Sử dụng công nghệ tạo phương pháp làm việc đột phá

Thông tin từ Cổng thông tin điện tử Chính phủ, vào chiều tối 2/9, từ trung tâm chỉ huy điều hành đặt tại Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã kiểm tra đột xuất 5 xã, phường, thị trấn tại TP.HCM, Long An, Tiền Giang qua hệ thống trực tuyến mới thiết lập. 

Tại buổi làm việc trực tuyến với một số xã, phường, thị trấn đang có diễn biến dịch Covid-19 phức tạp, trên cơ sở nắm tình hình tại cơ sở, Thủ tướng đã chỉ đạo lãnh đạo các địa phương này tập trung triển khai ngay 8 nhiệm vụ chủ yếu.

{keywords}
Tại cuộc họp trực tuyến ngày 29/8, Thủ tướng giao Bộ TT&TT thiết lập phòng chỉ huy điều hành kết nối tới các xã, phường, thị trấn trên toàn quốc. (Ảnh: Chinhphu.vn)

Xây dựng phòng chỉ huy điều hành để Thủ tướng có thể chỉ đạo trực tiếp lãnh đạo các xã, phường, thị trấn là nhiệm vụ đột xuất đã được Thủ tướng Phạm Minh Chính giao cho Bộ TT&TT vào ngày 29/8.

Trong 11.000 xã, phường, thị trấn trên toàn quốc, Thủ tướng yêu cầu trước mắt tập trung vào hơn 2.500 xã, phường tại các địa phương phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch.

Các số liệu thời gian thực của những nền tảng công nghệ phòng chống dịch Covid-19 của Trung tâm công nghệ phòng, chống dịch Covid quốc gia cũng được đưa về phòng điều hành chỉ huy này. Dựa trên các số liệu thời gian thực, Thủ tướng sẽ đưa ra các quyết định phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh; quan trọng hơn, sau mùa dịch, hệ thống còn được sử dụng để điều hành kinh tế, xã hội.

Nhiệm vụ kết nối hệ thống hội nghị trực tuyến tới toàn bộ các xã, phường, thị trấn trên toàn quốc nhằm bảo đảm chỉ đạo thông suốt từ Trung ương tới từng cơ sở đang được Bộ TT&TT chỉ đạo 2 tập đoàn VNPT, Viettel gấp rút triển khai.

Tính đến ngày 31/8, trung tâm chỉ huy, điều hành trực tuyến về công tác phòng chống dịch từ phòng làm việc của Thủ tướng đã kết nối tới 2.594 điểm cầu tại các xã, phường, thị trấn thuộc 19 tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Trao đổi với ICTnews, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) nhận định, điểm đặc biệt nhất của việc thiết lập hệ thống truyền hình hội nghị lần này là sự kết nối từ phòng làm việc của Thủ tướng tới cấp xã, phường, thị trấn.

Theo phân tích của ông Vũ Thế Bình, hiện nay, hạ tầng viễn thông và Internet của Việt Nam ở nhóm những nước tốt nhất trong khu vực. Do đó, việc hình thành kết nối mạng từ cấp Trung ương đến cấp xã, phường, thị trấn là hoàn toàn khả thi, mặc dù chất lượng hay băng thông ở khu vực vùng sâu, vùng xa còn hạn chế.

“Điều đặc biệt trong chỉ đạo chống dịch mấy hôm nay của Thủ tướng là việc ứng dụng công nghệ và hạ tầng viễn thông cho một kiểu chỉ đạo ít thấy: từ Trung ương xuống thẳng cấp xã, phường, thị trấn. Nghĩa là, công nghệ đã được dùng để tạo một phương pháp làm việc đột phá”, ông Vũ Thế Bình nêu ý kiến.

Bước điều chỉnh tư duy quan trọng

Chia sẻ thêm về việc Thủ tướng trực tiếp kiểm tra, nắm bắt tình hình và chỉ đạo chống dịch trực tuyến các lãnh đạo xã, phường, thị trấn ở một số tỉnh, thành phố phía Nam vừa qua, đại diện VIA cho rằng: Việc có khả năng chỉ đạo trực tiếp từ Trung ương đến địa phương có thể mang lại một nét mới trong chỉ đạo và thực thi chống dịch, ít nhất đã làm phẳng hoá công tác chống dịch. Thông tin được truyền đạt trong toàn hệ thống có tính chất thông suốt, rõ ràng và kịp thời hơn.

Hệ thống họp trực tuyến xuyên suốt phẳng hóa cũng cho phép cấp cơ sở trình bày, đề xuất những sáng kiến từ thực tiễn một cách tốt hơn. “Chắc chắn tốt hơn hẳn cách thức hành chính tuần tự trong tình trạng thông thường”, đại diện VIA khẳng định.

