- Trong buổi gặp mặt báo chí nhân kỷ niệm 91 năm ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2016) do Bộ TT&TT tổ chức chiều 21/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh nhu cầu tạo ra cuộc cách mạng mới trong nghề báo, kể cả báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử.
Vui mừng trước các thành tựu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thẳng thắn yêu cầu báo chí nhìn nhận những khó khăn, thách thức, sự phát triển của công nghệ và internet, báo in sụt giảm doanh thu, báo điện tử cạnh tranh khốc liệt với mạng xã hội, đồng lương khiêm tốn mà công việc vất cả, dù những người làm báo đã cố gắng tránh mặt trái của công nghệ thông tin.
Gửi lời thăm hỏi thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến toàn thể những người làm báo cả nước, Thủ tướng nhắc lại sự hình thành của báo chí cách mạng Việt Nam cách đây 91 năm gắn liền với sự nghiệp cách mạng của dân tộc, với khởi nguồn tờ báo Thanh niên do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập.
Ngày nay, với số lượng 850 tờ báo, 17 nghìn nhà báo, 35 nghìn người làm trong lĩnh vực báo chí, Thủ tướng nói đây chính là lực lượng xung kích trên mặt trận văn hóa tư tưởng, đóng góp quan trọng vào các thành tựu phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự gặp mặt kỷ niệm 91 năm báo chí cách mạng Việt Nam |
"Bản thân tôi, các lãnh đạo Đảng và nhà nước trong công việc hàng ngày vẫn thường xuyên tiếp xúc báo chí. Các phóng viên tôi từng tiếp xúc luôn truyền cho mọi người xung quanh sự nhiệt huyết làm nghề, tình yêu quê hương đất nước, tinh thần phụng sự nhân dân và sự lăn xả.
Hàng ngày đọc tin tức trên báo, chúng tôi qua đó lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người dân và doanh nghiệp, vì mục tiêu xây dựng Chính phủ kiến tạo, trong sạch, vững mạnh.
Tôi trân trọng tinh thần lao động hăng say, nhiệt huyết, trách nhiệm của các phóng viên trong các sự kiện lớn của đất nước như ĐH Đảng, họp QH, thiên tai, lũ lụt...", Thủ tướng nói.
Thủ tướng: Qua báo chí, chúng tôi lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân, doanh nghiệp |
Ông nhắc đến sự kiện gần nhất khi cả nước chờ đưa thi thể phi công Trần Quang Khải về đất liền, rất nhiều phóng viên đã thức trắng đêm ở Nghệ An để truyền tin tức, hình ảnh về tòa soạn, nơi mà các BTV cũng thức tắng đêm để chờ đợi.
Hết lòng phục vụ Tổ quốc, nhân dân
Lưu ý báo chí về tình hình phức tạp trong và ngoài nước, các thuận lợi và thách thức, Thủ tướng muốn báo chí phát huy không ngừng, tận dụng công nghệ truyền thông, tạo ra cuộc cách mạng mới trong nghề báo, kể cả báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử và sắp tới là mạng xã hội, có cách đưa tin mới để đáp ứng nhu cầu thông tin của nhân dân.
Thủ tướng cũng chia sẻ quan niệm của ông về tự do: Người dân tự do bày tỏ ý kiến, góp phần tìm chân lý, khi đó quyền tự do tư tưởng là quyền tự do phục tùng chân lý.
|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo các cơ quan báo chí |
Thủ tướng muốn mỗi nhà báo thực hiện lời dạy của Bác Hồ hết lòng phục vụ Tổ quốc, nhân dân và chân lý.
Ông chỉ ra một số nhiệm vụ trọng tâm báo chí cần làm đó là phát huy thành tựu, khắc phục tồn tại, tạo sự đồng thuận, thông tin nhanh nhạy, chính xác, khách quan, trung thực, phản biện chính sách, giám sát các cơ quan nhà nước...
"Mỗi nhà báo là một chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, là nòng cốt chống các thế lực phản động, bảo vệ chủ quyền, bác bỏ thông tin bôi nhọ, bịa đặt, gây mất đoàn kết trong Đảng, trong xã hội", Thủ tướng nhấn mạnh và yêu cầu chú trọng đào đạo, bồi dưỡng người làm báo cả về kỹ năng và đạo đức, khuyến khích việc làm tốt và xử lý nghiêm vi phạm, thực thiện tốt luật Báo chí và Quy hoạch báo chí đến năm 2030.
