Dự tọa đàm bàn tròn với CEO của một số tập đoàn, quỹ đầu tư hàng đầu đang niêm yết tại sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE) vào chiều 16/5, theo giờ địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận hàng loạt câu hỏi của các doanh nghiệp. 

Chân thành, tin cậy, trách nhiệm

Lãnh đạo Amphenol Corporation (doanh nghiệp sản xuất các thiết bị điện tử cung cấp cho Boeing, Apple, Tesla…) chia sẻ đã từng đi du lịch Việt Nam từ năm 20 tuổi, rất yêu thích đất nước và ẩm thực Việt Nam. Amphenol Corporation đang muốn chuyển sang sản xuất tại Việt Nam, vì vậy ông đề nghị Thủ tướng thông tin thêm về các biện pháp của Chính phủ trong thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Trả lời câu hỏi này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, hiện nay, quy mô nền kinh tế Việt Nam không ngừng được mở rộng, năm 2021 đạt trên 362 tỷ USD (so với 4,2 tỷ USD năm 1986); GDP bình quân đầu người đạt gần 3.700 USD, tăng khoảng 26 lần so với năm 1990 (142 USD).

Thủ tướng trả lời CEO của một số tập đoàn, quỹ đầu tư hàng đầu đang niêm yết tại sàn giao dịch chứng khoán New York

Việt Nam đã trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trong ASEAN, một trong 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới. Đời sống người dân không ngừng được cải thiện, người dân ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, vào tương lai ngày càng phát triển của đất nước. 

Mục tiêu phát triển của Việt Nam đến năm 2025, là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao...

Để thu hút đầu tư nước ngoài, Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm “chân thành, tin cậy, trách nhiệm”, “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” giữa các bên. Việt Nam đang tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế phù hợp điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam và các cam kết quốc tế.

Bên cạnh đó, Việt Nam tập trung phát triển hạ tầng chiến lược như hạ tầng chuyển đổi số (Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số), hạ tầng giao thông, hạ tầng năng lượng, hạ tầng y tế… để thu hút các nhà đầu tư trực tiếp và gián tiếp.

Đồng thời xây dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, ổn định, giải quyết thủ tục hành chính hiệu quả, trong đó, chuyển đối số sẽ giúp giảm giao dịch trực tiếp, chống tiêu cực, phiền hà, tham nhũng. 

Theo Thủ tướng, một lợi thế khác của Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài là người lao động chịu khó, tuân thủ kỷ luật lao động và luật pháp.

Đại diện ngân hàng Duetsche Bank cho biết, vừa qua đã làm việc với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để hỗ trợ các doanh nghiệp niêm yết và nhắn nhủ đến Thủ tướng: "Chính phủ Việt Nam có thể hỗ trợ gì cho các doanh nghiệp để có thể niêm yết thành công trên thị trường chứng khoán nước ngoài, trong đó có thị trường chứng khoán New York?".

Thủ tướng cho biết, Chính phủ có trách nhiệm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam phát triển lành mạnh, bền vững, tuân thủ luật pháp. Trong đó, môi trường pháp lý là rất quan trọng, cần sự hợp tác giữa Chính phủ và doanh nghiệp để hoàn thiện. 

Trong bối cảnh tình hình thế giới thay đổi nhanh chóng, các chỉ đạo, điều hành của Chính phủ luôn bám sát tình hình, thích ứng với môi trường bên trong và bên ngoài để doanh nghiệp yên tâm, đồng thời định hướng cho doanh nghiệp. 

Mặt khác, bản thân doanh nghiệp cũng phải cố gắng vươn lên, tạo dựng uy tín trong nước và ngoài nước, chủ động học tập, hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp Mỹ.

Thủ tướng một lần nữa nhấn mạnh tinh thần “chân thành, tin cậy, trách nhiệm” trong hợp tác giữa các bên.

Ngoài ra, doanh nghiệp cần nỗ lực nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ mới và đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Nhiều doanh nghiệp của Việt Nam như Vietcombank, FPT, Vinfast đã có mặt tại Mỹ và rất cần sự hỗ trợ, hợp tác của các doanh nghiệp ở đây.

Việt Nam luôn mở cửa thu hút đầu tư vào các ngành mới nổi

Đại diện Goldman Such – Tập đoàn quản lý quỹ đầu tư lớn hàng đầu thế giới cho biết, muốn tìm hiểu kỹ hơn về định hướng chính sách với giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực ngân hàng, cũng như khả năng tiếp cận và sử dụng ngoại tệ. 

