, trong đợt dẫn đoàn sang quảng bá du lịch qua điện ảnh tại Hollywood (Mỹ) mới đây, có 17 trưởng đoàn làm phim lớn nhất thế giới cam kết xúc tiến làm phim tại Việt Nam. Họ sẽ đến nước ta trong năm 2025. 

“Họ làm phim ở Thái Lan đã rất nhiều và nhàm chán rồi. Họ rất mê Việt Nam vì có bối cảnh hiếm gặp, văn hoá đa dạng, đặc sắc, nhân lực giá rẻ, nhiều chuyên gia giỏi... Chúng ta có tiềm năng rất lớn về điện ảnh”, Thứ trưởng nói. 

Đầu tư cho công nghiệp văn hoá chưa tương xứng

Bà Trần Thị Phương Lan, Vụ trưởng Vụ Văn hoá - Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam vẫn còn thiếu cơ chế, chính sách cụ thể để phát triển; nguồn lực đầu tư chưa tương xứng, còn dàn trải. 

W-30472cdf862e3d70643f.jpg
Các đại biểu tham dự hội nghị triển khai Chỉ thị 30 của Thủ tướng về phát triển các ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam diễn ra ngày 21/11. Ảnh: Diệu Thùy

Theo bà Trần Thị Phương Lan, việc phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, chủ yếu do nguyên nhân chủ quan: “Điều kiện tiên quyết là phải nhận thức đúng, đầy đủ về vị trí, vai trò, ý nghĩa của phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Những rào cản trong nhận thức sẽ dẫn đến rào cản trong hoạch định đường lối, chính sách văn hóa”.

Đồng quan điểm, bà Thanh Thuý, Phó Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao TPHCM cho hay, cần nhận thức rõ ràng và sâu sắc, đầu tư cho văn hóa có thể tốn kém, hiệu quả có thể lâu dài, nhưng nhất thiết, phát triển văn hóa phải được xem là một trong những đột phá quan trọng nhất để bảo đảm cho sự phát triển bền vững đất nước.

Bà Thuý cho biết, thực hiện chiến lược phát triển công nghiệp văn hoá đến năm 2030, TPHCM chọn 8 lĩnh vực ưu tiên phát triển, tập trung nhiều nhiệm vụ như: gia nhập thành phố sáng tạo UNESCO ở lĩnh vực điện ảnh; xây dựng TPHCM trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa của khu vực Đông Nam Á; đào tạo nguồn nhân lực thông qua các trường; bổ sung vào quy hoạch các quỹ đất xây dựng phim trường, tổ hợp dịch vụ văn hoá… Phó Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao TPHCM đề xuất tháo gỡ khó khăn về đất đai, thuế cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. 

Theo bà Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam, muốn phát triển công nghiệp văn hoá, điều quan trọng phải làm sao để huy động nguồn lực xã hội, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia. Ở khía cạnh điện ảnh, cần đầu tư cho quảng bá, tiếp thị tác phẩm; có cơ chế khích lệ những nhà làm phim tư nhân.

Trong khi đó, nhà văn Ngô Thảo nhận định, trong công nghiệp văn hoá có một vấn đề cơ bản, luôn luôn là hàng đầu, đó là nhân lực hoạt động văn hoá, song chính sách đãi ngộ cho đội ngũ này chưa thoả đáng. Đầu tư cho nghệ thuật là đầu tư mạo hiểm, cần có chính sách bảo trợ để họ phát triển.