Thủ tướng cũng mong báo chí tuyên truyền và phản biện hệ thống hành chính tất cả các cấp vì mục tiêu phục vụ tốt hơn người dân và DN, cổ vũ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, phát hiện những vấn đề bức xúc, nổi cộm để Chính phủ kịp thời xử lý, mà vụ cá chết ở các tỉnh miền Trung thời gian qua là một ví dụ điển hình.
Mỗi nhà báo là chiến sĩ nòng cốt chống các thể lực phản động |
Lưu ý một số bài báo còn gây hại cho doanh nghiêp, nông dân, Thủ tướng một lần nữa nhắc nhở báo chí về lời dặn "chỉ làm những việc có lợi cho dân" của Bác Hồ, chúc những người làm báo tâm sáng lòng trong.
"Chính phủ sẽ đồng hành với báo chí trên con đường đầy khó khăn mà ý nghĩa này", Thủ tướng khẳng định.
Giữ vững bản chất cách mạng
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn nhấn mạnh sự trưởng thành vượt bậc, cả về số lượng, nội dung hình thức lẫn chất lượng thông tin của báo chí cách mạng trong 91 năm qua.
Đội ngũ những người làm báo giỏi về nghiệp vụ, vững về chính trị, có đạo đức nghề nghiệp trong sáng đang tiếp bước cha anh.
"Chúng tôi rất tự hào vì những người cầm bút vẫn là những người chiến sỹ trên mặt trận văn hóa, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ và vì cuộc sống ấm no của nhân dân", Bộ trưởng cho hay.
Bộ trưởng TT&TT Trương Minh Tuấn: Tự hào vì những người cầm bút vẫn là những người chiến sỹ trên mặt trận văn hóa, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ và vì cuộc sống ấm no của nhân dân |
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nêu bật vai trò của báo chí trong năm qua tích cực tuyên truyền có hiệu quả về các sự kiện quan trọng của đất nước như ĐH Đảng Toàn quốc lần thứ 12, bầu cử ĐBQH khóa 14, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, tuyên truyền bảo vệ chủ quyền biển đảo hiệu quả, tạo sự đồng thuận trong xã hội...
Ngoài ra, luật Báo chí 2016 được Quốc hội thông qua đã tạo hành lang pháp lý thông thoáng, rõ ràng giúp báo chí phát triển lành mạnh.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn tặng Thủ tướng bức tranh Bác Hồ được ghép từ những con tem. |
Quy hoạch Báo chí là một chủ trương lớn, có tác động lớn đến báo chí Việt Nam, giúp tinh gọn hệ thống báo chí, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để báo chí làm tốt hơn công tác tuyên truyền của mình.
Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý sai phạm trong hoạt động báo chí được tập trung đẩy mạnh, có tác dụng lập lại trật tự kỷ cương trong thông tin báo chí. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cho các phóng viên, BTV được quan tâm chỉ đạo...
|
Báo chí cần phát huy hơn nữa bản chất cách mạng trước những tác động và mặt trái của truyền thông xã hội |
Trong bối cảnh hiện nay, nhất là trước những tác động và mặt trái của truyền thông xã hội, Bộ trưởng lưu ý báo chí cần giữ vững và phát huy hơn nữa bản chất cách mạng, là một bộ phận của sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo,
Báo chí phải tham gia tích cực bảo vệ nền tảng tư tưởng và mục tiêu phấn đấu của Đảng và nhân dân, đồng hành cùng chính phủ trong phát triển KT-XH của đất nước.
Ông cũng khẳng định tăng cường công tác quản lý nhà nước về báo chí và phát huy vai trò của báo chí cách mạng là yêu cầu khách quan, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong giai đoạn hiện nay.
Trong bối cảnh phải đối mặt với nhiều thách thức của kỷ nguyên số, Bộ trưởng tin tưởng rằng phát huy truyền thống vẻ vang của báo chí cách mạng, các cơ quan báo chí, các nhà báo sẽ vượt qua thử thách, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước đã giao phó, đưa sự nghiệp báo chí nước ta ngày càng phát triển, xứng đáng với niềm tin và sự gửi gắm của nhân dân.
Chung Hoàng - Trọng Cầm - Ảnh: Phạm Hải