Trả lời câu hỏi này, Thủ tướng cho biết Chính phủ Việt Nam đã và đang tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu, hoàn thiện cơ sở pháp lý, cải thiện hơn nữa điều kiện đầu tư vào lĩnh vực tài chính – ngân hàng, minh bạch hóa các hoạt động ngân hàng, tăng cường quản trị theo thông lệ quốc tế.

Tại sàn giao dịch chứng khoán New York, Thủ tướng chứng kiến Lễ trao văn kiện trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, quỹ đầu tư. Ảnh: Nhật Bắc

Tuy nhiên, cách tiếp cận của một nước đang phát triển như Việt Nam không thể giống như Nhật, Mỹ hay Hàn Quốc. Việt Nam có những hạn chế về hạ tầng, cơ chế, chính sách, cũng chưa có nhiều kinh nghiệm nên tiếp cận thận trọng, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội. Điều này có lợi cho cả nhà đầu tư và cho Việt Nam. 

“Tôi hay so sánh, một người lẽ ra gánh được 20kg thì cố gắng nhiều cũng chỉ gánh được tới 25kg chứ không thể gánh tới 50kg được. Người còn yếu thì phải vậy thôi, phải đi từng bước thận trọng”, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam mong các nhà đầu tư chia sẻ.

Tuy nhiên Thủ tướng cũng khẳng định, Việt Nam cũng có cách tiếp cận tương tự với việc tiếp cận và sử dụng ngoại tệ của nhà đầu tư nước ngoài. 

Việt Nam đang nỗ lực xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả, xác định nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, ngoại lực là quan trọng, thường xuyên và đột phá. Việt Nam luôn mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài trong các ngành mới nổi, như thị trường chứng khoán, chuyển đổi năng lượng, số, y tế, dược phẩm…

Thủ tướng khẳng định Chính phủ Việt Nam luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. “Chúng tôi muốn tạo niềm tin và hiệu quả, cơ hội chắc chắn trong kinh doanh, không gây phiền hà, lo lắng cho các nhà đầu tư”, Thủ tướng quả quyết.

Chốt lại tọa đàm là câu hỏi của CEO Vinfast mong Thủ tướng có lời khuyên để trở thành nhà đầu tư ô tô điện công nghệ cao hàng đầu, tiếp cận thị trường Mỹ thành công.

Thủ tướng cho rằng, điều rất quan trọng là phải tôn trọng luật pháp và văn hóa, nhất là văn hóa kinh doanh của Mỹ. Doanh nghiệp phải bám sát thị trường, phát huy những kinh nghiệm đã có được từ thị trường trong nước. Đồng thời, tích cực đổi mới công nghệ, chuyển đổi số, đóng góp vào chuyển đổi số của đất nước.

Thủ tướng cho rằng việc đầu tư vào xe điện là đúng xu thế nhưng cần mạnh mẽ hơn. Cùng với đó, phải đa dạng hóa chuỗi cung ứng; luôn khiêm tốn học hỏi từ các doanh nghiệp, đồng nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp Mỹ.

Thu Hằng (từ New York)

Thủ tướng rung chuông kết thúc phiên giao dịch tại sàn chứng khoán New York

Thủ tướng rung chuông kết thúc phiên giao dịch tại sàn chứng khoán New York

Chiều 16/5, giờ địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Ban lãnh đạo sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE) và trao quà lưu niệm.
Thủ tướng chia sẻ với du học sinh tại Mỹ về tuyển dụng người tài

Thủ tướng chia sẻ với du học sinh tại Mỹ về tuyển dụng người tài

Thủ tướng khuyến khích các du học sinh lựa chọn nơi làm việc thuận lợi để đóng góp cho đất nước, không quá nặng nề làm việc trong hay ngoài nước và khẳng định: "Những người tài năng bao giờ cũng được lựa chọn".
Thủ tướng trả lời nhiều câu hỏi hay tại Đại học Harvard

Thủ tướng trả lời nhiều câu hỏi hay tại Đại học Harvard

Sau khi phát biểu tại Đại học Harvard, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự tọa đàm chính sách với giáo sư trường này về định hướng phát triển của Việt Nam trong thế kỷ 21.