Ngày 10/2, Bộ GD-ĐT tổ chức lễ công bố Chương trình sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025.

Lễ công bố có sự tham dự, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam,... cùng đại diện các bộ, ngành, các tổ chức và lãnh đạo các địa phương tại 63 điểm cầu trên cả nước.

Trước đó, ngày 2/10/2021, Chính phủ đã ban hành quyết định số 1660/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Sức khoẻ học đường giai đoạn 2021-2025 nhằm bảo đảm chăm sóc toàn diện về thể chất, tinh thần cho trẻ em, học sinh thông qua việc duy trì, đẩy mạnh hoạt động giáo dục, chăm sóc, bảo vệ và quản lý sức khỏe trẻ em, học sinh trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và các trường chuyên biệt.

Chương trình Sức khoẻ học đường giai đoạn 2021-2025 xác định 5 nhóm nội dung và 7 nhóm giải pháp về chăm sóc, bảo vệ và quản lý sức khoẻ, trẻ em, học sinh; giáo dục thể chất và hoạt động thể thao học đường; tổ chức bữa ăn học đường, bảo đảm dinh dưỡng hợp lý; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, giám sát, thống kê, báo cáo; tuyên truyền, giáo dục sức khỏe học đường trong trường học. Mỗi nội dung được giao chỉ tiêu đánh giá cụ thể như: Đến năm 2025, 100% trường học có nhà vệ sinh, trong đó 50% trường học có đủ nhà vệ sinh cho học sinh theo quy định và 80% nhà vệ sinh bảo đảm điều kiện hợp vệ sinh. Hay 100% trường học có tổ chức bữa ăn học đường và căng tin trường học, bảo đảm các điều kiện về vệ sinh, an toàn thực phẩm theo quy định,...; 100% trường học có đủ giáo viên giáo dục thể chất và được tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ…

{keywords}
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu thực hiện nghi thức công bố Chương trình sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025.

Chương trình sức khỏe học đường giai đoạn 2021- 2025 thể hiện sự quyết tâm và khát vọng của quốc gia vào việc chăm sóc cho thế hệ tương lai. Đây là bước khởi đầu cho một chương trình thiết thực, tổng thể và dài hạn về sức khỏe học đường, quy mô lớn nhất từ trước đến nay, lựa chọn các nội dung ưu tiên đối với sức khỏe trẻ em, học sinh trên cả nước, tránh sự trùng lặp, triển khai chồng chéo.

Chương trình cũng tạo cơ chế chính sách, đẩy mạnh công tác xã hội hóa nhằm thu hút sự tham gia đầu tư của các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước; huy động các nguồn lực tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dụng cụ phục vụ cho việc chăm sóc sức khỏe trẻ em, học sinh.

Với thông điệp “Trường học an toàn, trẻ em, học sinh khỏe mạnh”, lần đầu tiên tại Việt Nam, một chương trình quy mô, thiết thực và ý nghĩa về sức khoẻ học đường với Chương trình tổng thể, chính thống và toàn diện được thực hiện. 

{keywords}
Thủ tướng đề nghị cần coi nhà vệ sinh cũng là công trình chính trong trường học

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay, cùng việc mở cửa trường học trở lại trên cả nước, đây là sự kiện quan trọng, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, góp phần khẳng định quyết tâm lớn của nhà nước trong việc nâng cao chất lượng hoạt động chăm sóc, bảo vệ trẻ em, học sinh, dành những gì tốt đẹp nhất có thể cho thế hệ tương lai, góp phần quan trong, quyết định sự phát triển bền vững của đất nước.

Thủ tướng nhấn mạnh, đối với mỗi người, và cả xã hội, sức khỏe luôn là vốn quý nhất. Đặc biệt, với các học sinh, trẻ em, thì công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe càng quan trọng bởi đây là tương lai của đất nước. Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe các cháu là trách nhiệm không chỉ của gia đình, mà còn của cộng đồng, của toàn xã hội và cả hệ thống chính trị.