{keywords}
{keywords}
Một điểm cầu tại Văn phòng Chính phủ (ảnh trên) và các điểm cầu cấp xã, phường tại Bình Phước đã được thiết lập xong vào cuối tháng 8.

Cũng theo đại diện VIA, trong thực tế cuộc sống việc giao tiếp, trao đổi thông tin đã được phẳng hóa và có tốc độ nhanh, kịp thời thông qua các nền tảng mạng xã hội, nền tảng tin nhắn rộng rãi... Vì thế, việc ứng dụng công nghệ để hình thành một hệ thống chỉ đạo xuyên suốt cho thấy bước điều chỉnh tư duy khá quan trọng.

Đánh giá cao vai trò hỗ trợ tích cực của CNTT, Internet trong công tác chống dịch thời gian qua, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký VIA Vũ Thế Bình nhấn mạnh: Viễn thông, Internet và CNTT có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống và phát triển kinh tế xã hội. Nó vừa là công cụ, vừa là động lực để thay đổi cách thức chúng ta sống và làm việc.

“Ứng phó với dịch bệnh khẩn cấp và bất ngờ, có thể có lúc viễn thông, Internet và CNTT chưa được ứng dụng thực sự tốt, nhưng theo thời gian và qua các bài học từ thực tế, chắc chắn rằng vai trò của viễn thông, Internet và CNTT sẽ rõ nét trong quá trình phòng, chống đại dịch cũng như "sống chung" với virus thời gian tới”, đại diện VIA bày tỏ sự tin tưởng.

Vân Anh 

 

Trung tâm chỉ huy và hệ thống họp trực tuyến tới xã, phường được xây dựng “thần tốc”
Chiều tối ngày 2/9, từ phòng làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 thông qua hệ thống trực tuyến với toàn bộ 2.594 điểm cầu xã, phường, thị trấn của 19 tỉnh, thành phố phía Nam đang thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 của Thủ tướng chính phủ. 
Đây là hệ thống họp trực tuyến đầu tiên phục vụ Thủ tướng kiểm tra, chỉ đạo, điều hành trực tiếp xuống các “pháo đài”, giúp công tác phòng, chống dịch Covid-19 được nhanh chóng, kịp thời đến các vùng dịch có diễn biến phức tạp và nguy cơ lây nhiễm cao. 
Sau khi đi kiểm tra việc chống dịch tại các xã, phường, thị trấn của TP.HCM, Hà Nội, các tỉnh Bình Dương và Đồng Nai, Thủ tướng đã chỉ đạo thiết lập Trung tâm chỉ huy và kiểm tra trực tuyến về phòng, chống dịch ngay tại phòng làm việc của Thủ tướng. 
Với nhiệm vụ Thủ tướng giao, Lãnh đạo BộTT&TT đã chỉ đạo Cục Bưu điện Trung ương phối hợp với 2 tập đoàn VNPT và Viettel triển khai ngay hệ thống họp trực tuyến phục vụ chỉ đạo điều hành của Thủ tướng đến tất cả các xã, phường, thị trấn của 19 tỉnh, thành phố phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. 
Cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của Lãnh đạo Bộ TT&TT, 2 tập đoàn Viettel và VNPT đã huy động lực lượng tối đa phối hợp cùng các xã, phường, thị trấn thần tốc triển khai. Sau 3 ngày, hệ thống đã hoàn thành việc kết nối. 
Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực của Bộ TT&TT và 2 tập đoàn lớn của đất nước, chỉ trong thời gian ngắn đã thiết lập được hệ thống đảm bảo chất lượng. Hệ thống này sẽ là công cụ đắc lực để người đứng đầu Chính phủ sử dụng thường xuyên trong việc kiểm tra, giám sát, chỉ đạo điều hành đến cấp xã, phường, thị trấn trong tình hình diễn biến dịch bệnh vẫn diễn ra phức tạp tại các tỉnh, thành phố phía Nam đang thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. 
Việc sau 3 ngày hệ thống trực tuyến được thiết lập thể hiện quyết tâm đưa công nghệ vào công tác phục vụ phòng, chống dịch, góp phần sớm đẩy lùi dịch bệnh Covid-19, đem lại cuộc sống bình yên cho nhân dân.

 

Thủ tướng lập trung tâm chỉ huy tại phòng làm việc, nối trực tuyến tới 2.594 xã phường

Thủ tướng lập trung tâm chỉ huy tại phòng làm việc, nối trực tuyến tới 2.594 xã phường

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo thiết lập trung tâm chỉ huy và kiểm tra trực tuyến về phòng chống dịch ngay tại phòng làm việc của Thủ tướng đến 2.594 điểm cầu tại xã phường, thị trấn ở 19 tỉnh, TP phía Nam.