Những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến giáo dục đào tạo, bảo vệ chăm sóc sức khỏe của nhân dân nói chung, sức khỏe học đường nói riêng.

{keywords}
 

Mặc dù vậy, so với yêu cầu thì hoạt động bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe học đường vẫn còn những hạn chế, khó khăn và thách thức. Nhiều trẻ em vẫn chưa được an toàn ngoài xã hội, trong nhà trường và ngay trong gia đình. Tình trạng bạo lực học đường vẫn tiếp diễn, có một số vụ nghiêm trọng, nhiều vụ việc đau lòng đã xảy ra. Sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, trò chơi trực tuyến,... làm giảm sự quan tâm của trẻ em, học sinh đối với hoạt động thể chất và sinh hoạt hợp lý. Vẫn còn không ít học sinh có vấn đề về sức khỏe tinh thần vì nhiều lý do khác nhau.

"Và rất đau lòng, đã có không ít em tìm đến những giải pháp tiêu cực như tự tử,... Tất cả chúng ta đều phải trăn trở, suy ngẫm sâu xa hơn về vấn đề này", Thủ tướng nói.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh, cơ sở vật chất tại các trường học còn hạn chế; nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo còn thiếu trường học, thậm chí các điểm trường quy hoạch chưa hợp lý, chưa đủ điều kiện tổ chức học bán trú, ảnh hưởng đến sức khỏe cho các học sinh khi đi học.

{keywords}
 

Nhận thức không đầy đủ khi coi nhà vệ sinh là 'công trình phụ'

Thủ tướng nói, một vấn đề mà chúng ta nhìn thấy rất rõ là điều kiện các nhà vệ sinh trong trường học chưa đáp ứng yêu cầu, kể cả ở những thành phố lớn. "Vấn đề vệ sinh ở các trường học còn nhiều vướng mắc, bất cập. Ngay cả cách gọi nhà vệ sinh là 'công trình phụ' cũng đã cho thấy nhận thức, sự quan tâm không đầy đủ tới vấn đề nhà vệ sinh trường học”, Thủ tướng chia sẻ.

“Chúng ta thường tính công trình chính là trường, lớp, phòng thư viện, nhà thể chất, sân thể dục thể thao, còn vệ sinh, nhà bếp là công trình phụ. Bây giờ phải suy nghĩ nhà vệ sinh và nhà bếp cũng là những công trình chính trong trường học. Phải từ tư duy, nhận thức mới chuyển thành hành động, tổ chức thực hiện cụ thể”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng cho rằng, vì nhận thức là “công trình phụ” nên còn thừa đất chỗ nào, nguyên vật liệu dư thừa thì mang xây dựng nhà vệ sinh và nhà bếp. “Nhưng thực chất đây là hai cái rất quan trọng. Học sinh có yêu trường lớp hay không cũng một phần bởi các công trình vệ sinh và nhà ăn. Việc này các cơ quan quản lý, các bộ ngành và các địa phương rất đáng suy nghĩ”.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh, cần coi sức khỏe học sinh là đối tượng cần phục vụ đặc biệt và cần coi trọng việc chăm sóc sức khỏe tinh thần ngang sức khỏe thể chất.

Theo Thủ tướng, một trong những việc cụ thể cần phải giải quyết sớm gồm cải thiện điều kiện vật chất, cơ sở trường học; tăng cường xây dựng, quy hoạch các điểm trường đảm bảo hợp lý, khoa học; tiếp tục cải thiện hệ thống nhà vệ sinh, bếp ăn và cơ sở vật chất trường học,... để học sinh có không gian rèn luyện sức khỏe,...

Thanh Hùng

Toàn văn phát biểu của Thủ tướng về triển khai nhiệm vụ năm học mới

Toàn văn phát biểu của Thủ tướng về triển khai nhiệm vụ năm học mới

Ngày 28/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết năm học 2020-2021, triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 do Bộ GD-ĐT tổ chức.